Tin vắn thế giới ngày 24/12: Mỹ phê duyệt sử dụng thuốc viên Molnupiravir điều trị COVID-19 tại nhà

Bạch Dương| 24/12/2021 07:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

22 quốc gia châu Phi báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron; Mỹ phê duyệt việc sử dụng thuốc viên Molnupiravir điều trị COVID-19 tại nhà; Cuba chuẩn bị ra mắt vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt; Philippines phê duyệt thuốc molnupiravir và tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi… là tin tức thế giới đáng chú ý.

22 quốc gia châu Phi báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron

Ngày 23/12, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 22 quốc gia châu Phi đã báo cáo ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron của COVID-19. Ông John Nkengasong, Giám đốc CDC châu Phi, nhấn mạnh rằng “Chúng ta có thể thấy rõ rằng biến thể Omicron đang lan truyền rất nhanh ở châu Phi”.

bien-the-covid-19-moi-omicron.jpg
22 quốc gia châu Phi báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Ảnh minh họa

CDC châu Phi khuyến cáo không nên chỉ đánh giá về biến thể Omicron qua dữ liệu của Nam Phi

Không nên ngoại suy dữ liệu của Nam Phi về việc bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta từ 70-80% cho tất cả các nước. Đây là tuyên bố của người đứng đầu Trung tâm ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong đưa ra ngày 23/12.

Biến thể Omicron lan rộng tại Italy

Dữ liệu sơ bộ của cuộc khảo sát nhanh do Viện Y tế quốc gia (ISS) Italy tiến hành cho thấy biến thể này chiếm 28% số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 20/12, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 0,19% trong cuộc khảo sát ngày 6/12.

Theo ISS, kết quả 2 cuộc khảo sát cho thấy thời gian nhân đôi của biến thể Omicron tại Italy là khoảng 2 ngày, phù hợp với mô hình ở các quốc gia châu Âu khác.

Brunei ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Ngày 23/12, Brunei xác nhận ca đầu tiên ở nước này nhiễm biến thể mới Omicron. Theo Bộ Y tế Brunei, bệnh nhân này tới Brunei từ Anh vào ngày 17/12 và được đưa đi cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hiện, bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe tốt, không còn có bất kỳ dấu hiệu nào mắc bệnh.

Mỹ phê duyệt việc sử dụng thuốc viên Molnupiravir điều trị COVID-19 tại nhà

Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ ngày 23/12 đã phê duyệt thuốc viên kháng virus của Merck & Co, dùng trong điều trị COVID-19, có tên Molnupiravir.

Trong thử nghiệm lâm sàng đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao, thuốc Molnupiravir cho thấy hiệu quả giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong khoảng 30%. FDA đã cấp phép sử dụng loại thuốc này để điều trị COVID-19 từ thể nhẹ đến trung bình ở những bệnh nhân trưởng thành có nguy cơ tiến triển nặng hoặc những người không thể tiếp cận các cơ sở y tế để điều trị. Thuốc Molnupiravir không được phép dùng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi do có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

100321-merck-2-.jpg
Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ). Ảnh: AFP

Cuba chuẩn bị ra mắt vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt

Chủ tịch Tập đoàn công nghệ sinh học BioCubaFarma của Cuba Eduardo Martínez ngày 23/12 tuyên bố các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh vaccine Mambisa, một trong số ít các loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng qua đường mũi đang được nghiên cứu và phát triển trên thế giới, có khả năng phản ứng miễn dịch niêm mạc cao chống lại virus SARS-CoV-2, do đó có thể ngăn ngừa hiệu quả sự lây truyền của virus và cung cấp một mức độ miễn dịch khử trùng nhất định.

Philippines phê duyệt thuốc molnupiravir và tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines ngày 23/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc viên nén molnupiravir điều trị COVID-19 do hãng dược phẩm Merck (Mỹ) phát triển và Faberco Life Sciences phân phối.

FDA Philippines cũng cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do các hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi, dự kiến từ tháng 1/2022. Mỗi liều vaccine dùng cho trẻ 5-11 tuổi là 10 microgam. Phác đồ tiêm hoàn chỉnh là hai liều cách nhau 21 ngày.

Anh triển khai tiêm phòng cho trẻ em dễ bị tổn thương từ 5-11 tuổi

Chính phủ Anh thông báo triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Anh cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi này.

Theo Ủy ban Hỗn hợp về Vaccine và Tiêm chủng của Anh (JCVI), trẻ em sẽ được tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, với liều lượng mỗi liều là 10 mg - tương đương 1/3 liều của người lớn. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8 tuần.

Tiêm 3 mũi vaccine Sinovac vẫn không ngăn được biến thể Omicron

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Hong Kong và Đại học Trung Hoa Hong Kong, việc tiêm ba mũi vaccine Sinovac không tạo đủ mức trung hòa kháng thể để bảo vệ người được tiêm trước sự tấn công của biến thể siêu lây nhiễm mới Omicron.

Nghiên cứu nói trên gợi ý rằng những người đã tiêm vaccine Sinovac, được biết tới là CoronaVac, nên tìm cách tiêm một loại vaccine khác cho mũi tăng cường. Việc những người tiêm hai mũi đầu bằng CoronaVac và tiêm mũi thứ ba là vaccine công nghệ mRNA của hãng BioNTech SE sẽ cải thiện đáng kể mức độ kháng thể chống lại Omicron.

Ecuador tuyên bố tiêm chủng là bắt buộc

Ngày 23/12, Chính phủ Ecuador tuyên bố việc tiêm chủng ngừa COVID-19 là bắt buộc và lệnh có hiệu lực ngay lập tức do sự gia tăng các ca mắc mới và việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện trên thế giới đang gây áp lực lên hệ thống y tế nước này.

AU kêu gọi các nước xem xét bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19

Ngày 23/12, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Liên minh châu Phi (AU) - ông John Nkengasong cho biết cơ quan y tế này sẽ bắt đầu kêu gọi các quốc gia thành viên xem xét việc tiêm chủng bắt buộc vaccine ngừa COVID-19 nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đang rất thấp.

Italy tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19 dịp Giáng sinh, Năm mới

Theo đó, sắc lệnh mới quy định việc đeo khẩu trang ngoài trời là bắt buộc, và sử dụng khẩu trang FFP2 trong rạp chiếu phim, sân vận động, cũng như trên các phương tiện giao thông đường dài; không được phép ăn uống trong rạp chiếu phim.

Sắc lệnh mới quy định thời hạn của Thẻ xanh COVID-19 sẽ giảm từ 9 tháng xuống còn 6 tháng và thời gian tối thiểu để tiêm liều thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 sẽ giảm từ 5 tháng xuống 4 tháng kể từ thời điểm hoàn thành chu kỳ tiêm chủng. Trong khi các dịch vụ khiêu vũ, vũ trường và các hoạt động tương tự sẽ đóng của đến ngày 31/1/2022.   Theo sắc lệnh mới, từ ngày 30/12, người dân phải có Thẻ xanh COVID-19 mới được phép tham gia các dịch vụ bơi lội, phòng tập thể dục, thể thao, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, trung tâm văn hóa, vui chơi, giải trí; việc áp dụng ngoại trừ trẻ em dưới 12 tuổi và những trường hợp được miễn tiêm chủng.

the_xanh_italy.jpg
Nhân viên an ninh kiểm tra ''thẻ xanh COVID-19'' của khách tham quan tại Rome (Italy), ngày 6/8/2021.

Nhiều trường đại học Mỹ chuyển sang học trực tuyến do lo ngại về biến thể Omicron

Đại học California, Los Angeles (UCLA), và 6 phân viện của Đại học California (UC) đã thông báo mở các lớp học từ xa vào học kỳ tới. Nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, các trường sẽ khó quay trở lại học trực tiếp trong tương lai gần.

Trong khi đó, mười phân viện của UC, với 280.000 sinh viên và 227.000 nhân viên, còn yêu cầu tất cả sinh viên và nhân viên phải có chứng nhận đã tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.

Hai bang đông dân nhất của Australia siết chặt quy định phòng dịch

Ngày 23/12, hai bang đông dân nhất Australia là New South Wales và Victoria đã áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới hằng ngày tăng cao do biến thể Omicron.

Malaysia và Singapore hạn chế Chương trình VTL    

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin tuyên bố tạm dừng bán vé xe bus và vé máy bay thuộc Chương trình Hành lang du lịch tiêm chủng (VTL) giữa Malaysia và Singapore từ ngày 23/12/2021 đến ngày 20/1/2022.

Dự kiến Chương trình VTL có thể được mở lại vào ngày 21/1/2022 dựa trên các đánh giá rủi ro về tình hình dịch COVID-19 hiện tại ở cả hai nước.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan hủy các sự kiện đón mừng Năm mới

Thống đốc Bangkok Asawin Kwanmuang đã ra lệnh cho các cơ quan chính quyền hủy những sự kiện lễ hội do nhà nước tổ chức, kể cả lễ đếm ngược chào đón Năm mới 2022 tại quảng trường thành phố, do lo ngại về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Quyết định nói trên được đưa ra theo hướng dẫn của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) về việc tổ chức những sự kiện mừng Năm mới dự kiến vào ngày 31/12 và 1/1.

Ấn Độ khuyến cáo các địa phương cảnh giác trước biến thể Omicron

Ngày 23/12, Chính phủ trung ương Ấn Độ đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang không nên mất cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

Thứ trưởng Bộ Y tế Rajesh Bhushan cho biết đã rà soát công tác chuẩn bị về y tế cộng đồng của các bang trong việc phòng chống dịch COVID-19 và biến thể Omicron cùng với tiến độ tiêm chủng.

Tây Ban Nha tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời nhưng vẫn áp dụng với các địa điểm công cộng có không gian kín hoặc không gian ngoài trời không đảm bảo giãn cách xã hội.

Slovenia giới hạn số người mua sắm cùng lúc

Chính phủ Slovenia ban bố quy định hạn chế số lượng người mua sắm tại cùng thời điểm trong cùng một không gian, theo đó mỗi 10m2 diện tích cửa hàng chỉ được phép đón một khách mua hàng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 23/12.

Ngoài ra, theo quy định mới, tất cả những người tiếp xúc với người mắc COVID-19 sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày, ngoại trừ những người đã tiêm vaccine mũi tăng cường.

Lào sẽ thí điểm mở lại trường học từ tháng 1/2022

Theo đó, các trường học sẽ được phép mở cửa thí điểm trở lại sau khi ấn định thời khóa biểu cụ thể, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và cung cấp các vật chất cần thiết cho việc phòng ngừa lây nhiễm.

Các lớp học sẽ được thí điểm mở lại bắt đầu từ 10/1/2022 đối với các trường học đạt tối thiểu 70% tiêu chí đánh giá của Bộ Y tế. Mỗi địa phương sẽ tiến hành thẩm định trường học trên địa bàn mỗi tuần 2 lần để xác định phương hướng kiểm soát tiếp theo.

Bỉ đóng cửa 7 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2025

Theo một thỏa thuận các đảng trong chính phủ liên hiệp ở Bỉ đạt được ngày 23/12, nước này sẽ đóng cửa 7 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2025, song vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ hạt nhân thế hệ mới.

Afghanistan: Đánh bom liều chết tại văn phòng cấp hộ chiếu ở thủ đô Kabul

Một người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, ngày 23/12, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại khi vực văn phòng cấp hộ chiếu ở thủ đô Kabul. Kẻ đánh bom đã bị lực lượng an ninh bắn hạ tại cổng văn phòng này.

Thương vong trong vụ chìm tàu tại Madagascar tiếp tục tăng

Các quan chức hàng hải CH Madagascar ngày 23/12 cho biết sau khi trục vớt thêm 21 thi thể, tổng số nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm tàu mới đây ở ngoài khơi quốc gia Đông Phi này đã tăng lên 85 người. Trong số các nạn nhân có 5 trẻ em.

Rơi máy bay chở hàng ở CHDC Congo, ít nhất 5 người thiệt mạng

Ngày 23/12, một máy bay chở hàng đã bị rơi ở vùng Shabunda, miền Đông CHDC Congo, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Nổ lớn tại thủ đô Ấn Độ, 2 người thiệt mạng

Cảnh sát Ấn Độ cho biết, ngày 23/12, đã có 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương trong một vụ nổ lớn xảy ra tại trụ sở một tòa án tại thủ đô New Delhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 24/12: Mỹ phê duyệt sử dụng thuốc viên Molnupiravir điều trị COVID-19 tại nhà