Sáng 17/2, sau khi chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc TANDTC, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và các đồng chí trong ban lãnh đạo, các đồng chí Thẩm phán TANDTC đã đến xông đất đầu năm trường quay Truyền hình TAND và Báo Công lý.
Tại đây, đồng chí Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã có một bài phát biểu, thông điệp gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND về những nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
PV: Năm 2020 nói riêng và nhiệm kỳ Đại hội XII nói chung, hệ thống Tòa án đã đạt nhiều thành tích trong công tác chuyên môn và các mặt công tác khác. Chánh án có thể cho biết những đánh giá của mình về vấn đề này như thế nào?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chúng ta đã kết thúc năm 2020 với rất nhiều thành tựu, trong đó hệ thống Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng Nhà nước và Nhân dân giao phó. Tất cả các chỉ tiêu lớn mà Nghị quyết Quốc hội giao cho hệ thống Tòa án nói chung đều hoàn thành với mức rất cao.
Chất lượng xét xử đã nâng lên đáng kể, tỷ lệ án hủy sửa giảm hàng năm và dưới mức Quốc hội cho phép. Các vụ án tham nhũng lớn do Ban Chỉ đao phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo đã được đưa ra xét xử nghiêm minh bằng bản án nghiêm khắc đối với đối tượng cầm đầu, chủ mưu tham nhũng nhưng cũng rất nhân văn với những người làm công ăn lương không được hưởng lợi từ tài sản tham nhũng. Các vụ án tham nhũng còn đặc biệt chú ý đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2020 cũng như trong nhiệm kỳ qua đạt tỷ lệ cao, có những vụ án thu hồi 100%.
Đây là tỷ lệ cao không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Thông qua các bản án chúng ta còn có những kiến nghị cả ở tầm vĩ mô, vi mô và cả về xây dựng pháp luật, quản lý kinh tế và thực thi pháp luật. Cũng như việc kiến nghị, khởi tố điều tra các vụ còn bỏ lọt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Có thể nói thành công của việc xét xử các vụ án tham nhũng là rất lớn.
Trong 2020 hệ thống Tòa án còn chủ động, tích cực tham gia hiệu quả đối với nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, cả hệ thống đã dừng việc xét xử trong nhiều tháng để đảm bảo chủ trương giãn cách xã hội. Đồng thời Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành hướng dẫn để điều tra, truy tố xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng.
Ví dụ như đầu cơ, làm hàng giả, nhập cảnh trái phép, lan truyền dịch bệnh… Trên thực tế chúng ta đã đưa ra xét xử các vụ án như ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép không khai báo y tế dẫn đến việc làm lây lan dịch bệnh, là tiếng chuông cảnh tỉnh có tác dụng phòng ngừa tốt trong việc phòng chống Covid-19.
Hệ thống Tòa án cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng và ngành. Có thể nói nhiệm kỳ XII, các đồng chí Chánh án cấp tỉnh, huyện, trung ương tỷ lệ tham gia cấp ủy rất cao; đạt tỷ lệ 97% Chánh án Tòa án các cấp tham gia cấp ủy. Đây con số rất có ý nghĩa, một mặt khẳng định uy tín cá nhân của từng đồng chí Chánh án, đồng thời khẳng định uy tín của toàn hệ thống Tòa án trong Đảng, trong nhân dân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho toàn hệ thống Tòa án, hoàn thành việc xây dựng trụ sở Tòa cấp huyện cho các Tòa án đang phải đi thuê; tăng cường đầu tư điều kiện làm việc cho toàn hệ thống và đặc biệt, cuối năm 2020 chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng- một công trình được đánh giá là điểm nhấn về mặt kiến trúc của Thủ đô, tương xứng với vị thế cơ quan quyền lực, xét xử cao nhất, trung tâm của nền tư pháp Quốc gia.
Có thể nói chúng ta đã khép lại nhiệm kỳ XII của với nhiều thành tựu, được Đảng, nhân dân, Quốc hội đánh giá cao.
PV: Với những thành tựu, kết quả nổi bật như vậy, năm 2021 và những năm tiếp theo hệ thống Tòa án sẽ thực hiện nhiệm vụ như thế nào thưa Chánh án ?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Bước vào 2021 là năm mở đầu cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều đáng mừng và quan trọng là trong nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định thành tựu của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đồng thời mở ra một giai đoạn cải cách tư pháp mới theo chiến lược cải cách mới.
Chiến lược cải cách tư pháp này một mặt tiếp tục thực hiện những nội dung mà chúng ta chưa thực hiện được của Nghị quyết 49 nhưng một mặt cũng đổi mới để không ngừng nâng cao, hoàn thiện hơn nữa chất lượng xét xử, tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật làm hành lang pháp lý cho hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và Tòa án được xác định là trung tâm. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, chúng ta phải triển khai thực hiện ngay tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII về chiến lược cải cách tư pháp mới.
Theo đó, chúng ta phải bắt tay ngay vào nghiên cứu và đề xuất với BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp mới giai đoạn từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045. Nội dung cốt lõi của chiến lược này bắt đầu bằng việc phải nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức của hệ thống Tòa án nói riêng và hệ thống các cơ quan tham gia vào hoạt động tư pháp nói chung.
Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và một điều đặc biệt nữa là nghị quyết yêu cầu phải không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp mà còn nâng cao uy tín trong nhân dân. Đây là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi qua từng vụ án, nên điều đó đặt ra cho cán bộ công chức Tòa án phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Trong phát biểu bế mạc Đại hội XIII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra một cam kết như một lời hứa của Đại hội với nhân dân đó là “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong đó có hệ thống Tòa án phải đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để những thành tựu của nhiệm kỳ này tốt hơn nhiệm kỳ Đại hội XII”.
Về những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của Tòa án, TANDTC đã có những giải pháp chính, cụ thể:
Một là, nâng cao chất lượng xét xử. Hoạt động xét xử là chức năng chính yếu của hệ thống Tòa án và để nâng cao chất lượng xét xử chúng ta đã thống nhất đề ra 14 giải pháp. Trong 14 giải pháp đó phải bổ sung thêm vì thực tiễn luôn luôn vận động và chúng ta cần tổng kết thực tiễn để bổ sung ngoài 14 giải pháp này còn có những giải pháp khác. Tôi tin rằng còn rất nhiều giải pháp khác chúng ta cần tiếp tục thực hiện để nâng cao chất lượng xét xử.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ, thư ký Tòa án đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán. Xét cho cùng chính đội ngũ Thẩm phán quyết định chất lượng xét xử, nên những cán bộ hoạt động tư pháp, nhất là những người có chức danh tư pháp phải có tâm, có tầm, tinh thông pháp luật và kinh nghiệm xét xử và phải rất có bản lĩnh để bảo vệ công lý.
Việc phải xây dựng trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ Thẩm phán đặt ra rất quan trọng, nhưng việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp, như Bộ quy tắc đạo đức mà chúng ta đã đề ra là nhiệm vụ quan trọng hơn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả tổ chức, lãnh đạo và mỗi chức danh tư pháp.
Ba là, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế làm hành lang pháp lý, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường ban hành án lệ.
Nhiệm kỳ qua chúng ta đã có những án lệ chất lượng được dư luận đánh giá cao và nhiệm vụ phát triển án lệ nhiệm kỳ này phải làm nhiều hơn. Điều đáng mừng là số lượng án lệ hiện nay không nhiều nhưng trong 3 năm vừa qua chúng ta có hơn 1.000 vụ án vận dụng án lệ để xét xử. Rõ ràng là chúng ta đã phát huy án lệ trong xét xử và việc xuất hiện xu thế, kỹ năng là vận dụng án lệ trong xét xử, chính điều này làm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo việc thực thi pháp luật được thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, nhiệm kỳ qua chúng ta đã hoàn thành số lượng rất lớn, bám sát và tháo gỡ những khó khăn của thực tiễn nên được các cán bộ điều tra viên, KSV, Thẩm phán kể cả luật sư đón nhận với những đánh giá tích cực.
Nhiệm vụ nữa cũng rất quan trọng là với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chúng ta phải tiếp tục tăng cường tiềm lực cho hệ thống Tòa án; các điều kiện đảm bảo cho hệ thống Tòa án. Theo đó, hệ thống Tòa án, phòng xét xử phải được trang bị và đầu tư thêm để đáp ứng được yêu cầu của pháp luật, các phương tiện làm việc như xe, thiết bị văn phòng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng ta đã cam kết cùng với Hội đồng Chánh án các nước ASEAN đến năm 2025 phải hoàn thành tất việc xây dựng Tòa án điện tử. Những bước đi đầu tiên của Tòa án điện tử chúng ta đã triển khai và trong 4 năm còn lại chúng ta làm nhiều hơn để cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội ta đưa vào sử dụng Tòa án điện tử.
Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phải tăng cường hơn nữa việc giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử đối với hoạt động Tòa án. Hoạt động của Tòa án cũng như các cơ quan công quyền khác, nếu không có sự quản lý bằng kỷ cương kỷ luật, sự giám sát chặt của nhân dân thì các cơ quan quyền lực đều có xu hướng lạm quyền nên chính sự giám sát này đảm bảo cho Tòa án hoạt động đúng hướng, liêm chính, trong sạch và tuân thủ pháp luật.
Trong điều kiện kinh tế số, hợp tác quốc tế sâu rộng của hệ thống Tòa án cần được tăng cường. Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều và ngày càng nhiều các vụ án không phải chỉ trong địa hạt quốc gia mà càng ngày càng có những vụ án tranh chấp quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, hôn nhân đa quốc tịch… tất cả đó cần phải có nỗ lực, chung tay của Tòa án nhiều nước mới giải quyết được vấn đề. Đây cùng là nhiệm vụ chính mà chúng ta cần tập trung chỉ đạo và hoàn thành tốt trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chánh án!