Tại Kỳ họp thứ 9, 5 đạo luật đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam đã được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, 5 đạo luật đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam đã được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Đó là, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi); Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Các dự thảo luật này tuy được xây dựng từ cách đây 1-2 năm nhưng nội dung đã được thay đổi gần như hoàn toàn với sự tiếp thu các chủ trương, tư tưởng mới của Nghị quyết 57-NQ/TW ban hành ngày 22/12/2024.
Với những điều chỉnh lớn về nguyên tắc cùng nhiều điểm mới lần đầu tiên được thể chế hóa, các luật được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học công nghệ; giúp công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa quy trình gia nhập thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng được sâu rộng.
Ngày 14/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Luật được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ, thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nội luật hóa đầy đủ các cam kết quốc tế của Tổ chức thương mại thế giới cũng như tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi lần này có 6 điểm mới đáng chú ý.
Đó là, lần đầu tiên luật hóa Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia như một công cụ hoạch định dài hạn, định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hiện đại, hài hòa quốc tế; đồng thời xác lập địa vị pháp lý của Cơ quan Tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao năng lực điều phối và hội nhập quốc tế (Điều 8a).
Bên cạnh đó, Luật cũng thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đây là nền tảng cho quản lý số, tăng hiệu quả hậu kiểm, giảm chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (Điều 8c, 45, 48).
Luật cũng cải cách quy trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng rút ngắn thời gian, tăng tính minh bạch, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội; khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho công nghệ cao, công nghệ mới (Điều 10a, 17, 32, 44).
Quy định nguyên tắc “một sản phẩm-một quy chuẩn” trên toàn quốc đã được nêu rõ tại Luật nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý; mở rộng quyền xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, hiệp hội để xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn hóa (Điều 11a, 26a, 44).
Luật cũng có những quy định về đơn giản hóa thủ tục công bố hợp quy, chuyển sang hình thức báo cáo trực tuyến qua Cơ sở dữ liệu quốc gia; miễn công bố đối với sản phẩm đã được kiểm soát chất lượng đầy đủ theo luật chuyên ngành (Điều 45, 46, 48).
Luật đã bổ sung cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp quốc tế đối với các sản phẩm công nghệ cao như 5G, IoT, chip bán dẫn… trong trường hợp năng lực thử nghiệm trong nước chưa đáp ứng (Điều 57).
Việc Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (sửa đổi) được thông qua và dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2026 là bước hoàn thiện khung pháp lý quan trọng, giúp Việt Nam nâng cao chất lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Với cách tiếp cận toàn diện và minh bạch, Luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực then chốt này.
Ngày 18/6/2025, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Luật có 3 điểm đổi mới căn bản trong phương thức quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đó là việc chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro. Luật không còn phân nhóm hành chính mà phân loại sản phẩm theo rủi ro: Thấp-trung bình-cao (Điều 5).
Hàng rủi ro cao (trên dưới 100 sản phẩm) sẽ do tổ chức đánh giá sự phù hợp kiểm soát, áp dụng công nghệ và truy xuất nguồn gốc. Hàng rủi ro trung bình có thể do doanh nghiệp tự công bố hoặc do tổ chức chứng nhận đánh giá. Hàng rủi ro thấp do đơn vị tự công bố.
Bên cạnh đó, quy định trong Luật nêu rõ việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ. Luật quy định đầy đủ về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) với 5 thành tố: Tiêu chuẩn-đo lường-đánh giá sự phù hợp-công nhận-giám sát thị trường (Điều 6b).
Nhờ đó, việc số hóa và kết nối thông tin về tiêu chuẩn, chứng nhận, thử nghiệm, đo lường… được triển khai một cách minh bạch, có hỗ trợ kiểm soát chuỗi cung ứng và cảnh báo sớm.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết lần đầu tiên khái niệm hạ tầng chất lượng quốc gia được đề cập, như một hệ sinh thái bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, thử nghiệm, chứng nhận và công nhận.
Đây là nền tảng thiết yếu để bảo đảm chất lượng hàng hóa, thúc đẩy thương mại quốc tế, hội nhập quốc tế, tăng năng suất và đổi mới sáng tạo, bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
“Đây là một bước tiến lớn về quản lý chất lượng. Coi quản lý chất lượng là hạ tầng quốc gia, giống như hạ tầng giao thông, điện nước và Nhà nước phải đầu tư xây dựng và vận hành.
Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng và vận hành hạ tầng chất lượng quốc gia làm nền tảng cho doanh nghiệp, tổ chức chủ động tham gia, khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Luật nêu rõ một số trách nhiệm và chế tài như: Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng được tăng quyền giám sát bằng việc được phép thử nghiệm, khảo sát và cảnh báo chất lượng hàng hóa.
Luật cũng bổ sung quy định về quản lý chất lượng trên nền tảng số, quy trách nhiệm cho người bán và chủ sàn thương mại điện tử trong công khai thông tin, tiếp nhận khiếu nại, xử lý vi phạm (Điều 34b); mở rộng danh mục hành vi vi phạm nghiêm cấm như quảng cáo sai sự thật, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn (Điều 8); hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thử nghiệm, đào tạo, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (Điều 6c).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc bảo đảm sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng là bảo vệ giống nòi và nâng cao thương hiệu, do vậy Nhà nước sẽ chung tay với doanh nghiệp.
Việc Nhà nước tăng đầu tư nền tảng số quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia để giám sát, hậu kiểm thay cho tiền kiểm là sự chung tay giảm gánh nặng tuân thủ của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp cũng sẽ chung tay bằng cách nâng cao tính tự chịu trách nhiệm và chấp nhận khi hậu kiểm mà phát hiện có sai phạm trong tự công bố thì hình thức xử phạt sẽ nặng hơn và có thể bị tước quyền tự công bố. Đây là cách tiếp cận cân bằng, là sự phát triển bền vững.