Dấu ấn công tác Tòa án nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021)

Mai Thoa| 13/02/2021 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiệm kỳ 2016 -2021, hệ thống Tòa án nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thực hiện cải cách tư pháp và hoạt động xét xử, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào hệ thống Tòa án- cơ quan bảo vệ công lý, cơ quan thực hiện quyền tư pháp quốc gia.

Công tác tư pháp để lại dấu ấn tốt trên nhiều lĩnh vực

Tại phiên họp UBTVQH diễn ra trước thềm năm mới 2021, khi cho ý kiến về báo cáo công tác của TANDTC nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đã có những nhận định, đánh giá quan trọng về hoạt động của Tòa án trong nhiệm kỳ qua.

dbqh.jpg

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hoạt động của Tòa án các cấp diễn ra trong điều kiện có thuận lợi, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cuối năm 2019, đầu năm 2020, như tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật gia tăng mạnh, đặc biệt là tình hình đại dịch Covid-19… Bối cảnh này đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng, trong đó có Tòa án. Tuy nhiên, các cấp, các ngành cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và có nhiều đổi mới, cải tiến, có một số giải pháp đột phá nên cơ bản hoàn thành thành tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Tại phiên họp này, các đại biểu cũng đánh giá rằng, nếu so với nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, công tác tư pháp đã để lại nhiều dấu ấn tốt trên một số lĩnh vực công tác, như việc bảo đảm tỷ lệ giải quyết các loại án kịp thời cao hơn, những loại án đặc biệt nghiêm trọng như án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, những vụ đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng giải quyết rất tốt. Qua đó, đã đóng góp tích cực vào việc ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế đất nước cũng như hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về những thành tựu, kết quả đạt được, các ý kiến cũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan tư pháp rất đồng bộ, đầy đủ, từ Hiến pháp đến các Luật về tố tụng, luật nội dung… Công tác cải cách tư pháp thông qua hoạt động của Tòa án, VKS đều đạt được kết quả cao hơn; thể hiện rất rõ trong các vấn đề tranh tụng, bảo đảm quyền bào chữa của Luật sư, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Công tác tổ chức, cán bộ, biên chế, nhiệm kỳ khóa XIV cũng là nhiệm kỳ mà các ngành tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và triển khai khá tốt. Tòa án và VKS đều có hệ thống 4 cấp đầy đủ theo quy định của pháp luật. Hệ thống Kiểm sát viên, Thẩm phán đều được bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Đến nay, mặc dù các vụ án tăng nhiều so với trước đây, nhưng biên chế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành, cũng là vấn đề mà Quốc hội, UBTVQH cần có những giải pháp tháo gỡ.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, được sự quan tâm của Quốc hội, UBTVQH và Tòa án các cấp cơ bản đã được xây dựng hoàn thiện, khắc phục tình trạng phải đi thuê, đi mượn trụ sở như trước. Đặc biệt ngành Tòa án quan tâm đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Hiện đã áp dụng rất mạnh mẽ công nghệ thông tin để công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, xây dựng nhiều phần mềm để giải quyết những vấn đề liên quan đến tố tụng của Tòa án… là điểm rất đáng ghi nhận.

img_4246.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Thời gian tới, ngành Tòa án, cần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để có những giải pháp hiệu quả hơn, đáp ứng được mong đợi của cử tri, nhân dân và phù hợp với chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TANDTC

Về công tác Tòa án nhiệm kỳ 2016-2021, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp hơn, quy mô lớn hơn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao.

Theo đó, trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội.

Đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, xét xử các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật…

Để có được kết quả khả quan như vậy, hệ thống Tòa án đã tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tại nhiều hội nghị trực tuyến về công tác Đảng, trực tiếp đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phổ biến các nội dung Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên Tòa án các cấp nắm bắt, thực hiện.

quoc-hoi-chat-van.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình-người đã dành nhiều tâm huyết và cống hiến cho hệ thống Tòa án 

Trong nhiệm vụ chuyên môn, các Tòa án phải luôn xác định công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Tòa án các cấp; xác định cán bộ là khâu then chốt trong giải quyết công việc chuyên môn. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, TANDTC đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức- cán bộ. Trên cơ sở đó, TANDTC tổ chức lại các Toà chuyên trách; đổi mới thi tuyển chọn nâng ngạch Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý; kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác tổ chức cán bộ; tăng cường kỷ cương kỷ luật công vụ…. Nhiều quy định về công tác cán bộ có liên quan đã được ban hành hoặc sửa đổi phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Lãnh đạo TANDTC đã đề ra 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Cùng với đó, đã đề ra những tiêu chí để đánh giá phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đó là: Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng quyền con người; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng và thực hiện đầy đủ thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật.

Một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng xét xử đó là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Trong suốt quá trình tổ chức xét xử, Hội đồng xét xử đều bảo đảm nguyên này và không hạn chế thời gian tranh tụng. Công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu; những vụ án đồng phạm có tổ chức. Bên cạnh đó, Tòa án cũng khoan hồng với những trường hợp bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có nhân thân tốt, nhiều tình tiết giảm nhẹ. Việc cho bị cáo hưởng án treo được Tòa án xem xét, cân nhắc thận trọng.

Đặc biệt, các Tòa án cũng đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc đối với nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.

TANDTC đã quan tâm chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với những vụ án kinh tế, chức vụ lớn; những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc. Bên cạnh việc kiến nghị thu hồi số lượng lớn tài sản tham nhũng, qua xét xử các vụ án tham nhũng, Hội đồng xét xử đã kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong tình hình mới .

Cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử TANDTC. Chỉ tính trong 3 năm qua đã có gần 600 nghìn bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân, với trên 25 triệu lượt truy cập tìm hiểu và đóng góp ý kiến. Việc công khai các bản án trên mạng Internet đã thể hiện tính công khai, minh bạch của Tòa án, được đông đảo nhân dân, các Nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý đồng tình ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn công tác Tòa án nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021)