Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự cấp thiết phải thông qua luật bầu cử sâu rộng; Italy phê duyệt kháng thể GSK-Vir; Thái Lan bảo vệ biện pháp sử dụng kết hợp 2 loại vaccine… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự cấp thiết phải thông qua luật bầu cử sâu rộng
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/7 đã nhấn mạnh sự cấp thiết mang tính quốc gia để thông qua dự luật bầu cử sâu rộng do đảng Dân chủ đề xuất vốn đang bị đình trệ tại Quốc hội do vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Hôm 22/6, dự luật "Vì nhân dân" của đảng Dân chủ nhằm cải tổ các cuộc bầu cử liên bang tại Mỹ, dù được Hạ viện thông qua, đã không đạt được 60 phiếu ủng hộ cần thiết tại Thượng viện. Dự luật đặt ra các tiêu chuẩn bỏ phiếu quốc gia, thay đổi thành phần của Ủy ban Bầu cử Liên bang, bổ sung các hạn chế mới đối với việc phân chia lại Quốc hội, cải cách tài chính chiến dịch tranh cử và những quy tắc đạo đức mới cho Tổng thống và Phó Tổng thống.
Nepal có Thủ tướng mới
PTI cho biết ngày 13/7, Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari đã bổ nhiệm ông Sher Bahadur Deuba làm Thủ tướng nước này. Đây là lần thứ năm ông Deuba, 74 tuổi, đảm nhiệm chức vụ trên.
Anh tiếp tục cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài
Anh sẽ tiếp tục kế hoạch tạm thời cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài sau khi Thủ tướng Boris Johnson đã dẹp được cuộc "nổi loạn" trong hàng ngũ đảng Bảo thủ cầm quyền trong phiên tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 13/7.
Đề xuất cắt giảm chi tiêu tối thiểu dành cho phát triển ở nước ngoài xuống còn 0,5% tổng sản lượng kinh tế của chính phủ Anh đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ phiếu là 333-298. Kế hoạch cắt giảm này lần đầu tiên được công bố hồi tháng 11/2020 như biện pháp tăng chi phí cho nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19 của chính phủ Anh.
Đại sứ Ấn Độ rời khỏi Triều Tiên
Trước tình Triều Tiên cấm hoạt động đi lại quốc tế và siết chặt hoạt động di chuyển trong nước để chống dịch COVID-19, nhiều quan chức ngoại giao đã quyết định rời Bình Nhưỡng về nước.
Các nguồn tin tiết lộ với trang NK News rằng hiện tại ở Bình Nhưỡng chỉ còn vài đại sứ quán còn mở cửa sau khi Đại sứ Ấn Độ tại Triều Tiên lên đường về nước bằng tàu hỏa hôm 2/7.
Pháp thông báo kế hoạch tổng tuyển cử
Ngày 13/7, người phát ngôn chính quyền Pháp Gabriel Attal đã thông báo cụ thể kế hoạch tổng tuyển cử tại nước này.
Theo đó, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 10/4/2022 và vòng thứ 2 diễn ra vào ngày 24/4/2022. Cũng theo ông Attal, các cuộc bầu cử lập pháp được ấn định vào ngày 12/6 và 19/6/2022.
Hội nghị thượng đỉnh ASEM 13 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) cho biết Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 do Campuchia tổ chức trong hai ngày 25-26/11/2021 sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến.
Italy phê duyệt kháng thể GSK-Vir
Ngày 13/7, Bộ Y tế Italy tuyên bố nước này đã tạm thời phê duyệt phương pháp điều trị kháng thể của GlaxoSmithKline của Anh và công ty Vir Biotechnology của Mỹ cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Bộ Y tế Italy cho biết liệu pháp này, có tên là Sotrovimab, có thể được sử dụng đến ngày 31/1/2022, và bổ sung thêm rằng giấy phép cho tất cả các phương pháp điều trị đơn dòng khác đã được sử dụng tại Italy cũng được gia hạn đến 31/1/2022.
Thái Lan bảo vệ biện pháp sử dụng kết hợp 2 loại vaccine
Ngày 13/7, Thái Lan đã đưa ra quan điểm bảo vệ việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới, bất chấp cảnh báo của một nhà khoa học hàng đầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng đây là "một xu hướng nguy hiểm" chưa được chứng minh.
Ấn Độ sẽ sản xuất 300 triệu liều vaccine Sputnik V mỗi năm
Các nhà phát triển vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga ngày 13/7 cho biết đã đạt một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 300 triệu liều vaccine mỗi năm tại quốc gia Nam Á này.
Indonesia xem xét cấp phép sử dụng cho nhiều loại vaccine
Ngày 13/7, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), bà Penny Lukito cho biết vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer sản xuất có thể nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) vào ngày 14/7.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban IX thuộc Hạ viện, bà Penny cho hay BPOM cũng đang tiến hành đánh giá để cấp EUA cho vaccine Sputnik-V của Nga.
Malaysia đóng cửa trung tâm tiêm chủng có trên 200 nhân viên mắc COVID-19
Malaysia ngày 13/7 đã đóng cửa một trung tâm tâm chủng vaccine sau khi ghi nhận trên 200 nhân viên y tế và tình nguyện viên dương tính với virus SARS-CoV-2.
AP cho biết đây là trung tâm tiêm chủng đầu tiên bị đóng cửa, trong bối cảnh Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới đạt mức kỷ lục 11.079 người vào ngày 13/7.
Phát hiện mới về mức độ kháng thể đối với bệnh COVID-19
Trường Đại học Tel Aviv của Israel ngày 13/7 đã công bố một nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể đối với bệnh COVID-19 của nam giới khác biệt so với nữ giới. Ngoài ra, mức độ kháng thể cũng sẽ thay đổi tùy theo nhóm tuổi, mức độ bệnh nặng nhẹ và thời gian sau tiêm chủng.
Nghiên cứu trên do Giáo sư Noam Shomron thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia đến từ Trung tâm Y tế Shamir.
Pháp công bố chiến dịch tiêm chủng mới, hy vọng dập tắt biến thế Delta
Sự xuất hiện của biến thể Delta đang đe dọa xóa mờ thành quả chống dịch của nước Pháp suốt nửa năm qua. Ngày 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng, với hy vọng đưa quốc gia vượt qua loại biến thể dễ lây lan này.
Thái Lan cho phép bệnh nhân COVID-19 tự xét nghiệm, tự cách ly
Thái Lan vừa phê duyệt phương án cho bệnh nhân mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ được tự cách ly và sử dụng các công cụ tự xét nghiệm tại nhà, trong bối cảnh hệ thống y tế đang đối mặt với đợt bùng phát chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Nga phản đối Mỹ hiện diện quân sự ở Trung Á sau khi rút khỏi Afghanistan
Nga lên tiếng phản đối Mỹ triển khai binh sĩ tại các nước Trung Á sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vào ngày 13/7 cho biết Moscow đã truyền đạt thông điệp tới Washington trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden tại Geneva vào tháng 6.
Liên hợp quốc cảnh báo Afghanistan trên bờ vực khủng hoảng nhân đạo
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 13/7 cảnh báo sẽ có thêm nhiều người Afghanistan buộc phải tha hương do tình trạng bạo lực leo thang.
UNHCR ước tính khoảng 270.000 người Afghanistan đã mất nhà cửa kể từ tháng 1. Như vậy có tổng cộng 3,5 triệu người Afghanistan buộc phải rời bỏ nhà của họ.
Pháp yêu cầu công dân rời khỏi Afghanistan
Ngày 13/7, Pháp đã yêu cầu mọi công dân nước này rời khỏi Afghanistan do lo ngại về tình hình an ninh ở quốc gia Nam Á này, trong bối cảnh lực lượng Taliban triển khai đợt tấn công dồn dập khi các lực lượng nước ngoài rút quân.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Pháp tại Afghanistan cho biết: "Chính phủ (Pháp) sẽ bố trí một chuyến bay đặc biệt vào sáng 17/7, khởi hành từ Kabul, để đưa toàn bộ công dân Pháp (đang có mặt tại Afghanistan) trở về nước"
Taliban hành quyết 22 lính đặc nhiệm Afghanistan
Theo CNN ngày 13/7, nhóm tay súng Hồi giáo Taliban đã bắn chết 22 lính đặc nhiệm Afghanistan trong tình trạng không vũ khí và xin đầu hàng.
Vụ việc diễn ra hôm 16/6 tại thị trấn Dawlat Abad thuộc tỉnh Faryab ở Aghanistan, giáp biên giới với Turmenistan. Phóng viên CNN có được một số đoạn video đã được kiểm chứng và tiếp xúc nhiều nhân chứng có mặt ở hiện trường.
Nauy ghi nhận tỉ lệ sinh tăng bất ngờ sau năm đại dịch COVID-19
Theo đài Sputnik (Nga), trái với suy nghĩ thông thường ngại sinh con ở thời điểm khủng hoảng, tỉ lệ trẻ sơ sinh ra đời ở Na Uy đã tăng lên đáng kể. Theo đó, chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có thêm 1.157 đứa trẻ ra đời, tăng 4,4 % so với cùng kỳ năm ngoài.
Lở đất và lũ quét gây nhiều thiệt hại ở Kyrgyzstan và Ấn Độ
Ngày 13/7, nhà chức trách Kyrgyzstan cho biết ít nhất 6 người thiệt mạng và 2 trẻ em bị mất tích sau khi xảy ra lở đất ở những khu vực nông thôn của quốc gia Trung Á nghèo khó này. Hiện lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 6 người thiệt mạng.