Nhóm anh em Hồi giáo cực đoan Maute - Trái bom nổ chậm của Châu Á

Hà Kim (Theo Reuters)| 14/06/2017 17:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhóm anh em Hồi giáo cực đoan Maute đang làm mưa làm gió ở Marawi (Philippines) có nền tảng giáo dục bài bản và là hiểm họa không hề nhẹ của toàn khu vực.

Ngày 23/5, hàng trăm phiến quân dẫn đầu bởi nhóm khủng bố Maute do Omarkhayam cùng người em sáng lập từ năm 2013 đã đánh vào Marawi thuộc đảo Mindanao, miền Nam Philippines.

Các tay chân của Omarkhayam đã treo cờ đen đặc trưng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên nhiều con đường ở Marawi. Những hình ảnh này như để khẳng định Omarkhayam hoàn toàn xứng đáng với biệt danh “Quả bom nổ chậm biết đi” mà y tự đặt ra cho mình trên tài khoản Facebook cá nhân.

Nhóm anh em Hồi giáo cực đoan Maute - Trái bom nổ chậm của Châu Á

Hai anh em thủ lĩnh nhóm khủng bố Maute là Omarkhayam và Abdullah 

Được biết, hai anh em thủ lĩnh nhóm khủng bố Maute là Omarkhayam và Abdullah đã cùng nhau lớn lên trong một đại gia đình có 7 anh chị em ở ngay tại  Marawi – thành phố có đa số người dân theo Hồi giáo tại một đất nước có đến 90% dân số theo Thiên chúa giáo. Có thể nói, về mặt lịch sử Marawi được xem như “trái tim” của cộng đồng người Hồi giáo trên đảo Mindanao.

Theo lời những người hàng xóm của gia đình Maute, hai anh em Omarkhayam và Abdullah có một quá khứ rất hiền hòa. Họ không hiểu vì sao chúng lại chọn đi theo IS.

Sau này, khi hai anh em Omarkhayam và Abdullah rời khỏi đất nước vào đầu thập niên 2000 để đi du học. Abdullah đến Jordan và mất tung tích, còn Omarkhayam đến Đại Học Al-Azhar (Cairo, Ai Cập). Tại đây, Omarkhayam gặp và yêu con gái của một tu sĩ Hồi giáo Indonesia bảo thủ. Sau khi hai người kết hôn, họ cùng trở về Indonesia sinh sống. Đến năm 2011, họ về định cư ở Mindanao, Philippines.

Theo chuyên gia về chống khủng bố của Indonesia, ông Sidney Jones, tên khủng bố khét tiếng Omarkhayam bị cực đoan hóa theo chủ nghĩa Hồi giáo từ khi ở quê nhà chứ không phải khi ở Trung Đông. Dù không có bạn học nào của Omarkhayam phát hiện bất kỳ dấu hiệu cực đoan. Những bức ảnh tư liệu cũng chỉ thể hiện hắn là một người cha cực kỳ yêu thương con gái và gia đình mình.

Cũng theo những tư liệu nghiên cứu của ông Sidney Jones, dòng họ Maute là một đại gia đình với quá khứ vô cùng bình lặng. Thế mà khi giao tranh tại Marawi nổ ra, tình báo Philippines ghi nhận được đến bảy anh em trong đại gia đình này giương cao ngọn cờ IS tiến vào thành phố. Mà “trái tim” của nhóm khủng bố này không ai khác là bà Ominta Romato Maute (biệt danh Farhana) - mẹ của hai anh em Omarkhayam và Abdullah.

Nhóm anh em Hồi giáo cực đoan Maute - Trái bom nổ chậm của Châu Á

Bà Ominta Romato Maute (biệt danh Farhana) - mẹ của hai anh em Omarkhayam và Abdullah

Theo các thông tin điều tra, bà Farhana là người cung cấp tài chính và trực tiếp tuyển mộ và cực đoan hóa thanh thiếu niên địa phương nhằm tăng thêm quân số cho nhóm khủng bố Maute.

Nhân vật này bỏ trốn khỏi Marawi vào ngày thứ ba của cuộc giao tranh. Nhưng vào ngày 9/6, giới chức đã chặn bắt được Farhana ở ngoại ô Marawi khi mụ ở trong một chiếc xe chất đầy súng ống và thuốc nổ. Việc Farhana bị tống giam là một đòn mạnh giáng vào các chiến binh cực đoan, vì bà ta là “trung tâm" của tổ chức Maute và cũng khét tiếng không kém gì hai người con của bà.

Trước đó, cha của anh em Maute là ông Cayamora Maute cũng đã bị bắt ở thành phố Davao cách đó 250km, khi đang cùng vợ hai trốn trên một chiếc xe tải tìm cách tẩu thoát khỏi Marawi.

Theo nhiều nguồn tin quân sự, Cayamora Maute từng là một quan chức cấp cao của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), tổ chức hiện tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Philippines. MILF cũng muốn thành lập một khu vực tự trị ở Mindanao. Các con trai của ông Cayamora chỉ trích sự lãnh đạo của MILF và sau đó cam kết trung thành với IS.

Theo các chuyên gia, có thể những vụ bắt giữ liên tiếp nhắm vào các thành viên gia đình Maute đã kích động nhóm khủng bố thực hiện các vụ tấn công trả thù.

Tổ chức Maute lần đầu được nhiều người biết đến là vào năm 2013 khi xảy ra vụ đánh bom một hộp đêm ở Cagayan de Oro. Vị thế của tổ chức này đã gia tăng kể sau đó, nhất là sau vụ đánh bom một chợ trên hè phố vào năm 2016 ở thành phố Davao, quê hương Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Omarkhayam đã thiệt mạng trong vụ đánh bom kép bằng xe hơi xảy ra ở quận trung tâm Zahra của thành phố Homs, phía tây Syria ngày 21/2/2016 và Abdullah - người em và cũng là “phó tướng” của y đã nắm quyền lãnh đạo nhóm khủng bố Maute.

Dù mất lãnh đạo, nhóm này vẫn hoạt động mạnh mẽ và đã tập hợp được đến bốn nhóm cực đoan địa phương dẫn đầu đợt tấn công vào Marawi ngày 23/5.

Nhưng theo lời tiết lộ của một thành viên không cực đoan của dòng họ Maute tại Marawi với hãng tin Reuters, thì Omarkhayam vẫn còn sống sót. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận bởi chính phủ Manila.

Theo ông Sidney Jones, nhóm khủng bố của hai anh em nhà Maute có những thành viên rất thông minh, được giáo dục kỹ lưỡng và tinh vi nhất trong tất cả nhóm phiến quân “thân IS” tại Philippines. Và các chiến binh mà nhóm này tuyển mộ cũng gần như không biết sợ là gì.

Thành viên của Maute cũng rất thành thạo mạng xã hội và sử dụng đó làm công cụ chủ lực để tuyển mộ thành viên và truyền bá tư tưởng.

Ông Sidney Jones cũng khẳng định, nhóm Maute có sự trợ giúp rất lớn tại  Marawi, điều này càng khiến chiến dịch của quân đội Philippines thêm khó khăn. Tuy nhiên, khi quyết định đẩy Marawi vào tình cảnh bom rơi đạn lạc, nhóm khủng bố này cũng đã tạo nên không ít sự căm thù từ người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhóm anh em Hồi giáo cực đoan Maute - Trái bom nổ chậm của Châu Á