Tin vắn thế giới ngày 13/7: WHO khuyến cáo không “tiêm trộn” vaccine COVID-19

Bạch Dương| 13/07/2021 07:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO khuyến cáo không “tiêm trộn” vaccine COVID-19; EU tài trợ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Senegal; Vaccine cúm có thể làm giảm tác động nghiêm trọng của bệnh COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.

WHO: Không nên mua thêm vaccine để tiêm bổ sung, không sử dụng kết hợp các loại vaccine

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 tuyên bố các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu, chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vaccine của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.

tiem-tron-vaccine.jpg
WHO khuyến cáo không “tiêm trộn” vaccine COVID-19. Ảnh minh họa

COVAX có thêm nguồn cung vaccine mới

Ngày 12/7, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thông báo đã ký các thỏa thuận với Sinopharm và Sinovac, đặt mua trước vaccine ngừa COVID-19 của 2 hãng dược phẩm Trung Quốc này cho Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 COVAX.

Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Sinopharm sẽ cung cấp 170 triệu liều vaccine và Sinovac sẽ cung cấp 380 triệu liều vaccine cho COVAX, cho đến giữa năm 2022. Sinovac sẽ cung cấp 50 triệu liều từ nay đến tháng 9, trong khi Sinopharm sẽ cung cấp 60 triệu liều cho tới cuối tháng 10.

EU tài trợ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Senegal

Liên minh châu Âu (EU) và Senegal đã nhất trí xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Dakar nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch COVID-19 và các bệnh đặc hữu khác.

Với năng lực sản xuất 25 triệu liều vaccine mỗi tháng từ nay đến cuối năm 2022, nhà máy mới được kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc hiện tại của châu Phi vào nhập khẩu vaccine và tăng cường khả năng đối phó với các đại dịch trong tương lai.

Thái Lan sử dụng kết hợp vaccine của Sinovac và AstraZeneca

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul công bố quyết định trên ngày 12/7 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta và làm tăng miễn dịch cộng đồng.

Thái Lan sẽ sử dụng vaccine của AstraZeneca để tiêm mũi 2 tăng cường cho những người đã được tiêm chủng mũi đầu bằng vaccine của Sinovac nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh COVID-19.

Indonesia phân phối thuốc cho bệnh nhân COVID-19 không có biểu hiện bệnh

Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 12/7, Trưởng Ban chỉ đạo lệnh hạn chế cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ Điều phối hàng hải Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, Tổng thống Jokowi đã yêu cầu phân phối 300.000 gói thuốc cho các bệnh nhân không triệu chứng và các bệnh nhân mắc COVID-19 có biểu hiệu nhẹ.

Pháp thúc đẩy tiêm chủng ngăn chặn biến thể Delta

Tại Pháp, chiến dịch tiêm chủng mùa hè sẽ được ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng tại những vùng bị dịch nặng nề, công tác kiểm soát dịch bệnh khu vực biên giới cũng sẽ được tăng cường, đặc biệt với những du khách đến từ các nước hoặc vùng lãnh thổ đang bùng phát dịch COVID-19.

Israel bắt đầu tiêm vaccine mũi thứ ba cho những người dễ bị tổn thương

Ngày 12/7, Israel đã bắt đầu cho phép tiêm mũi vaccine của Pfizer/BioNTech thứ ba cho tất cả các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này đang gia tăng trở lại.

Theo Bộ Y tế, những đối tượng đủ điều kiện tiêm ngay lập tức vaccine mũi thứ ba bao gồm những người từng bị ghép tim, phổi, thận và một số bệnh nhân ung thư.

Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi về việc nâng giãn cách xã hội lên mức cao nhất

Ngày 12/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trì cuộc họp đặc biệt tại Phủ Tổng thống, rà soát tình hình phòng dịch tại thủ đô Seoul và các địa phương lân cận.

Tại cuộc họp, Tổng thống Moon Jae-in đã xin lỗi người dân về quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 4 - mức cao nhất ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận, trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 12/7.

Vaccine cúm có thể làm giảm tác động nghiêm trọng của bệnh COVID-19

Theo The Guardian, nghiên cứu được thực hiện trên gần 75.000 bệnh nhân COVID-19 đã được tiêm vaccine cúm cho thấy những người này có ít nguy cơ bị đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhiễm trùng huyết, đồng thời có ít nguy cơ nhập viện cấp cứu và phải chăm sóc đặc biệt hơn.

Mặc dù nghiên cứu cho rằng vaccine cúm không làm giảm số ca tử vong do COVID-19, song nhiều phân tích trước đây chỉ ra rằng tiêm phòng cúm có thể bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-CoV-2 bằng việc tăng cường hệ thống miễn dịch bẩm sinh.

vaccine-covid19.jpg
Bệnh nhân COVID-19 đã được tiêm phòng cúm ít có khả năng phải nhập viện cấp cứu và chăm sóc đặc biệt hơn. Ảnh: Alamy

Anh sẽ dỡ bỏ hầu hết quy định phòng dịch COVID-19 một cách thận trọng

Ngày 12/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7, song chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Theo hướng dẫn mới của chính phủ, người dân được kỳ vọng đeo khẩu trang ở những nơi đông người, như trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng, dù đây không phải là yêu cầu bắt buộc.

Mỹ đề cao việc bảo đảm trật tự hàng hải dựa trên luật lệ

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, chính quyền Tổng thống Joe Biden giữ nguyên lập trường của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, theo đó bác bỏ gần như tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington coi tất cả yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận là bất hợp pháp.

Australia kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông

Ngày 12/7, đề cập việc Tòa Trọng tài thường trực (PCA) cách đây 5 năm ra phán quyết về vụ kiện của Phillippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết lập trường của Australia dựa trên sự ủng hộ mang tính nguyên tắc đối với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Mỹ hối thúc EU chi tiêu nhiều hơn thay vì 'thắt lưng buộc bụng'

Ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp kích thích hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế của liên minh, trong bối cảnh các nước chia rẽ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, cũng như hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Đức đảm bảo Ukraine tiếp tục trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu

Đức sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cũng như duy trì Ukraine là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu, ngay cả khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Baltic tới Đức hoàn tất.

Tuyên bố được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trước cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/7 tại Berlin.

Dự án Nord Stream 2 sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 8

Công ty Nord Stream 2 AG cho biết dự án đường ống dưới biển Baltic sẽ được hoàn thành vào cuối tháng tới. Đây là tuyên bố của Giám đốc điều hành công ty - ông Matthias Warnig trong cuộc phỏng vấn của báo Handelsblatt ngày 12/7.

Người đứng đầu công ty Nord Stream 2 AG cho biết dự án sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 8 này và cho tới nay, dự án đã hoàn thành 98% khối lượng công việc, trong khi một trong hai đường ống đã hoàn tất.

060521-nord-stream-2.jpg
Dự án Nord Stream 2 sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 8/2021

EU hy vọng khôi phục quan hệ với Israel

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết EU hy vọng quan hệ với chính quyền mới của Israel sẽ có sự khởi đầu mới. Ông Borrel đưa ra tuyên bố này trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đang ở thăm Brussels ngày 12/7.

Phát biểu với báo giới sau hội đàm, ông Borrell nhấn mạnh: “Điều quan trọng là đại diện chính phủ mới của Israel đã tới Brussels. Đây là một cơ hội cho sự khởi đầu mới, khôi phục quan hệ với Israel, vốn đã xấu đi trong những năm qua”.

Israel mở rộng vùng cho phép đánh cá ngoài khơi Dải Gaz

Ngày 12/7, Israel cho biết đã mở rộng vùng đánh cá ngoài khơi Dải Gaza và sẽ cho phép thêm các sản phẩm nhập khẩu vào vùng lãnh thổ Palestine trên cơ sở "tình hình an ninh gần đây ổn định".

Giới chức Mỹ và Haiti thảo luận về việc điều tra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise

Ngày 12/7, Nhà Trắng thông báo các quan chức an ninh và thực thi pháp luật Mỹ đã tới Haiti và có cuộc gặp với giới chức lãnh đạo và cảnh sát nước này đề nghị hỗ trợ điều tra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hôm 7/7 vừa qua.

Ngoài giới chức điều tra, các quan chức an ninh Mỹ cũng đã gặp các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Haiti, bao gồm Thủ tướng lâm thời Claude Joseph và Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert, kêu gọi mở cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm đạt được thỏa thuận chính trị cho phép đất nước tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Lại xảy ra tình trạng người di cư vượt biên từ Maroc vào lãnh thổ Tây Ban Nha

Ngày 12/7, hàng chục người di cư đã trèo qua hàng rào, vượt biên giới từ Maroc sang vùng lãnh thổ Melilla của Tây Ban Nha. Sự việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi hàng nghìn người tràn qua biên giới và xảy ra xung đột với lực lượng an ninh.

Số người thiếu ăn và suy dinh dưỡng trên thế giới tăng mạnh do dịch COVID-19

Theo báo cáo thường niên về an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 12/7, mức độ đói nghèo và suy dinh dưỡng trên thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020, với phần lớn mức tăng chủ yếu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Báo cáo trên do các cơ quan của LHQ gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực hiện.

Sri Lanka cảnh giác trước virus Zika

Ngày 12/7, Bộ Y tế Sri Lanka cho biết nước này đang đề cao cảnh giác sau khi nước láng giềng Ấn Độ ghi nhận một số ca nhiễm virus Zika.

Theo Tiến sĩ Deepal Perera, bác sĩ cố vấn của Bệnh viện Nhi Lady Ridgeway, giới chức y tế tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, mới đây đã ban bố tình trạng cảnh giác tại toàn bộ các vùng trong bang sau khi phát hiện 14 ca nhiễm virus Zika.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 13/7: WHO khuyến cáo không “tiêm trộn” vaccine COVID-19