10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2015

Quốc Huy| 31/12/2015 15:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (31/12), tại buổi họp báo về công tác tư pháp quý 4/2015, Bộ Tư pháp đã công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2015 của ngành Tư pháp.

10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2015

10 sự kiện nổi bật năm 2015 của ngành Tư pháp đã được công bố tại họp báo sáng nay (31/12)

10 sự kiện đó là:

1. Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, dấu ấn quan trọng, tạo động lực phấn đấu cho toàn Ngành đưa công tác tư pháp của cả nước lên tầm cao mới.

2. Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

3. Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - bước đột phá trong tư duy pháp lý về đổi mới, hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền của cá nhân, pháp nhân trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước

Với tỉ lệ tán thành là 86,84%, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự của Nhà nước ta. Trên cơ sở thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, Bộ luật có nhiều nội dung mang tính đột phá trong tư duy pháp lý về cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự của cá nhân, pháp nhân, như: quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng; xác định lại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; quy định cụ thể hơn các quyền nhân thân của cá nhân; xác định lại các hình thức sở hữu...

4. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) - công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm, thể hiện tính nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới.

10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2015

Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự

Trên cơ sở sự tham gia của gần 6 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân, ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII thông qua với tỷ lệ tán thành là 84,01%. Bộ luật có nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trước hết là đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật; đặc biệt là các quy định thể hiện tính nhân đạo cao như giảm hình phạt tù, giảm các tội phạm có hình phạt tử hình và giảm các trường hợp áp dụng phạt tử hình; thay thế việc truy cứu trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục người dưới 18 tuổi; bổ sung các quy định nhằm giúp người bị kết án thuận lợi hơn trong việc tái hòa nhập với xã hội như quy định về xóa án tích, tha tù trước thời hạn có điều kiện; quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường...

5. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, đưa công tác lập pháp, lập quy của Nhà nước vào một khuôn khổ thống nhất, chắc chắn sẽ góp phần làm đơn giản hóa hệ thống pháp luật nước ta, kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) với những nội dung mới, quan trọng dựa trên nền tảng là các nguyên tắc hiến định về tổ chức quyền lực nhà nước, về tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có sứ mệnh không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, mà với vai trò là “luật về làm luật”, Luật thiết lập một mặt bằng thể chế thống nhất cho hệ thống pháp luật quốc gia, củng cố trật tự ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đồng thời mở ra không gian rộng lớn cho sự tham gia, phản biện và giám sát của Nhân dân trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật của đất nước.

6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật được vận hành chính thức, phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp, góp phần chuyển hướng từ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật.

Được hình thành trên cơ sở quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; nhằm tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, ngày 28/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2015/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Triển khai thực hiện Nghị định, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã được đưa vào vận hành chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, với hơn 80.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, phục vụ việc truy cập của hơn 5 vạn lượt người mỗi ngày.

Việc đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật thống nhất trên toàn quốc đi vào hoạt động không những góp phần thực hiện mục tiêu minh bạch hóa hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp, qua đó nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội, mà còn phục vụ tốt hơn cho người dân trong việc giám sát việc thực thi công vụ đúng pháp luật của các cơ quan Nhà nước; tạo bước đột phá cho công tác tổ chức thi hành pháp luật trong cả nước.

7. Bước chuyển căn bản về nhận thức, đánh dấu sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ luật sư trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng.

10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2015

Nhiều quy định quan trọng liên quan đến vai trò của luật sư

Với nhiều quy định mới, quan trọng liên quan đến vai trò, hoạt động của đội ngũ luật sư, như mở rộng những trường hợp phải chỉ định người bào chữa bắt buộc đối với những bị can, bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù thay vì tử hình như trước đây; hủy bỏ chế độ cấp Giấy chứng nhận bào chữa thay bằng chế độ đăng ký bào chữa tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện quyền hành nghề của mình;...

8. Tổ chức thí điểm thành công chế định Thừa phát lại, được Quốc hội cho phép chính thức thực hiện, cùng với sự ra đời của đội ngũ Quản tài viên - các nghề tư pháp mới đã hình thành, dự báo sẽ góp phần quan trọng cho công tác xã hội hóa các nghề tư pháp, làm sáng tỏ và đầy đủ hơn ý nghĩa của những nỗ lực cải cách trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp của đất nước ta.

Sau gần 3 năm nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại, với những hiệu quả kinh tế - xã hội bước đầu như giảm tải nhân lực, thời gian và chi phí của các cơ quan Tòa án, Thi hành án; tăng cường tính chủ động, tích cực công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính, Thừa phát lại đã bước đầu khẳng định được vị trí của mình trong đời sống tư pháp của đất nước, tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý. Trên cơ sở kết quả thí điểm, ngày 26/11/2015, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước.

9. 05 năm chuyến biến cơ bản, bền vững công tác thi hành án dân sự

Năm 2015 và trong cả nhiệm kỳ 2011-2015 công tác thi hành án dân sự, hành chính của cả nước đã có sự chuyển biến, tiến bộ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác, từ việc hoàn thiện thể chế cho đến tổ chức bộ máy được thành lập tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương tới địa phương; công tác cán bộ được coi trọng, tổ chức, đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn cơ bản cả về số lượng và chất lượng, nhất là cán bộ quản lý và chức danh pháp lý, những địa phương yếu kém đã được giải quyết dứt điểm; công tác phối hợp được quan tâm, ngày càng hiệu quả; kỷ cương kỷ luật, cơ sở vật chất được tăng cường đáng kể; kết quả thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước, ngày càng thực chất và bền vững, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao.

10. Giải pháp “Kiềng ba chân” và việc thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến tạo tiền đề để giải quyết cơ bản tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân.

Được hình thành trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mô hình “Kiềng ba chân: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp - Cục Hồ sơ thống kê nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ Công an - Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố” thể hiện quyết tâm chính trị cao của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP cho người dân, giải quyết cơ bản tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tồn tại trong thời gian qua. Qua gần 01 năm triển khai thực hiện, đến nay, có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thử nghiệm giải pháp này, gần 5 vạn Phiếu lý lịch tư pháp đã được cấp cho người dân trong thời hạn pháp luật quy định, tạo tiền đề để giải quyết cơ bản tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, giải pháp còn là công cụ hỗ trợ để Đề án thí điểm cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ có điều kiện triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2015