Tin vắn thế giới ngày 20/11: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật an sinh xã hội trị giá 1.800 tỷ USD

Bạch Dương| 20/11/2021 07:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật an sinh xã hội trị giá 1.800 tỷ USD; Iran kêu gọi không chính trị hoá IAEA; Israel chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi; Cuba sẵn sàng xuất khẩu vaccine COVID-19 tới các nước Á-Âu… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật an sinh xã hội trị giá 1.800 tỷ USD

Với 220 phiếu thuận và 213 phiếu chống, ngày 19/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu xã hội nhằm tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và chống biến đổi khí hậu do Tổng thống nước này Joe Biden đề xuất.

Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn - là gói ngân sách trị giá 1.800 tỷ USD với mục tiêu thúc đẩy giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ em và khí hậu - được coi là bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm mang lại một xã hội công bằng hơn.

nancy-pelosi.jpg
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong cuộc họp ngày 19/11

Bắc Kinh chối bỏ vụ Philippines tố tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng hai tàu Philippines đã “xâm phạm vùng biển” gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong ngày 16/11. Ông nói rằng tàu Philippines đã đi vào vùng biển này khi “chưa được sự đồng ý” của Trung Quốc.

Nhật Bản phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông

Tối 18/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong đó, ông Kishida đã bày tỏ phản đối quyết liệt các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Iran kêu gọi không chính trị hoá IAEA

Ngày 19/11, Iran kêu gọi không chính trị hóa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sau khi Pháp hối thúc cơ quan này của LHQ cần "gửi thông điệp mạnh mẽ tới Tehran" về các hoạt động hạt nhân.

Trên tài khoản Twitter, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: “Là một thành viên có trách nhiệm của IAEA, Iran luôn nhấn mạnh rằng danh tiếng của IAEA với tư cách là cơ quan chuyên môn và kỹ thuật của LHQ phải đảm bảo không có bất kỳ hành động mang tính chính trị nào”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm thời chuyển giao quyền lực cho bà Kamala Harris

Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Kamala Harris trong ngày 19/11 để tiến hành kiểm tra tổng quát và chuyên sâu sức khỏe định kỳ hằng năm.

Với quyết định này, bà Harris trở thành nữ chính khách Mỹ đầu tiên đảm đương vai trò quyền lực của tổng thống.

Lãnh đạo Nga, Belarus điện đàm về khủng hoảng người di cư

Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã có cuộc điện đàm thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan.

Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.

Đức thông qua Luật Phòng chống lây nhiễm sửa đổi

Ngày 19/11, Hội đồng Liên bang Đức (Thượng viện) đã thông qua những điểm sửa đổi trong Luật Phòng chống lây nhiễm.

Luật mới cho phép “tình trạng khẩn cấp” về đại dịch COVID-19 hết hạn vào ngày 25/11, nhưng sẽ đưa ra các biện pháp được áp đặt trên phạm vi rộng hơn để chống lại làn sóng dịch thứ tư, trong đó bao gồm việc thực hiện quy tắc “3G” tại nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng trong cả nước.

Mỹ mở rộng diện tiêm liều tăng cường vaccine của Pfizer và Moderna

Ngày 19/11, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) đã thông qua việc sử dụng các vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna sản xuất làm liều tiêm tăng cường cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, sau khi những người này đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 tối thiểu 6 tháng.

Israel chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 19/11 cho biết Israel sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 -11 tuổi từ ngày 23/11.

Việc tiêm phòng cho trẻ em được triển khai sau khi Israel nhận được lô hàng gồm hàng trăm nghìn liều vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 21/11, chậm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Italy đẩy sớm việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người trên 40 tuổi

Ngày 19/11, phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Nông nghiệp Italty (Coldiretti) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố việc tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/11, thay vì 1/12 như kế hoạch, do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Hayashi cho biết 9 quốc gia được Chính phủ Nhật Bản cung cấp vaccine đợt này là Campuchia, Lào, Bangladesh, Tonga, Vanuatu, Nicaragua, Ai Cập, Yemen và Syria, theo chương trình chia sẻ vaccine quốc tế COVAX.

Nhật Bản chia sẻ vaccine hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống COVID-19

Ngày 19/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi thông báo nước này sẽ cung cấp tổng cộng thêm 3,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca cho 9 quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Cuba sẵn sàng xuất khẩu vaccine COVID-19 tới các nước Á-Âu

Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz tuyên bố quốc gia này sẵn sàng xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 nội địa cho các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và mở cơ sở sản xuất tại nước ngoài.

abdala-vaccine-cuba.jpg
Vaccine Abdala của Cuba. Ảnh: Xinhua

Lào cấp phép sản xuất thử nghiệm thuốc hỗ trợ điều trị trong nước

Ngày 19/11, Bộ Y tế Lào đã cấp phép cho Công ty dược Nhà nước số 3 sản xuất viên uống molnupiravir, một loại thuốc uống được đánh giá tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19.

Tại Viêng Chăn, việc sản xuất molnupiravir ở Lào và chương trình thử nghiệm sẽ nằm dưới sự giám sát của WHO. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 12, với số lượng đủ điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19.

Nhật Bản miễn phí vé tàu cao tốc cho trẻ em nhằm phục hồi du lịch

Các nhà điều hành tàu cao tốc của Nhật Bản ngày 19/11 cho biết trẻ em sẽ được miễn phí đi tàu cao tốc qua hầu hết các thành phố lớn ở nước này. Đây là một phần trong chiến dịch phục hồi ngành du lịch nội địa của Nhật Bản vốn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tổng thống Pháp khẳng định không cần phong tỏa người chưa tiêm vaccine

Ngày 18/11, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp không cần áp đặt phong tỏa đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 như nhiều quốc gia châu Âu khác, theo đó, ông nhấn mạnh hiệu quả của việc áp dụng thẻ thông hành y tế ở nước này.

Áo tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng COVID-19

Theo hãng tin RT (Nga), Áo sẽ áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 22/11 nhằm nỗ lực đối phó với làn sóng COVID-19 mới.

Tuyên bố trên được Thủ tướng Alexander Schallenberg đưa ra trong một cuộc họp báo hôm 19/11. Theo đó, biện pháp phong tỏa sẽ được áp dụng đối với toàn bộ người dân nước này. Ông Schallenberg cho biết các hạn chế phòng dịch có thể được thắt chặt hơn nữa nếu tỉ lệ lây nhiễm không có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thủ tướng khẳng định lệnh phong tỏa sẽ diễn ra không quá 20 ngày.

Philippines sẽ sớm mở cửa đón khách quốc tế

Bộ trưởng Du lịch Philippines Berna Puyat thông báo nước này sẽ sớm mở cửa đón tiếp du khách quốc tế trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị kế hoạch mở cửa một phần đối với các du khách đã hoàn thành tiêm chủng.

Bà Puyat nhấn mạnh việc cho phép các du khách từ các nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách xanh, tức là có tỷ lệ tiêm chủng cao và ít có nguy cơ về dịch bệnh, sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Theo Chính phủ Philippines, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp vào vùng xanh.

Hàn Quốc nối lại hoạt động dạy học trực tiếp từ tuần tới

Lần đầu tiên trong gần 2 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hàn Quốc sẽ nối lại việc giảng dạy và học tập trực tiếp tại trường học vào tuần tới sau khi kỳ thi đầu vào đại học kết thúc.

Nhật Bản nới lỏng hạn chế với các sự kiện quy mô lớn và cơ sở kinh doanh ăn uống

Ngày 19/11, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ giới hạn về số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và nới lỏng một số biện pháp hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Máy bay của Tây Ban Nha phải sơ tán hành khách do bị đe dọa đánh bom

Ngày 19/11, một máy bay chở khách thuộc hãng hàng không nội địa Volotea của Tây Ban Nha đã phải sơ tán toàn bộ hành khách sau khi hạ cánh xuống thành phố Coruna, Tây Bắc nước này, do bị đe dọa đánh bom.

Pháp vẫn thiếu khoảng 150 giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit

Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin ngày 19/11 cho biết nước này vẫn thiếu khoảng 150 giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit, đồng thời đưa ra viễn cảnh về bồi thường tài chính cho những ngư dân bị ảnh hưởng trong bối cảnh các cuộc hội đàm về vấn đề này tiếp tục.

Pháp và Anh đã tranh cãi kịch liệt về số giấy phép London cấp cho các thuyền đánh cá của Pháp sau khi Anh rời khỏi EU. Paris nói nhiều điều khoản đang bị lãng quên trong khi London khẳng định họ vẫn tôn trọng thỏa thuận.

Hàn Quốc hối thúc Mỹ đàm phán về điều chỉnh quy định đánh thuế thép

Ngày 19/11, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yeo Han-koo đã kêu gọi Mỹ nhanh chóng triển khai các cuộc đàm phán nhằm điều chỉnh các quy định thuế quan trong Chương 232 đối với xuất khẩu thép của Hàn Quốc.

Nigeria: Dầu phun ra từ một miệng giếng suốt hai tuần qua

Nigeria vẫn đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do dầu tràn từ một giếng dầu của công ty Aiteo Eastern E&P và NNPC của nước này trong suốt hai tuần qua.

Trong thông báo đưa ra ngày 19/11, Aiteo cho biết dầu tràn với số lượng rất lớn đã xảy ra từ ngày 5/11, nhưng công tác ngăn chặn, xử lý chưa hiệu quả. NNPC chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Hàn Quốc tăng tốc nhập khẩu ure giải quyết khủng hoảng trong nước

Hàn Quốc đang tăng tốc nhập khẩu ure để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt dung dịch sử dụng cho các phương tiện chạy dầu diesel.

Cụ thể trong tuần tới, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận chuyến tàu chở 300 tấn ure nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một phần trong tổng số 18.700 tấn ure đã được Hàn Quốc ký hợp đồng mua của Trung Quốc trước đó nhưng thời gian qua đã bị đình lại do Bắc Kinh áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Mexico dự báo tỉ lệ lạm phát 'lập đỉnh' trong vòng 20 năm

Ngày 19/11, Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) dự báo tỉ lệ lạm phát kết thúc năm 2021 của quốc gia Bắc Mỹ này sẽ “lập đỉnh” trong vòng 20 năm khi lên đến 7,1%.

Banxico dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico sẽ tăng 6,2% trong năm nay và 3,0% trong năm 2022 nhờ sự mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và sự phục hồi của kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.

Pháp siết chặt việc sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc

Ngày 19/11, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã trong các buổi biểu diễn xiếc. Dự luật sẽ sớm được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký ban hành.

Theo dự luật mới, nhằm bảo vệ quyền của các loài động vật, từ năm 2024, các buổi biểu diễn có sử dụng các loài động vật hoang dã như sư tử, hổ hay gấu sẽ bị cấm. Trong 7 năm tới, việc sở hữu động vật hoang dã cũng sẽ bị xem là vi phạm pháp luật. Luật mới cũng cấm việc sử dụng động vật hoang dã trong các chương trình trên truyền hình, tại hộp đêm hay các buổi tiệc cá nhân, các buổi biểu diễn với cá heo cùng với hoạt động nuôi chồn lấy lông.

Australia công bố lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không

Theo lộ trình do Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia (ARENA) công bố ngày 18/11, vào những năm 2030, mỗi một ngành sản xuất nhiên liệu xanh trong nước sẽ có giá trị 10 tỷ dollar Australia (AUD, tương đương 7,2 tỷ USD) mỗi năm, giảm 9% lượng khí thải và giúp kho dự trữ loại nhiên liệu này của quốc gia tăng thêm lượng nhiên liệu với lượng nhiên liệu được bổ sung thêm tương đương với mức nhiên liệu của 27 ngày. Trong khi đó, vào những năm 2050, một ngành năng lượng sinh học được mở rộng quy mô sẽ có trị giá 14 tỷ AUD, tạo thêm 35.300 việc làm và giảm 12% lượng phát thải khí thải carbon so với năm 2019.

Hàn Quốc cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cửa hàng ăn uống

Từ năm 2022, các cửa hàng cafe và nhà hàng tại Hàn Quốc sẽ bị cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần tại cửa hàng để giảm rác thải nhựa đang ngày càng nhiều trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.

Mới đây, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã thông báo về việc sửa đổi luật, qua đó cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần như cốc giấy và ống hút nhựa tại các cửa hàng cafe, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh và các nhà hàng khác kể từ ngày 1/1/2022 hoặc sớm nhất là từ tháng 12 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 20/11: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật an sinh xã hội trị giá 1.800 tỷ USD