Nghiệp vụ

Tháo gỡ khó khăn trong đo đạc xác định hiện trạng đất tranh chấp

Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng 17/06/2024 - 11:23

Năm 2023, bên cạnh những kết quả đạt được, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là tiến độ giải quyết các vụ án dân sự tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất cũng như chất lượng không bằng so với các loại án khác, đặc biệt là công tác đo đạc xác định hiện trạng đất tranh chấp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn trong việc đo đạc xác định hiện trạng đất tranh chấp

Khi giải quyết các vụ án dân sự có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất có thể nói là bắt buộc phải đo đạc để xác định hiện trạng quyền sử dụng đất tranh chấp làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án (đây là một trong các biện pháp thu thập chứng cứ). Trong khi đó, Tòa án không có chức năng đo đạc, cho nên việc đo đạc phải do cơ quan, tổ chức có chức năng chuyên môn thực hiện.

Hiện nay, việc đo đạc xác định hiện trạng để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất hầu hết do Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện (đối với các vụ án dân sự có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh), Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở cấp huyện thực hiện (đối với các vụ án dân sự có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện).

Thực tiễn các vụ án dân sự quá thời hạn chuẩn bị xét xử, tạm đình chỉ của các Tòa án thời gian quan với lý do không đo đạc xác định được hiện trạng đất đang tranh chấp là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Đương sự (chủ yếu là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chống đối, cản trở không cho đo đạc; việc chống đối, cản trở thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: không cho nguyên đơn chỉ dẫn cấm mốc ranh, cũng không phối hợp chỉ dẫn cấm mốc ranh; rào chắn, không mở cửa (trường hợp có công trình xây dựng trên đất tranh chấp); đe dọa dùng vũ lực đối với cán bộ Tòa án, các đương sự khác, thậm chí đe dọa đập phá máy móc thiết bị dùng để đo vẽ của cán bộ đo đạc...; tình trạng này thời gian qua xảy ra nhiều và gần như Tòa án địa phương nào cũng gặp phải.

Thứ hai: Việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất của cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về đất đai qua từng giai đoạn, từng thời kỳ chưa được đầy đủ, không cập nhật được biến động về thửa đất; thông tin trong hồ sơ về thửa đất không chính xác (về kích thước, số đo, diện tích, hình dạng khu đất, công trình xây dựng trên đất…), cho nên một số trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất (có bằng khoán chế độ cũ, chứng thư quyền sử dụng) nhưng cơ quan chuyên môn đo đạc không có tài liệu để xác định vị trí thửa đất tranh chấp.

Thứ ba: Khi tiến hành đo đạc đối với đất tranh chấp chưa có GCNQSDĐ, cơ quan chuyên môn đòi hỏi (bắt buộc) những người sử dụng đất giáp ranh (tứ cận) với quyền sử dụng đất đang tranh chấp phải có mặt và ký xác nhận ranh đất nhưng các hộ tứ cận thường không hợp tác trong việc xác định ranh giới, không chịu ký tứ cận thậm chí không có mặt ở địa phương.

ky.png
TAND tỉnh Sóc Trăng ký quy chế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng

Quan điểm giải quyết

Có thể nói việc đương sự chống đối, cản trở không cho đo đạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không xác định được hiện trạng đất đang tranh chấp. Về giải pháp của các Tòa án trong việc xử lý khó khăn không đo đạc được do đương sự chống đối, có nhiều quan điểm, nhưng tựu chung có hai quan điểm chính sau:

Quan điểm thứ nhất: Đương sự có hành vi chống đối, cản trở thì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở, chống đối đo đạc theo quy định tại Điều 127 Bộ luật TTDS 2015.

Khi Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành ngay và khi Cơ quan thi hành án dân sự thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án sẽ được hỗ trợ về tư pháp của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân “Hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án quyết định khác do pháp luật quy định theo yêu cầu của cơ quan thi hành án có thẩm quyền...;”.

Sự phối hợp này sẽ xử lý được việc đương sự chống đối, cản trở đo đạc, tăng cường pháp chế XHCN.

Quan điểm thứ hai: Hiện nay, trên cơ sở công văn giới thiệu của Tòa án, nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ký kết với Văn phòng Đăng ký đất đai hợp đồng dịch vụ đo vẽ (đo đạc) đất tranh chấp theo nội dung yêu cầu đo đạc của Tòa án mà cụ thể là Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án.

Do đo đạc xác định hiện trạng để phục vụ giải quyết tranh chấp nên Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án lập kế hoạch (Thông báo cho các đương sự biết thành phần đoàn đo đạc, thời gian tiến hành đo đạc…) và tổ chức thực hiện việc đo đạc (liên hệ chính quyền địa phương, lập biên bản về việc đo đạc…).

Như vậy, hoạt động đo đạc xác định hiện trạng quyền sử dụng đất và công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất để giải quyết tranh chấp của Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án được xem là “hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng”.

Bộ luật TTDS năm 2015 quy định xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Người nào có hành vi cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Do đó, đương sự chống đối, cản trở không cho đo đạc là hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng (Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án) thì lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Điều 97 Bộ luật TTDS 2015 quy định:“ 2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; c) Trưng cầu giám định; d) Định giá tài sản; đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ; e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú; i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này. 3. Khi tiến hành các biện pháp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án”.

Như vậy, chỉ khi nào Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định tiến hành một hoặc một số biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 97 nêu trên mới được xem là hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án.

Để hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án đúng quy định của Bộ luật TTDS năm 2015, chúng ta phải “đặt” thủ tục “đo đạc” để xác định hiện trạng đất tranh chấp là “một nội dung” trong biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án; đó là biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ theo điểm đ khoản 2 Điều 97 và Điều 101 Bộ luật TTDS 2015.

Đồng thời, để có cơ sở xử lý trường hợp đương sự có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng - Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án. Chúng ta cần thực hiện giải pháp như sau:

Bước 1: Căn cứ yêu cầu của đương sự và tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp như: GGCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trích lục bản đồ địa chính, giấy tờ chuyển nhượng, chứng thư QSD đất,….

Thẩm phán ban hành công văn gửi Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc các tổ chức được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ (sau đây gọi là đơn vị đo đạc) hợp đồng dịch vụ đo đạc. Công văn nêu rõ nội dung yêu cầu đương sự hợp đồng đo đạc xác định: vị trí, diện tích quyền sử dụng đất đang tranh chấp; định vị, phục hồi mốc ranh quyền sử dụng đất của các bên đương sự.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được công văn của Thẩm phán, Tòa án với Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc các tổ chức được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ phải ký kết hợp đồng đo đạc (sau đây gọi là hợp đồng đo đạc).

Bước 2: Sau khi ký hợp đồng đo đạc, Thẩm phán ban hành Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ theo (Mẫu số 05-DS, Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC). Tại phần quyết định:

“1. Xem xét, thẩm định tại chỗ đối với:…”. Ngoài việc, ghi đối tượng và những vấn đề cần xem xét, thẩm định tại chỗ như hướng dẫn tại mục 5 (hướng dẫn sử dụng mẫu số 05-DS), còn phải ghi rõ nội dung đo đạc xác định: vị trí, diện tích quyền sử dụng đất đang tranh chấp; định vị, phục hồi mốc ranh quyền sử dụng đất của các bên đương sự.

2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ được tiến hành vào hồi… giờ... phút ngày.... tháng... năm.... (Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định); tại ghi như hướng dẫn tại mục 6 (hướng dẫn sử dụng mẫu số 05-DS).

Bước 3: Trên cơ sở Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ, Thẩm phán xây dựng Kế hoạch tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, cụ thể như sau:

Thành phần tiến hành và những người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ: Ngoài Thẩm phán, Thư ký, đơn vị đo đạc, phải ghi: “với sự có mặt của đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó”.

Nội dung xem xét, thẩm định tại chỗ: ghi những nội dung theo Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ (tại mục 1 quyết định). Thời gian, địa điểm xem xét, thẩm định tại chỗ: Ghi theo Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ (tại mục 2 quyết định).

Phương pháp tiến hành: Thẩm phán cùng với đơn vị đo đạc phối hợp với người dẫn đo đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với các đương sự tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất. Đơn vị đo đạc lập Bản vẽ hiện trạng đất đang tranh chấp giao (trả kết quả) cho Tòa án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đo đạc.

Trường hợp có đương sự, người sử dụng đất liền kề vắng mặt hoặc không ký xác nhận giáp ranh thì đơn vị đo đạc, các đương sự, người sử dụng đất liền kề có mặt và người dẫn đo đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có) tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất (người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do đương sự, người sử dụng đất liền kề đó vắng mặt hoặc không ký xác nhận vào phần lý do vắng mặt/ không đồng ý trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất).

Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã để đương sự, người sử dụng đất liền kề vắng mặt đến ký xác nhận. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự, người sử dụng đất liền kề vắng mặt không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập. Đơn vị đo đạc lập Bản vẽ hiện trạng quyền sử dụng đất đang tranh chấp giao (trả kết quả) cho Tòa án.

Trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt có tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì thông báo đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bước 4: Thẩm phán lập biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ (Thư ký ghi biên bản), thể hiện đầy đủ nội dung: “Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định.

Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận”.

Bước 5: Trường hợp đương sự, người sử dụng đất liền kề có hành vi chống đối, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, thì Thẩm phán đề nghị UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Nếu đã được UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hỗ trợ nhưng đương sự, người sử dụng đất liền kề vẫn có hành vi chống đối, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ thì căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật TTDS năm 2015: “Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ”.

Thẩm phán lập biên bản đối với đương sự, người sử dụng đất liền kề có hành vi chống đối, cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Với giải pháp trên, chúng tôi tin tưởng rằng thời gian tới tiến độ giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến quyền sử dụng sẽ được đẩy nhanh, tỷ lệ giải quyết sẽ tăng lên, hạn chế được tình trạng án tạm đình chỉ, án quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn trong đo đạc xác định hiện trạng đất tranh chấp