Thời gian thử thách của án treo

Phương Nam| 07/03/2019 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Án treo là một chế định thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta.

Với phương châm “giáo dục, khoan hồng”, án treo không buộc người bị kết án cách ly khỏi xã hội mà tạo điều kiện cho họ được hòa nhập cùng cộng đồng, dưới sự giám sát, theo dõi, giáo dục của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

BLHS năm 1999 quy định về thời gian thử thách của án treo tại khoản 1 Điều 60: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm”.

BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khoản 1 Điều 65 quy định về thời gian thử thách của án treo: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo quy định như sau: “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm”.

Ở đây sẽ xảy ra ba trường hợp: Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng 02 lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm; Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng  02 lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm;  Trong trường hợp đặc biệt thì Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách ngắn hơn mức được hướng dẫn tại các điểm 1 và b nêu trên, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

Thời gian thử thách của án treo

Ảnh minh họa

Thời điểm tính thời gian thử thách của án treo: Theo Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo được xác định như sau:

“(1) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là ngày tuyên án sơ thẩm; (2) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm; (3) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm;(4)  Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; (5) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu;

(6) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực; (7) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực; (8) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, Nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm”.

Theo Điều 5 Nghị quyết số 02/2018, thì về cơ bản thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là từ khi tuyên án (Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm..). Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2010, bản án, quyết định được thi hành là bản án, quyết định có hiệu lực và đã có quyết định thi hành án… Có ý kiến cho rằng cần xem xét sửa đổi thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo cho phù hợp và vẫn đảm bảo việc giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án theo hướng: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày người bị kết án phải đến Tòa án nơi kết án nhận quyết định thi hành án và bản án và nộp cho UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi người đó đóng quân, làm việc để giám sát giáo dục đối với người bị kết án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời gian thử thách của án treo