Trong thời điểm bất động sản trầm lắng, nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của người dân ngày một hạn chế, nhiều mặt bằng đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ xây dựng nhà ở rất thấp. Số lượng người dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở không nhiều, phần lớn là đầu cơ, mua đi, bán lại dẫn tới hệ lụy là lãng phí tài nguyên đất, giá thành giảm và nhếch nhác, để không.
Được biết, ngày 28/2, UBND tỉnh có Quyết định số 832/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, có 736 dự án (mặt bằng) được phê duyệt danh mục dự án đấu QSDĐ năm 2024, với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 2.093,5 ha; tổng diện tích đất dự kiến đấu giá là 586,2 ha; tổng số tiền dự kiến thu là 18.546,7 tỷ đồng; tiền thu được sau khi trừ giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật là 11.336,4 tỷ đồng.
Trong đó, một số địa phương có nhiều dự án được đưa vào danh mục, như: huyện Đông Sơn 88 dự án, huyện Hoằng Hóa 71 dự án, huyện Thọ Xuân 65 dự án, huyện Thiệu Hóa 55 dự án, huyện Quảng Xương 58 dự án, huyện Nga Sơn 42 dự án...
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn, trên cơ sở danh mục các dự án đấu giá được UBND tỉnh phê duyệt, khẩn trương tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo để đảm bảo đầy đủ các điều kiện tổ chức đấu giá QSDĐ các dự án theo quy định của pháp luật.
Tổ chức xây dựng giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ phải đảm bảo quy định của pháp luật, sát với giá thị trường, nhằm thu hút người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước.
Lựa chọn những dự án đã có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, có khả năng đấu giá thành công, quy mô dự án phù hợp để tập trung triển khai thực hiện đấu giá trước. Tổ chức giám sát chặt chẽ công tác tổ chức đấu giá QSDĐ thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá có kinh nghiệm, năng lực tốt và việc tổ chức thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định hiện hành của pháp luật. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án (nếu có) thuộc thẩm quyền để triển khai đấu giá QSDĐ đảm bảo kế hoạch được phê duyệt; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị có tài sản bán đấu giá là QSDĐ thực hiện ký văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) đến thời điểm ngày 31/12/2024 phải tổ chức đấu giá thành công, hoàn thành kế hoạch đấu giá QSDĐ năm 2024 đã được phê duyệt.
Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính khi xác định, thẩm định giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ phải sát với giá thị trường để tổ chức đấu giá đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước.
Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa thực hiện; đồng thời, thực hiện những nội dung công việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trong báo cáo năm 2023, nguồn thu tiền sử dụng đất của Thanh Hóa đạt khoảng 7.800 tỷ đồng. Trên cơ sở dự toán được giao, Cục thuế Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tích cực khai thác hiệu quả nguồn thu như: Thu từ tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê, thu từ hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở, bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Trong những năm qua, các địa phương ở Thanh Hóa đã quy hoạch, chuyển đổi, tiến hành đầu tư hạ tầng hàng trăm mặt bằng khu dân cư. Đứng đầu là Hoằng Hóa, Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định… Những địa phương khai thác được quỹ đất đã có nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống công sở, trường học, tram y tế…
Thế nhưng mặt trái của việc bán đất ồ ạt là lãng phí tài nguyên đất. Hầu hết các mặt bằng rất ít có người dân xây dựng nhà để sinh sống. Lượn một vòng TP Thanh Hóa nơi được xem là đô thị lớn “tấc đất tấc vàng” có thể dễ nhận thấy mặt bằng 3241 (phường Đông Hải); 199 phường Đông Hải; 2125 (phường Đông Vệ), ATM (phường Đông Hương)…số lượng người dân xây dựng lác đác. Ngay như mặt bằng được xem là kiểu mẫu như Bình Minh (phường Đông Hương) hơn 15 năm nay vẫn chưa lấp đầy.
Tại các huyện như Hoằng Hóa, Đông Sơn trước đây là bờ xôi ruộng mật thì nay được kẻ vẽ, hô biến thành các khu đô thị, khu dân cư. Thế nhưng cả nghìn lô đất ở chỉ có vài hộ tiến hành dân dựng nhà, còn lại để không. Phải mất rất nhiều năm nữa thì mới có thể sử dụng hết nguồn đất ở rất lớn đã đưa ra thị trường.
Trong năm 2023, có nhiều mặt bằng được quy hoạch bài bản và tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng không thu hút được nhiều người mua, dẫn đến nguồn thu tiền sử dụng đất ở nhiều địa phương chưa đạt dự toán tỉnh giao. Đơn cử như huyện Quảng Xương hụt thu tiền bán đất lên tới 70 tỷ đồng, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa…cũng vỡ trận vì quy hoạch bán đất ở tràn lan.
Với số lượng khủng như năm 2024 đang giao thì quỹ đất mặt bằng dư thừa sẽ rất lớn. Điều đó sẽ khiến các địa phương khó đảm bảo được kế hoạch thu chi của mình. Cùng với điều kiện thị trường biến động, kinh tế thế giới suy thoái, bất động sản trầm lắng, mặt bằng giá đang cao (do đơn vị xây dựng giá phải căn cứ trên mặt bằng liền kề, nhất là thời điểm sốt giá) sẽ khó có người tham gia.