Tin vắn thế giới ngày 22/12: Tổng thống Nga tiếp tục xem người Ukraine là “dân tộc anh em”

Bạch Dương| 22/12/2022 07:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Nga tiếp tục xem người Ukraine là “dân tộc anh em”; Trung Quốc thay đổi định nghĩa 'tử vong vì COVID-19'; Indonesia cân nhắc sớm dỡ bỏ toàn bộ hạn chế chống dịch COVID-19; Taliban trả tự do cho 2 công dân Mỹ bị giam giữ tại Afghanistan… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Nga tiếp tục xem người Ukraine là “dân tộc anh em”

Ngày 21/12, phát biểu tại hội nghị quốc phòng cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Moscow có thể đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine mà không phải quân sự hóa nền kinh tế.

Ông Putin khẳng định Nga sẽ cải thiện các lực lượng vũ trang nước này một cách đều đặn và suôn sẻ mà không làm suy giảm chất lượng dịch vụ xã hội dành cho người dân. Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng cho rằng những tổn thất trên chiến trường Ukraine là “thảm kịch chung”. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố tiếp tục xem người Ukraine là “dân tộc anh em” bất chấp chiến dịch quân sự hiện nay.

vladimir-putin.jpeg

Thượng viện Mỹ phê chuẩn Đại sứ tại Nga

Ngày 21/12, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Lynne Tracy làm Đại sứ tại nước này tại Nga, chấm dứt tình trạng khuyết vị trí này 3 tháng qua trong bối căng thẳng gia tăng do cuộc xung đột tại Ukraine.

Với 93 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Thượng viện phê chuẩn bà Lynne Tracy, người hiện là Đại sứ Mỹ tại Armenia, và từng là nhân vật số 2 tại Đại sứ quán ở Moskva làm Đại sứ Mỹ tại Nga. Bà Tracy là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí ngoại giao chủ chốt này.

Israel: Ông Netanyahu thành lập được chính phủ mới

Tối 21/12 theo giờ địa phương, nhà lãnh đạo kỳ cựu của Israel, ông Benjamin Netanyahu thông báo với Tổng thống nước này Isaac Herzog rằng ông đã thành lập được một chính phủ mới, qua đó trở lại nắm quyền với tư cách là người đứng đầu liên minh cánh hữu tại Israel.

Trước đó, ngày 8/12, ông Netanyahu, người được chỉ định thành lập chính phủ, đã đề nghị Tổng thống Isaac Herzog kéo dài thời hạn thành lập chính phủ liên minh mới thêm 14 ngày.

Iran nêu rõ lập trường về thỏa thuận hạt nhân

Ngày 21/12, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố rằng nếu “lằn ranh đỏ” của nước Cộng hòa Hồi giáo được tôn trọng, Iran sẵn sàng thực thi những bước đi cuối cùng nhằm đạt được một thỏa thuận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Theo hãng thông tấn chính thức IRNA, Ngoại trưởng Iran nói rằng có cơ hội thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell và Điều phối viên EU về đàm phán hạt nhân Enrique Mora trong chuyến thăm Jordan.

Quan chức Nhà Trắng tiết lộ nội dung hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Ukraine

Quan chức Nhà Trắng tiết lộ trong cuộc gặp song phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ thảo luận về loạt chủ đề, bao gồm chiến lược trên chiến trường, năng lượng và các biện pháp trừng phạt.

Theo vị quan chức trên, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp song phương kéo dài với Tổng thống Zelensky trong chuyến thăm Nhà Trắng. Tuần trước, Nhà Trắng đã chính thức gửi lời mời tới Tổng thống Zelensky.

Lãnh đạo Mỹ, Canada xác nhận dự Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ ở Mexico

Ngày 20/12, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Mexico từ ngày 9-10/1/2023 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ.

Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby, tại hội nghị, Tổng thống Biden sẽ có các cuộc trao đổi với Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và Thủ tướng Canada Justin Trudeau về các vấn đề khí hậu, cạnh tranh kinh tế và di cư.

Fiji có Thủ tướng và chính phủ liên minh mới

Ngày 21/12, ông Sitiveni Rabuka, thủ lĩnh đảng Liên minh Nhân dân đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của Fiji, sau khi các đảng đối lập của nước này tuyên bố đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh mới.

Những người ủng hộ đảng Liên minh Nhân dân mô tả đây là một ngày lịch sử đối với Fiji. Chiến thắng của ông Rabuka đánh dấu sự kết thúc thời kỳ điều hành đất nước kéo dài của nhà lãnh đạo kỳ cựu Frank Bainimarama, người nắm giữ vị trí Thủ tướng Fiji từ năm 2006.

Trung Quốc thay đổi định nghĩa 'tử vong vì COVID-19'

Ngày 21/12, Trung Quốc tuyên bố nước này không có trường hợp mới nào tử vong vì COVID-19 vào ngày trước đó, sau khi thay đổi tiêu chí về cách tính ca tử vong.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc công bố chỉ tính những trường hợp tử vong vì suy hô hấp bởi virus SARS-CoV-2. Trước đó, người tử vong vì bệnh nền trong khi mắc COVID-19 vẫn được tính là tử vong vì COVID-19. Trước ngày 21/12, Trung Quốc công bố có 7 ca tử vong vì COVID-19, tất cả đều ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, dựa trên cách tính mới, Trung Quốc đã giảm đi một trường hợp tử vong.

211222-tau_jpg.jpg
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 14/12.

Trung Quốc chuyển đổi trạm xét nghiệm COVID-19 làm phòng tư vấn bệnh nhân sốt

Chính quyền thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã quyết định chuyển đổi các trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 thành những phòng tư vấn cho các bệnh nhân sốt. Để giảm tải cho các bệnh viện, một số quận ở thành phố Thâm Quyến đang chuyển đổi các trạm xét nghiệm thành phòng tư vấn có thể tiếp nhận các bệnh nhân sốt và kê đơn thuốc cơ bản.

Tại quận Phúc Điền, 53 trạm xét nghiệm đã được tận dụng làm phòng tư vấn bệnh nhân sốt, trong khi quận Bảo An cũng có 66 trung tâm y tế cộng đồng chuyển đổi từ trạm xét nghiệm. Mỗi phòng rộng khoảng 4 m2 có đủ chỗ cho 1 bệnh nhân và 1 bác sĩ, được trang bị các thiết bị khử khuẩn và thông hơi.

Ấn Độ thúc đẩy giải trình tự bộ gene virus ở các ca mắc COVID-19

Báo chí Ấn Độ ngày 20/12 đưa tin Bộ Y tế nước này đã chỉ thị các cơ quan chức năng cấp bang tăng cường giải trình tự bộ gene virus ở các ca mắc COVID-19 trước tình trạng “gia tăng đột biến” số ca mắc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Brazil.

Nguồn tin báo chí chí dẫn chỉ thị của Bộ Y tế Ấn Độ cho rằng “điều quan trọng là phải đẩy nhanh thiết lập toàn bộ trình tự gene ở các mẫu bệnh phẩm lấy từ các trường hợp dương tính” nhằm theo dõi và xác định mọi biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo đó, yêu cầu tất cả các bang hằng ngày gửi nhiều nhất có thể các mẫu bệnh phẩm đến các phòng thí nghiệm giải trình tự bộ gene được chỉ định trên toàn quốc.

Indonesia cân nhắc sớm dỡ bỏ toàn bộ hạn chế chống dịch COVID-19

Ngày 21/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ nước này sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế xã hội liên quan đến COVID-19 được áp đặt trong gần 3 năm qua, đồng thời khẳng định Indonesia đã được trang bị tốt để đối phó với dịch bệnh đang tiếp diễn.

Phát biểu tại hội thảo về triển vọng kinh tế Indonesia ở Jakarta, Tổng thống Joko Widodo cho hay số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày “không còn là mối đe dọa” đối với hệ thống y tế quốc gia so với con số hàng chục nghìn ca mỗi ngày trong giai đoạn cao điểm.

Châu Âu đối mặt làn sóng dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay

Theo Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu và Liên minh châu Âu (EU), trong thời gian từ tháng 10/2021-9/2022, đã có khoảng 2.500 đợt bùng phát dịch cúm gia cầm được ghi nhận tại các trang trại ở 37 nước châu Âu. Khoảng 50 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy do mắc bệnh. Con số này chưa bao gồm số gà, vịt và gà tây bị tiêu hủy để phòng ngừa dịch lây lan.

Theo EFSA, đây là lần đầu tiên hai làn sóng dịch liên tiếp xảy ra, khi nhà chức trách không kiểm soát được virus cúm gia cầm trong mùa Hè.

Taliban trả tự do cho 2 công dân Mỹ bị giam giữ tại Afghanistan

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Taliban tại Afghanistan ngày 20/12 đã trả tự do cho 2 công dân Mỹ bị giam giữ ở nước này, động thái được Washington đánh giá là một cử chỉ thiện chí.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price không tiết lộ danh tính của 2 công dân trên. Ông khẳng định việc thả 2 công dân này không liên quan bất kỳ thỏa thuận trao đổi tù nhân hoặc người bị giam giữ nào và cũng không có khoản tiền nào được trả để đối lấy việc này.

Belarus hạn chế tiếp cận một số khu vực giáp Ukraine, Nga

Ngày 21/12, Belarus đã ban hành phán quyết tạm thời hạn chế tiếp cận một số khu vực ở vùng Gomel phía Đông Nam giáp Ukraine và Nga. Chính phủ Belarus không cho biết lệnh hạn chế trên sẽ kéo dài bao lâu nhưng nói rằng các lệnh này không áp dụng với các quan chức, người lao động và cư dân của những khu vực đó.

Gambia ngăn chặn âm mưu đảo chính quân sự

Ngày 21/12, Chính phủ Gambia thông báo đã ngăn chặn thành công một âm mưu đảo chính quân sự, bắt giữ 4 binh lính tình nghi tham gia kế hoạch lật đổ chính quyền của Tổng thống Adama Barrow.

Thông báo từ Chính phủ Gambia nêu rõ sau một chiến dịch quân sự ngày 20/12, Tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang nước này đã bắt giữ 4 binh lính liên quan âm mưu đảo chính. Chiến dịch được thực hiện dựa trên các thông tin tình báo cho thấy một số binh lính quân đội nước này đang lên kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền.

LHQ công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo cho Nam Sudan năm 2023

Ngày 20/12, LHQ đã công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo trị giá 1,7 tỷ USD cho Nam Sudan vào năm 2023.

Phó đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ và Điều phối viên nhân đạo tại Nam Sudan Sara Beysolow Nyanti cho biết kế hoạch này nhằm hỗ trợ cho 6,8 triệu người là nạn nhân của xung đột, các cú sốc khí hậu và mất nhà cửa trên khắp nước này.

CH Czech tiếp tục gia hạn kiểm soát biên giới với Slovakia

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ CH Czech Vit Rakusan ngày 21/12 thông báo chính phủ nước này đã quyết định gia hạn việc kiểm soát biên giới với Slovakia thêm 30 ngày, đến ngày 25/1/2023.

Quyết định trên của Chính phủ Czech sẽ kéo dài biện pháp đang áp dụng hiện nay, dự kiến sẽ kết thúc ngày 26/12 tới. Tuy nhiên, theo ông Rakusan, biện pháp gia hạn đến ngày 25/1/2023 sẽ được thực hiện một cách "nhẹ nhàng hơn" trên cơ sở cảnh sát sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các phương tiện nhập cảnh vào lãnh thổ Czech từ Slovakia.

Ấn Độ lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán IPEF tiếp theo

Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ngày 20/12 cho biết nước này sẽ đăng cai vòng đàm phán đặc biệt tiếp theo về 3 trong số 4 trụ cột của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) từ ngày 8-11/2/2023.

Cụ thể, vòng đàm phán tới đây sẽ tập trung vào 3 trụ cột là chuỗi cung ứng, nền kinh tế công bằng (gồm các vấn đề về thuế, chống tham nhũng) và năng lượng sạch. Trụ cột cuối cùng là chính sách thương mại dự kiến không được đề cập trong vòng đàm phán này. Đây là trụ cột duy nhất mà Ấn Độ không tham gia vì muốn chờ thêm các cam kết rõ ràng.

WB phê duyệt khoản cho vay 274 triệu USD hỗ trợ Campuchia phục hồi kinh tế

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/12 thông báo đã phê duyệt khoản tín dụng 274 triệu USD hỗ trợ Campuchia thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Theo thông cáo báo chí của WB, khoản cho vay này sẽ hỗ trợ các cải cách của Campuchia nhằm hợp lý hóa quy trình đăng ký kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và mở rộng việc tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, khoản cho vay trên sẽ hỗ trợ các cải cách khác nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính, bao gồm cải thiện việc quản lý các mối quan hệ đối tác công - tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành nợ công ở thị trường trong nước, đồng thời tạo điều kiện cứu trợ kịp thời các hộ gia đình dễ bị tổn thương do thiên tai hoặc khủng hoảng kinh tế.

Nga đưa vào khai thác mỏ khí Kovykta

Ngày 21/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép khai thác mỏ khí đốt Kovykta và đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đoạn Kovykta-Chayanda của tuyến đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia).

Tổng thống Putin ra chỉ thị này tại lễ khai mỏ Kovykta ở vùng Irkutsk thông qua hình thức trực tuyến. Tham dự buổi lễ còn có Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Gazprom Alexei Miller.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 22/12: Tổng thống Nga tiếp tục xem người Ukraine là “dân tộc anh em”