Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình: Phát triển án lệ là nhiệm vụ của TANDTC

Tống Toàn (ghi)| 06/08/2014 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre đồng tình với việc Ban soạn thảo đưa vào Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC.

Bởi lẽ, bà cho rằng, quy định này phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Nên quy định TANDTC ban hành án lệ

TANDTC ban hành án lệ sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử, trước thực trạng luật vẫn còn những mảng còn thiếu, chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất và kịp thời, bà Bình nhấn mạnh. Hiện nay, việc luật cũ chưa quy định vấn đề này đang dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa thực sự công bằng, thống nhất dẫn đến sai sót; có những vụ án phải xét xử nhiều lần, nhiều vòng kéo dài, làm tăng chi phí tố tụng cho cả Nhà nước và người dân. Điều đó làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo công lý và nguy hiểm nhất là giảm niềm tin của người dân vào hoạt động tư pháp, bà Bình chia sẻ.

Do đó, việc áp dụng án lệ đối với TAND sẽ đảm bảo hơn sự thống nhất công bằng, thỏa đáng các phán quyết của Tòa án, chính Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng phải có giải pháp hiệu quả hơn để nâng cao hơn nữa chất lượng quyết định giám đốc thẩm của mình để có thể có giá trị trở thành án lệ. Đối với người dân, việc phát triển án lệ sẽ có thêm điều kiện đảm bảo quyền khởi kiện, quyền được xét xử công bằng trong những trường hợp tương tự. Hơn nữa, án lệ cũng rất có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy nghề luật và phổ biến giáo dục pháp luật. Việc quy định nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC cần xác định rõ án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bao gồm cả quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng toàn thể và của Hội đồng chuyên trách 5 Thẩm phán như quy định tại Điều 13 của Dự thảo luật, bà Bình khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình: Phát triển án lệ là nhiệm vụ của TANDTC

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình 

Khi đó, án lệ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn công bố có giá trị tham khảo, áp dụng đối với các TAND khi giải quyết các vụ việc tương tự. Còn các vấn đề tiêu chí, thủ tục lựa chọn, công bố án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ, việc thay đổi án lệ sẽ được quy định trong pháp luật về tố tụng khi sửa các luật về tố tụng. Đồng thời, bà Bình cũng nhất trí việc quy định hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại khoản 4, Điều 12 của Dự thảo, có nghĩa quyết định giám đốc thẩm không bị kháng nghị, bà Bình nhấn mạnh. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào khoản này một cụm từ: "Khi xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyền hủy sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật". Theo bà, quy định như vậy sẽ đảm bảo điều kiện cần thiết để TANDTC ban hành án lệ, đồng thời giải quyết nhanh chóng các trường hợp có oan sai, giảm chi phí tư pháp, nâng cao niềm tin công lý trong xã hội và quy định này cũng không trái với nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Tổ chức TAND.

Nên quy định hai ngạch Thẩm phán

Nói về ngạch Thẩm phán, bà Bình đề nghị nên quy định ngạch Thẩm phán theo phương án 1, Điều 51 của Dự thảo luật. Việc quy định Thẩm phán có hai ngạch: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán sẽ phù hợp với hoạt động xét xử. Lý do theo bà là hiện nay, Thẩm phán mới được bổ nhiệm lần đầu, trừ trường hợp được điều động đến Tòa án để giữ các chức vụ lãnh đạo đều là Thẩm phán cấp sơ thẩm và thực tế, đại đa số Thẩm phán hiện là Thẩm phán sơ cấp trọn đời với ngạch, bậc lương rất thấp. Tình trạng này không phải vì trình độ năng lực hay tính chất công việc không thể chuyển lên ngạch cao hơn mà vì vị trí công tác, trong khi việc giải quyết án sơ thẩm cực kỳ áp lực đối với những đơn vị có số lượng án nhiều. Việc không chuyển ngạch được là do số lượng biên chế Thẩm phán trung cấp, cao cấp bị hạn chế do lượng án phúc thẩm, giám đốc thẩm lượng thấp hơn rất nhiều so với án sơ thẩm, nên đa số đội ngũ Thẩm phán không có cơ hội để nâng ngạch. Hơn nữa, đối với Thẩm phán họ không được thi để nâng ngạch như công chức hành chính mà phụ thuộc vào việc bổ nhiệm, mà việc bổ nhiệm lại theo cơ cấu biên chế của từng cấp xét xử, bà Bình trăn trở.

Ngược lại, việc quy định đến 4 ngạch Thẩm phán sẽ gây vướng mắc trong việc luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán. Điều này cũng không khuyến khích sự năng động của Thẩm phán, có trường hợp ở cấp phúc thẩm có những án bị hủy nhiều lần, không còn Thẩm phán để ngồi trong hội đồng để xét xử, nhưng cũng không thể điều động Thẩm phán sơ cấp lên để xét xử dẫn đến tình trạng án bị tồn. Vấn đề này tồn tại sẽ gây phiền hà cho người dân. Vì vậy, việc quy định 2 ngạch Thẩm phán như trong phương án 1 và tiêu chí để tính quá trình công tác bằng bậc Thẩm phán sẽ tháo gỡ được bất cập về chế độ của Thẩm phán về thực hiện công tác điều động, biệt phái luân chuyển quy hoạch cán bộ và đặc biệt về công tác tổ chức xét xử như hiện nay, bà Bình khẳng định.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, bà Bình thống nhất với quy định theo phương án 1 tại Điều 57 của Dự thảo luật, Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn, nhiệm kỳ của Thẩm phán là 10 năm, lý do theo Luật Tổ chức TAND hiện hành thì nhiệm kỳ Thẩm phán là 5 năm. Việc quy định nhiệm kỳ ngắn với thủ tục, điều kiện được tái bổ nhiệm quy định trong những văn bản dưới luật hiện nay cũng khá khắt khe, cộng với quy chế quản lý cán bộ của cấp ủy đã góp phần nâng cao trách nhiệm năng lực đạo đức, công vụ của đội ngũ Thẩm phán. Tuy nhiên, do nhiệm kỳ ngắn, quy trình tái bổ nhiệm còn phức tạp, qua nhiều khâu kéo dài thời gian, cho nên gây áp lực tâm lý và tốn kém thời gian, công sức và đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực trong công tác xét xử. Nhiều nơi, nhiều đơn vị, Thẩm phán phải ngồi chờ tái bổ nhiệm, trong khi án tồn đọng thì Thẩm phán lại không được xét xử.

Do đó, để được tái bổ nhiệm trong trường hợp đủ tiêu chuẩn thì cũng mất rất nhiều thời gian theo như quy trình hiện nay và nếu như thực hiện theo Hiến pháp mới thì quy trình có thể còn kéo dài hơn nữa, gây khó khăn cho những Tòa án có lượng án cao và thiếu Thẩm phán. Vì vậy, việc kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán cùng với việc áp dụng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, kỷ luật cán bộ sẽ đảm bảo hiệu quả hoạt động của Thẩm phán hơn là kiểm soát chất lượng Thẩm phán bằng nhiệm kỳ ngắn, bà Bình chốt lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình: Phát triển án lệ là nhiệm vụ của TANDTC