Các bệnh tạm lắng trong đại dịch COVID-19 tái xuất bất thường; Từ 12/6, Mỹ gỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 với người nhập cảnh; Cầu cao tốc nối liền Nga-Trung Quốc bắt đầu thông xe… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Các bệnh tạm lắng trong đại dịch COVID-19 tái xuất bất thường
Một loạt virus đã tái xuất sau khi đại dịch COVID-19 giảm bớt ở hầu hết quốc gia, chẳng hạn như virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp, adenovirus 41 - loại virus thường gây ra bệnh đường tiêu hóa – dường như đã trở thành nguyên nhân rõ ràng gây căn bệnh gan nghiêm trọng và bí ẩn ở trẻ nhỏ, và gần đây nhất là virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các loại virus này hoạt động một cách bất thường.
Một lời giải thích cho hiện tượng trên là các biện pháp phòng chống COVID-19 và thói quen đeo khẩu trang đã khiến virus gây các bệnh truyền nhiễm khác khó lây lan theo cách bình thường trước đây. Ở những nơi mà các virus có thể lọt qua các biện pháp phòng chống, chúng thường bị bỏ sót vì việc giám sát sức khỏe cộng đồng chủ yếu tập trung vào đại dịch COVID-19. Trong khi đó, hai năm giảm tiếp xúc do COVID-19 đã làm giảm khả năng miễn dịch của cá nhân đối với bệnh tật và làm cho toàn xã hội dễ bị tổn thương hơn. Điều đó đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ.
Giới chuyên gia cảnh báo kỷ nguyên bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật
Trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan trên toàn thế giới và thu hút sự chú ý khi đại dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn qua đi, ngày càng nhiều ý kiến lo ngại rằng các đợt bùng phát dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn, khi virus có thể lây từ động vật sang người, sẽ dẫn tới một đại dịch khác.
Có thể kể đến những dịch bệnh khác từng xảy ra do virus lây từ động vật sang người như AIDS, Ebola, Zika, SARS, MERS, cúm gia cầm và dịch hạch. Dù vẫn đang điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 nhưng ngày 9/6, WHO cho biết bằng chứng mạnh mẽ nhất là bệnh lây từ động vật sang người.
Indonesia ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron
IBộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 10/6 cho biết đảo Bali đã ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Nhà chức trách đang tìm hiểu để xác định khả năng lây truyền của BA.4 và BA.5, cũng như hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine phòng COVID-19 với các biến thể phụ này.
Từ 12/6, Mỹ gỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 với người nhập cảnh
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa quyết định gỡ bỏ quy định khách tới Mỹ bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 24 giờ trước khi bay. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/6 tới.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra đánh giá chính thức rằng việc yêu cầu xét nghiệm COVID-19 là không còn cần thiết nữa, bởi vaccine đã được tiêm chủng trên diện rộng và việc điều trị căn bệnh này cũng đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, 30 ngày sau khi áp dụng quy định mới, CDC Mỹ sẽ đánh giá lại tình hình để xem có nên tiếp tục áp dung hay không.
Thành phố Thượng Hải lại tiến hành xét nghiệm đại trà COVID-19
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sẽ phong tỏa hàng triệu người để xét nghiệm COVID-19 cuối tuần này, chỉ 10 ngày sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng.
Đợt xét nghiệm rộng mới nhất này diễn ra ngay sau khi Thượng Hải yêu cầu xét nghiệm 25 triệu dân của thành phố sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa trước đó. Người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm trong vòng 72 giờ trước đó để được vào các khu vực như văn phòng hay trung tâm thương mại, hoặc ngay cả lên xe bus và tàu điện ngầm.
Ba Lan ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 10/6, Bộ trưởng Y tế Ba Lan, ông Adam Niedzielski cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Campuchia siết chặt kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ
Báo Khmer Times ngày 10/6 dẫn lời Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thuộc Bộ Y tế Campuchia Ly Sovann, cho hay nhân viên y tế sẽ giám sát sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh tại các cửa khẩu đường không, đường biển và đường bộ để phát hiện và cách ly các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cũng như những trường hợp tiếp xúc với ca mắc bệnh này. Du khách nhập cảnh mắc bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định để thực hiện cách ly 21 ngày cho đến khi hồi phục. Còn các trường hợp có tiếp xúc với ca mắc bệnh sẽ phải cách ly 14 ngày và sẽ được rời khỏi nới cách sau đó nếu không mắc bệnh.
Tổng thống Hàn Quốc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/6 cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tư cách khách mời. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Yoon Suk-yeol kể từ khi nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/5 vừa qua.
Tổng thống Brazil gặp người đồng cấp Mỹ
Ngày 10/6, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thông báo vừa có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 diễn ra tại Los Angeles.
Theo đánh giá của Tổng thống Bolsonaro, cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí chân thành. Ông Bolsonaro cho biết đã cảm nhận được sự sẵn sàng của Tổng thống Biden sẵn sàng trong việc hai nước sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề vượt quá trách nhiệm của mỗi bên.
Trung Quốc - Hàn Quốc nhất trí mở thêm 2 đường dây nóng quân sự mới
Tại cuộc hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore ngày 10/6, các Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc đã thông báo mở thêm hai đường dây nóng quân sự kết nối lực lượng Hải quân và Không quân hai nước, nhằm giúp tránh các sự cố và phù hợp với thỏa thuận liên quan đã ký kết năm ngoái.
Thủ tướng Nhật Bản cam kết bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở châu Á
Phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực hơn để ngăn chặn các hành động đơn phương nhằm "thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực".
Cũng theo Thủ tướng Kishida, để tăng tốc nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản sẽ vạch ra một kế hoạch hành động, tập trung vào các lĩnh vực như an ninh hàng hải, muộn nhất vào mùa Xuân tới.
Khoảng 170.000 người tham gia diễu hành LGBTQ Tel Aviv 2022
Cuộc diễu hành thường niên dành cho những người đồng tính, song tính, chuyển giới tại thành phố Tel Aviv (Israel) ngày 10/6 đã thu hút sự tham gia của khoảng 170.000 người dân Israel và khách du lịch nước ngoài. Cuộc diễu hành bao gồm 10 đoàn xe được trang trí với 6 màu cầu vồng rực rỡ, đại diện cho màu sắc đa dạng của cộng đồng LGBTQ, chở các vũ công chạy dọc theo phố Rokach và kết thúc tại công viên Gane Yehoshua.
Ban tổ chức cho biết lễ hội năm nay đã trở lại với quy mô vốn có của các năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Phát biểu tại lễ diễu hành, Thị trưởng Tel Aviv Ron Huldai nói: “Cộng đồng LGBTQ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tại Israel chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ lớn.
FBI bắt ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa vì liên quan tới vụ bạo động trụ sở Quốc hội Mỹ
Ngày 9/6 (giờ Mỹ), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ ông Ryan Kelley, một trong những chính khách đang lên hiện nay của đảng Cộng hòa.
Kênh CNN và tờ Washington Post đưa tin FBI ngày 9/6 bắt giữ ông Ryan Kelley, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang Michigan, với cáo buộc tham gia cuộc biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tại Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) vào tháng 1/2021.
Pháp đưa ra đề xuất mới để giải quyết sức ép từ người tị nạn tại EU
Chính phủ Pháp ngày 10/6 đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) hiện thực hóa một hiệp ước về người tị nạn vốn đình trệ lâu nay, trong đó đề cập kế hoạch tái định cư khoảng 10.000 người tị nạn đến các quốc gia thành viên sẵn sàng tiếp nhận, trong khi những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn có thể đóng góp tài chính để được "miễn trách nhiệm" này.
Được trình bày trong ngày 10/6 tại cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU ở Luxembourg, đề xuất trên dự kiến rằng 19 quốc gia trong khối Schengen (đi lại miễn thị thực) của EU sẽ cam kết nhận người tị nạn từ những nước đang chịu nhiều áp lực như Hy Lạp, Italy và Malta. Trong khi đó, những nước không tham gia tiếp nhận người tị nạn sẽ đóng góp tài chính để hỗ trợ triển khai kế hoạch này.
Đức nêu điều kiện để Serbia và Kosovo gia nhập EU
Hai quốc gia không công nhận lẫn nhau thì không thể trở thành thành viên của EU. Đây là tuyên bố ngày 10/6 của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ phủ Pristina ở Kosovo khi nhà lãnh đạo Đức tới thăm một số nước Tây Balkan.
Nauy đối mặt với nguy cơ sản lượng dầu khí sụt giảm do đình công
Ngày 10/6, Hiệp hội Dầu khí Nauy (NOG) cho rằng chưa thể xác định được sản lượng dầu khí của nước này có thể giảm tới mức nào nếu công nhân tại 9 mỏ khai thác dầu khí ngoài khơi tổ chức đình công vào ngày 12/6 tới.
Theo các tổ chức công đoàn Industri Energi, Lederne và Safe của Nauy, khoảng 845 trong số 7.500 công nhân khai thác dầu khí ngoài khơi đã lên kế hoạch đình công từ ngày 12/6 tới, nếu các cuộc đàm phán lương hằng năm với các nhà sử dụng lao động thất bại.
Mỹ muốn Serbia bỏ mua khí đốt Nga
Mỹ hy vọng rằng Serbia sẽ không gia hạn hợp đồng khí đốt với Nga thêm một thập kỷ nữa. Theo đài RT ngày 10/6, thông tin trên do ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra.
Cầu cao tốc nối liền Nga-Trung Quốc bắt đầu thông xe
Trang Moscow Times đưa tin cây cầu cho xe chạy đầu tiên kết nối biên giới Nga và Trung Quốc vừa mở cửa đón các phương tiện lưu thông vào sáng 10/6. Phần lớn công tác xây dựng cầu Blagoveshchensk-Heihe bắc qua sông Amur đã được hoàn tất từ cuối năm 2019.
Hình ảnh tại buổi lễ khánh thành sáng 10/6 cho thấy các xe tải chở hàng băng qua cầu trên nền pháo hoa màu trắng – xanh - đỏ biểu tượng của quốc kỳ Nga.
FAO cảnh báo nguy cơ có thêm từ 11 triệu - 19 triệu người bị đói
Việc giảm xuất khẩu lúa mì các mặt hàng thực phẩm khác từ Ukraine và Nga có nguy cơ đẩy thêm 11 triệu người đến 19 triệu người bị đói trong năm 2023. Đây là cảnh báo được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đưa ra ngày 10/6.
Sân bay quốc tế Damascus của Syria tạm dừng hoạt động sau một loạt vụ không kích
Ngày 10/6, Bộ trưởng Giao thông Syria thông báo nước này đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Damascus chỉ vài giờ sau khi xảy ra các cuộc không kích vào khu vực phía Nam thủ đô này.
Cùng ngày, hãng hàng không tư nhân Cham Wings Airline của Syria cho biết đang sắp xếp lại tất cả các chuyến bay tới sân bay quốc tế Aleppo.
Tấn công bằng dao ở Đức, nhiều người bị thương
Một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra ngày 10/6 tại trường Đại học khoa học ứng dụng Hamm-Lippstad thuộc bang Nordrhein-Westfalen của Đức, khiến ít nhất 4 người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng. Hung thủ hiện đã bị bắt giữ.
Hàng chục cảnh sát thiệt mạng trong các vụ tấn công tại Burkina Faso
Ngày 10/6, quân đội Burkina Faso cho biết 11 cảnh sát quân sự đã bị sát hại trong vụ tấn công nghi do các phần tử thánh chiến thực hiện nhằm vào một chốt kiểm soát an ninh ở miền Bắc Burkina Faso.
Tìm kiếm máy bay trực thăng mất tích tại Italy
Ngày 10/6, lực lượng cứu hộ của Italy tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay trực thăng chở 7 người bất ngờ mất tích tại khu vực vùng núi đông dân ở miền Bắc Italy một ngày trước đó. Theo truyền thông Italy, chiếc máy bay mất tích chở theo 1 phi công và 6 hành khách gồm 4 người Liban và 2 người Thổ Nhĩ Kỳ. Do thời tiết xấu, công tác tìm kiếm tạm dừng trong ngày 9/6.
Tai nạn giao thông tại Nam Phi khiến ít nhất 15 người tử vong
Ít nhất 15 người thiệt mạng và 37 người khác bị thương trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần thủ đô Pretoria của Nam Phi ngày 10/6.
Tai nạn xảy ra khi một xe buýt va chạm với một xe tải trên đường cao tốc vào sáng sớm 10/6. Dịch vụ khẩn cấp nhận được cuộc gọi báo tai nạn vào khoảng 5h sáng.