Tin đồn về Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Nói lại về "căn bệnh"... chắc là

Nhật Minh| 21/09/2016 06:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người xưa có câu “Không có lửa làm sao có khói”. Chắc là phải thế này thì mới... Mà theo giải phẫu cơ thể người, lưỡi lại là một bộ phận không có xương nên nó có khả năng “uốn dẻo” vô cùng lợi hại.

1. Tại một xã X. nọ, gia đình ông T. được liệt vào danh sách... trộm chẳng thèm ngó. Bởi, có gì đâu để mà dòm với ngó, để mà vơ vét. Ấy thế nhưng từ ngày anh con thứ của ông đi xuất khẩu lao động được chừng 2-3 năm thì hàng xóm láng giềng được phen lác mắt. Nhà cửa khang trang, tivi, tủ lạnh, kệ lớn kệ bé…  được sắm sanh đầy đủ.

Hàng xóm ngạc nhiên, rồi bỗng nhiên chuyển sang nghi ngờ. Mà mọi nghi ngờ đổ dồn lên anh con thứ vốn nổi tiếng với lời đồn rằng, ngay từ lúc mới sinh, trên đầu anh này đã tỏa ra một quầng sáng khác thường. Và vì thế, cùng với điều kiện kinh tế gia đình ngày càng trở nên khá giả, anh nghiễm nhiên được dân làng kiêng nể.

Thế nhưng, anh ta làm gì mà kiếm nhiều tiền thế? Chắc là bắt được tiền, hay trúng số. Anh ta làm gì mà kiếm nhiều tiền thế? Chắc là bán buôn may mắn. Anh ta làm gì mà kiếm nhiều tiền thế? Chắc là… buôn hàng quốc cấm. Anh ta làm gì mà kiếm nhiều tiền thế? Chắc là… Chắc là…

“Câu chuyện trên na ná giống như mình đã từng đọc ở đâu?”, một số người cau mày. Chắc là ăn cắp, đạo văn thôi. Và sau rốt, kẻ viết bài này trở thành tên tội đồ đáng khinh trong cái nghề mà chất xám và sự sáng tạo trở thành một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Vâng, câu chuyện trên na ná những gì mà nhiều người chúng ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Và trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, khi báo chí, truyền thông đại chúng sử dụng một lượng thông tin khá lớn từ các thể loại mạng xã hội, diễn đàn online… thì những cụm từ như “chắc là”, “hẳn là”, hay “có lẽ là”… càng có cơ hội phát huy tác dụng.

Tin đồn về Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Nói lại về

Tin đồn - gia vị hấp dẫn của cuộc sống

2. Mới đây, khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại một quán karaoke phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), “ấn tượng sâu sắc” để lại cho nhiều người chính là hình ảnh cô gái cởi áo ngực bịt mũi, chạy ra khỏi quán, chứ không phải là sự lo lắng về nguy cơ cháy nổ luôn rình rập xung quanh chúng ta.  

Bên cạnh ý kiến khen ngợi sự thông minh của cô gái trẻ, rất nhiều người tỏ ý chê bai, thậm chí với trí tưởng tượng vô cùng phong phú, họ cho rằng, “cháy nhà ra mặt chuột” (?). Điển hình như, làm gì mà cởi áo ngực ra được khỏi chiếc áo liền quần nhanh thế? “Hay là đã cởi sẵn rồi không may gặp cháy nên vớ tạm luôn?”. Chắc là…

Trước đó, ngày 12/9/2016, mạng xã hội “dậy sóng” vì hình ảnh một người đàn ông đang chạy xe máy chở theo… xác người được quấn trong chiếu. Theo chủ tài khoản đăng tải bức ảnh này, đây là hình ảnh được chụp ở Sơn La. Ngay sau đó, nhiều người tỏ ý hoài nghi liệu đây có phải là một vụ án mạng?

Thế nhưng, thực tế là gì? Thi thể ấy chính là người nhà của người đàn ông kể trên. Được biết chị bị tử vong do bệnh lý, và gia đình vì không có tiền thuê xe ô tô để đưa người mất về nhà nên đành chở về bằng xe máy.

Và rồi câu chuyện lại được cư dân mạng suy đoán theo hướng khác, nào là bệnh viện không làm tròn trách nhiệm, nào là người đi đường vô cảm, sao không kêu gọi giúp đỡ…

Nói về cái sự “chắc là” của rất nhiều người Việt có lẽ cả ngày không hết chuyện, thậm chí trong Tony buổi sáng, tác giả từng gọi đây là một… căn bệnh. Bệnh chắc là!

Tony kể, cô con dâu báo sinh nhật bạn, không ăn cơm ở nhà. Vậy là ngay khi cô vừa bước chân ra khỏi cửa, mẹ chồng và em chồng cùng ngồi bàn bạc. Chắc là cô chán cơm. Chắc là mẹ nấu cơm dở. Rồi thì, dạo này nàng dâu ít nói, chắc là “nó khinh mẹ”… Cuối cùng, “sau 10 cái “chắc là”, cô con dâu biến thành một con bạch cốt tinh chứ không phải người thường”, Tony kết luận.

Nhưng tại sao chỉ vì hai chữ “chắc là” mà từ một sự việc bé xíu là cô con dâu báo không ăn cơm nhà, bỗng nhiên bao nhiêu chuyện liên quan đến cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu, em chồng - chị dâu được lôi ra sạch sành sanh?

Trong logic học có một phương pháp là lập luận bằng suy diễn logic. Nói cách khác, suy diễn là lập luận mà trong đó kết luận được rút ra từ các sự kiện được biết trước theo kiểu: nếu các tiền đề là đúng thì kết luận phải đúng, nghĩa là các sự kiện cho trước đòi hỏi rằng kết luận là đúng.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, các luận cứ suy diễn có thể có hiệu lực hoặc không có hiệu lực, trong đó tính hiệu lực tuân theo các quy tắc đã định trước. Và do đó, các kết luận có hiệu lực cũng không nhất thiết là kết luận đúng; các kết luận không có hiệu lực có thể không sai. Song nếu kết luận có hiệu lực nhưng không đúng, thì kết luận đó được coi là kết luận không có cơ sở. Hiểu một cách nôm na, đây là hành vi suy diễn (nhằm đi đến kết luận) mà không có có sở.

Tin đồn về Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Nói lại về

Sau một hồi “chắc là”, nhiều người bỗng nhiên phát hiện ra mình có khả năng không kém… thám tử Sherlock Holmes là bao. Ảnh minh họa

3. Mấy ngày nay dư luận đang xôn xao bởi thông tin Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa có… bồ nhí. Tất nhiên chỉ là tin đồn, dù có dẫn chứng bằng hình ảnh, số liệu cụ thể hẳn hoi.

Thế nhưng, chuyện không dừng lại ở mức tin đồn dành cho dân văn phòng tám chuyện trong giờ nghỉ trưa bên quán trà đá mà nó rùm beng đến nỗi các tờ báo cũng khai thác triệt để và người trong cuộc buộc phải mời Công an vào cuộc để… “trả lại sự trong sạch” cho chính mình.

Chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết. Truy xuất nguồn gốc, hóa ra nó khởi nguồn từ một trang tin lề trái - vốn được xem là nồi lẩu thập cẩm các món ăn vô cùng hấp dẫn đối với cư dân mạng vốn đã đầy rẫy những thông tin nhưng lúc nào cũng thấy thiếu, thấy đói.

Mà dường như cũng đã qua rồi cái thời độc giả chỉ thích đọc chuyện sao xẹt, thứ nhiều người quan tâm hiện giờ - theo cách gọi của một bộ phận - chính là những “thâm cung bí sử” của các ông lớn, mà càng lớn, càng nổi, càng thích khám phá. Nhiều người sau một hồi “chắc là”, bỗng nhiên phát hiện ra rằng “hóa ra mình có giác quan thứ 6”, hóa ra mình cũng có khả năng suy luận chẳng khác gì thám tử tài ba Sherlock Holmes!?

Nói như người xưa “Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật”. Nhưng lại cũng như người xưa nói, “Không có lửa làm sao có khói”. Không ai trên đời này có thể làm vừa lòng hết mọi người, kể cả bậc vĩ nhân. Chắc là phải… Chắc là phải… thì người ta mới nói chứ… Chung quy lại vẫn là… bệnh chắc là.

Nhưng, cổ nhân cũng có câu “cây ngay không sợ chết đứng”. Có những chuyện đúng sai khó phân, nhưng có những chuyện thì đúng hay sai phải có bằng chứng pháp lý rõ ràng.

Thế nhưng, sự đời đâu đơn giản. Bởi rằng, kể cả dù anh có chứng minh mình trong sạch với các chứng cứ rõ rành rành như ban ngày đi chăng nữa, thì tất nhiên là ngay sau đó sẽ lại tiếp tục xuất hiện những điệp khúc như, chắc là có khuất tất, chắc là ông A, bà B bị mua chuộc để “ém” thông tin.  

Sau rốt xin được nhắc lại rằng, vì cấu tạo của lưỡi là một bộ phận không có xương nên nó có khả năng “uốn dẻo” vô cùng lợi hại. Sống ở đời mà cứ bận tâm vì mấy chữ chắc là của thiên hạ, hẳn là khó sống. Vậy nên, dù có những chuyện tình ngay lý gian, song nếu lương tâm trong sạch thì có lẽ chẳng nên sợ miệng lưỡi ganh ghét của những kẻ gièm pha.

Tiến sĩ Anlan Phan từng viết rằng, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý. Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác. Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin đồn về Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Nói lại về "căn bệnh"... chắc là