Đôi câu đối là kim chỉ nam cho hoạt động công vụ của đội ngũ Thẩm phán

Lê Phúc Hỷ| 11/02/2021 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tốt đẹp và lành mạnh, hàng năm, vào các ngày Lễ trọng đại của đất nước và dịp Tết nguyên đán cổ truyền, cán bộ, Thẩm phán TAND lại thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân Văn hóa thế giới, người sáng lập và rèn luyện Tòa án nhân dân ngay từ thời kỳ đầu dựng nước.

Để có một không gian thờ kính tôn nghiêm, trang trọng đối với Người,  TANDTC đã giao cho Văn phòng thiết kế một gian thờ kính, tưởng nhớ Bác tại Tầng 3, Tòa nhà di tích lịch sử kiến trúc Quốc gia, số 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Qua một thời gian ngắn, với sự tích cực, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Văn phòng, vào ngày cuối năm Canh Tý, gian thờ kính tưởng nhớ Bác đã cơ bản hoàn thiện. Trong một diện tích khiêm tốn, với sự bài trí truyền thống, nghiêm trang, giản dị, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo sự tôn kính và uy nghiêm cần thiết. Gian thờ là sự thể hiện niềm yêu kính, là lời thề mãi mãi làm theo Bác trên con đường bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân của hệ thống TAND.

img_2434.jpg
Gian thờ kính tưởng nhớ công đức Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội và sự hiện diện của đôi câu đối trong tiết Xuân mới Tân Sửu 2021

Bên cạnh các bức hoành phi, câu đối lưu giữ lời di huấn của Bác đối với Tòa án, một điều đặc biệt trong gian thờ là đôi câu đối treo đăng đối phía trước, tác giả là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đã đúc kết qua quá trình chỉ đạo, lãnh đạo hệ thống Tòa án, cảm tác viết nên trong tiết Xuân Tân Sửu 2021:

“PHÁN XÉT CÔNG MINH LƯU ĐỨC CẢ

THẨM TRA CHÍNH TRỰC SÁNG DANH CAO” 

Đôi câu đối thất ngôn chỉnh về niêm luật, thanh âm bằng trắc đặt đúng vị trí khiến người đọc cảm nhận được sự hợp lý về vần điệu, sự tinh thông và sáng tạo về nội dung của tác giả. “Phán xét công minh”, “Thẩm tra chính trực” - Đó chính là chức năng, nhiệm, là sứ mệnh thiêng liêng của người Thẩm phán, của TAND đã được Hiến định, nhằm “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đã được quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013. Và đó cũng chính là yêu cầu cơ bản, tất yếu của người Thẩm phán mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao cho trọng trách là Thanh bảo kiếm của nền tư pháp, giữ cán cân công lý, đảm bảo công bằng xã hội. 

“Lưu đức cả”, “Sáng danh cao” chính là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đối với cán bộ, Đảng viên các cấp: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian”. Ở đây, cái tài tình của tác giả đôi câu đối là chỉ bằng hai câu thất ngôn cô đọng, ngắn gọn, nhưng đã nêu bật được tinh thần, nội dung chỉ đạo của đ/c Tổng Bí thư về việc rèn luyện đạo đức cán bộ, Đảng viên, gắn với yêu cầu, định hướng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xét xử của đội ngũ Thẩm phán Tòa án.

Chỉ với 14 từ cô đọng, ý khí mạnh mẽ, âm điệu sắc gọn, chữ nghĩa sáng rõ, dứt khoát…Đôi câu đối đã như một lời nhắc nhở đối với toàn thể cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp trong hoạt động xét xử, bảo vệ công lý, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Tinh thần nội dung đôi câu đối của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC sẽ trở thành kim chỉ nam, là phương châm rèn luyện đạo đức, là định hướng công tác của đội ngũ Thẩm phán cả nước trên bước đường phấn đấu, xây dựng Tòa án nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, là chỗ dựa tin cậy của Nhân dân./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôi câu đối là kim chỉ nam cho hoạt động công vụ của đội ngũ Thẩm phán