Minh bạch, rõ ràng và hiệu quả - đó là những từ khóa nổi bật khi nhắc đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thời gian qua. Thay vì chỉ dựa vào phương pháp tuần tra truyền thống, lực lượng CSGT đang từng bước số hóa quy trình kiểm soát, nhờ hệ thống camera hiện đại hoạt động 24/24 giờ. Chính điều này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đồng thời nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân.
Áp dụng công nghệ để quản lý giao thông hiệu quả
Trong bối cảnh giao thông đô thị ngày càng phức tạp, hành vi vi phạm cũng trở nên tinh vi hơn. Sự thay đổi nhanh chóng về quy mô đô thị hóa, hạ tầng giao thông, cùng với các hành vi vi phạm diễn ra hàng ngày đòi hỏi lực lượng CSGT không thể chỉ dựa vào phương pháp tuần tra truyền thống mà phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả kiểm soát, giám sát và xử lý vi phạm.
Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ là xu thế tất yếu và là yêu cầu cấp bách nhằm giảm thiểu tiêu cực, tối ưu hóa nguồn lực và minh bạch
hóa toàn bộ quy trình xử lý vi phạm. Trên cơ sở đó, ngày 15/11/2024, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BCA, nhấn mạnh đến việc tích hợp công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hỗ trợ cảnh sát giao thông đưa ra quyết định chính xác và kịp thời, đồng thời nâng cao niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật.
Kết quả tích cực từ ứng dụng khoa học công nghệ
Hiện, trên địa bàn Thành phố có hơn 600 cụm camera giám sát giao thông hoạt động 24/24 giờ giúp các vi phạm nhanh chóng được truyền trực tiếp về Trung tâm chỉ huy giao thông (Phòng CSGT).
Theo thống kê, trong quý I/2025, hệ thống "mắt thần" này đã giúp xử lý "phạt nguội" 1.351 trường hợp vi phạm. Những hành vi cố tình vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn, dừng đỗ sai quy định... đều bị phát hiện và xử lý nghiêm theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP.
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, với hệ thống camera hiện nay, người dân nếu không tự giác chấp hành, hoặc chỉ chấp hành khi có CSGT, các camera sẽ ghi nhận và thông báo đến các chốt ứng trực trên đường để xử lý.
Những lý do quên mang theo giấy tờ, hay mất giấy tờ để không bị tạm giữ đều không thuyết phục, khi chỉ cần tra cứu trên phần mềm ứng dụng hiện nay sẽ ra các thông số tên, tuổi, chủ phương tiện và lịch sử vi phạm để qua đó CSGT thực hiện xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xử phạt qua hệ thống camera giám sát, áp dụng hình thức phạt nguội đã giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Khi hiểu rõ mục tiêu của các quy định, người dân không chỉ tự giác chấp hành mà còn lan tỏa ý thức này đến cộng đồng. Để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, bên cạnh việc thực thi nghiêm các quy định, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, mở rộng hệ thống giám sát và xử lý vi phạm. Quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông cần ý thức rõ trách nhiệm của mình, không chỉ vì sự an toàn của bản thân mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông trật tự, văn minh.
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội TTKSGT đường bộ Cao tốc số 3 Cục Cảnh sát giao thông, hiện tại trên tuyến cao tốc Pháp Vân đã có hệ thống giám sát từ km 182 – 259 ghi nhận những hình ảnh, tốc độ, phần đường, làn đường của các phương tiện lưu thông trên tuyến. Thông qua hệ thống giám sát, đơn vị đã xử lý nghiêm các vi phạm như việc dừng đỗ, chạy vào làn khẩn cấp, đặc biệt là tình trạng chạy quá tốc độ rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trên tuyến. Giảm thiểu tối đa nguy cơ gây tai nạn và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Mở ra nhiều giải pháp mới
Theo các chuyên gia công nghệ, việc lực lượng CSGT ứng dụng khoa học công nghệ đang là một xu hướng đáng chú ý. Xu hướng này vừa giúp nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm, vừa góp phần minh bạch hóa quá trình thực thi nhiệm vụ, giảm thiểu tranh cãi giữa lực lượng chức năng và người tham gia giao thông khi thực hiện nhắc nhở, xử phạt.
Nhờ các thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến, dữ liệu vi phạm được ghi nhận chính xác, lưu trữ đầy đủ và có thể trích xuất để người dân nhìn lại hành vi vi phạm của mình một cách thực tế. Từ đó, không chỉ hỗ trợ công tác xử lý vi phạm nhanh chóng, chính xác mà còn nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, lan tỏa thông điệp về văn hóa khi tham gia giao thông cho người dân.
Được triển khai từ năm 2018, đến nay, hệ thống camera giám sát đã phủ sóng rộng khắp ở các tỉnh, thành phố, với tính năng quan sát hoặc tự động cảnh báo với mục tiêu đề ra: giám sát tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông; giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Có thể thấy, việc tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đã làm thay đổi căn bản phương thức xử lý hành vi vi phạm luật, dần thay thế hình thức xử phạt trực tiếp bằng tăng cường phạt nguội qua hình ảnh. Dù không cần có mặt lực lượng chức năng trên các tuyến đường, toàn bộ hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn được ghi lại và xử lý nghiêm minh.
Nhờ đó, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ, tự giác chấp hành, tuân thủ luật an toàn giao thông, thay vì “ đối phó” tuân thủ chỉ khi có sự hiện diện của lực lượng chức năng. Đây chính là tính ưu việt vượt trội của hệ thống camera xử lý phạt nguội vi phạm giao thông đang được vận hành tại các địa phương. Việc áp dụng biện pháp phạt nguội đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng CSGT trong việc thực hiện nhiệm vụ, phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi vi phạm một cách chính xác, công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.
Cùng với việc tăng cường xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông tự động qua hình ảnh camera và hệ thống giám sát giao thông khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ số hóa các phương tiện quản lý bằng lái điện tử và trừ điểm bằng lái khi vi phạm giao thông; qua đó giúp cơ quan chức năng quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đến quá trình chấp hành luật, việc vi phạm, tái phạm.
Trên cơ sở đó, việc trừ điểm bằng lái xe sẽ tác động đến hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của mỗi người lái xe.