Phóng sự - Ghi chép

Thanh Hóa: Khát vọng an cư của người Mông ở Bản Ún

Thanh Phương 17/10/2024 - 08:12

Như nhiều bản làng khác của huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), nhiều năm qua Bản Ún với gần 130 nóc nhà (trên 800 nhân khẩu, toàn bộ là dân tộc Mông) sống dọc sườn đồi. Trước sự biến đổi của thiên nhiên, mưa bão đã khiến quả đồi “trở quẻ” nứt chạy dài, đe dọa cuộc sống của người dân ở phía dưới. Cơ quan chức năng buộc phải di dời khẩn cấp người dân tới nơi an toàn, chờ tái định cư.

Từ quốc lộ 16 qua Vạn Mai (tỉnh Hòa Bình) chạy thẳng lên phía tây để tới địa phận xã Mường Lý (Mường Lát). Cung đường từ đây vào Bản Ún, Sài Khao chừng hơn 10km đang là đường đất lởm chởm. Nếu như trời nắng thì việc di chuyển bằng xe máy, xe đạp sẽ thuận lợi hơn. Còn nếu mưa thì chỉ có lắc đầu đi bộ.

duongvao.jpg
Đường vào Bản Ún

Cũng may cho chúng tôi khi mấy ngày hôm nay nắng ráo và đơn vị thi công đang san gạt, tạo nền đường nên xe có thể di chuyển thuận lợi vào tới tận bản chứ không phải cuốc bộ. Thói quen của người Mông là sinh sống trên sườn núi cao, ở phân tán. Trước đây họ hay du canh, du cư. Nhưng từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục, người Mông quây quần lại ở với nhau trồng trọt, chăn nuôi.

Cuộc sống êm đềm của người dân cứ thế trôi qua. Dãy núi người dân sống men theo như đường cày đang ngày một nứt rộng. Những vết nứt, trượt đã xuất hiện từ vài năm trước khi có mưa lớn trong thời gian dài. Người dân cũng nhận thấy nguy hiểm, nhưng không biết di chuyển đi đâu đành đánh liều với “thần chết”.

bamdoi.jpg
Người dân có thói quen ở dọc các chân đồi

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 thời điểm tháng 9/2024, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài, Bản Ún xuất hiện vết nứt dài khoảng 152 mét, rộng 50cm, đã sụt so với mặt bằng từ 1 mét đến 25 mét, nguy cơ sạt lở rất cao, đe doạ trực tiếp đến sự an toàn của nhiều hộ dân. Bản có 126 hộ với 804 nhân khẩu trong diện phải di dời do ở trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở đất.

Trước tình hình đó, mặc dù mặt bằng tái định cư đang được triển khai xây dựng và chưa được bàn giao, nhưng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, huyện Mường Lát đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND xã Mường Lý khẩn trương di dời những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến nơi tái định cư và xây dựng nơi ở tạm cho các hộ dân trong khi chờ đợi hoàn thiện mặt bằng để di chuyển nhà ở của các hộ dân lên nơi ở mới.

lantam.jpg
Sống tạm trong các căn lều chờ tái định cư

Dù trời mưa, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, nhưng Công an huyện Mường Lát đã huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các lực lượng chức năng và cấp ủy chính quyền xã Mường Lý tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao đến nơi tái định cư.

Hàng trăm cán bộ công an, biên phòng, đoàn thanh niên và người dân địa phương suốt nhiều ngày đã phối hợp di chuyển đồ đạc, xây dựng lán, trại, trên 50 căn nhà tạm đã được xây dựng, có nơi tắm giặt, vệ sinh chung đảm bảo cho bà con sinh hoạt tạm thời trong thời gian chờ đợi di chuyển nhà cửa, công trình lên khu vực tái định cư.

baut7.jpg
Chị Thào Thị Pà trong căn lều tạm

Những căn lều tạm được dựng lên bằng tre, bạt để cho người dân có cái trú mưa, tránh nắng. Tại nơi ở tạm, mặc dù đã được địa phương quan tâm, nhưng các hộ dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Để chung tay hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, các đơn vị đã chủ động kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân bản Ún các vật dụng thiết yếu, như: Dây điện, téc trữ nước, máy lọc nước, ổ cắm, bóng đèn, thuốc chữa bệnh và lương thực, thực phẩm, đồ dùng học tập... để các hộ dân có thêm điều kiện sinh hoạt khi sinh sống tại nơi ở tạm.

hotro.jpg
PV Báo Công lý tặng quà hỗ trợ người dân Bản Ún

Gia đình chị Tráng Thị Sơ (25 tuổi) cùng chồng là Hàm A Sà (31 tuổi) phải bồng bế con gái 1 tuổi ở tạm trong chiếc lều chừng vài m2. Chị Sơ hiện đang mang bầu tháng thứ 8. Nhiều khả năng con khi chào đời phải sống trong cảnh tạm bợ, chờ mặt bằng để làm nhà ổn định đời sống.

Ngồi sâu trong căn lều ngổn ngang các vật dụng, chị Thào Thị Pà (24 tuổi) đăm đăm nhìn ra bên ngoài. Chị đang mang thai tháng thứ 7. Chồng chị là Mò A Sự (sinh năm 1996) đang lên đồi chăm sóc sắn. Gia đình chị mong ngóng sớm được bố trí đất để có thể di chuyển nhà từ nơi ở cũ tới đây dựng lại. Dù chỉ là nhà gỗ đơn sơ nhưng cũng tránh được mưa, nắng.

sinhke.jpg
Thiếu sinh kế khiến cuộc sống người dân còn khó khăn

Trưởng bản Ún Mai Văn Thề nói: “Người dân rất mong các cấp, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bàn giao đất tái định cư để xây dựng, làm lại nhà để an cư. Chứ cứ sống tạm trong các lều như thế này rất bất tiện. Điện phập phù, nước ở xa, nấu nướng thì phải dùng củi. Mà có khi trời mưa nên không nấu được. Lại còn thêm chỗ để gạo, nồi niêu, mắm, muối, gia vị các kiểu nữa rất bất tiện. Chưa kể là tiếng ồn do máy móc thi công. Người lớn thì không sao, còn người già, trẻ em và cả phụ nữ mang thai sắp sinh nữa"...

Trao đổi với PV, ông Quách Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết: Địa phương được phân bổ trên địa bàn rất rộng, chủ yếu là núi cao và bên kia là vực, sông Mã. Những năm qua, tình hình sạt, lở đất diễn ra ngày một phức tạp ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Trong đó có Bản Ún với 100% là người Mông sinh sống.

Sống tạm chờ tái định cư

Trước nguy cơ mất an toàn, chúng tôi đã đề xuất để huyện báo cáo cấp trên bố trí nguồn kinh phí xây dựng khu tái định cư cho người dân. Sau khi khảo sát, tham vấn ý kiến người dân, 2 khu đồi rộng hợn 2 ha được lựa chọn triển khai làm tái định cư cho 126 hộ (khu 1 là 40 hộ, khu 2 có 86 hộ). Mỗi hộ sẽ nhận 150m2 đất, được hỗ trợ 40 triệu đồng với hộ nghèo, cận nghèo; 20 triệu đồng hộ bình thường.

Toàn xã Mường Lý có 1.017 hộ hơn 5.000 khẩu bao gồm dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh. Hộ nghèo, cận nghèo còn 64,4%. Do đồi đá là chính nên sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, năng suất thấp. Trình độ của người dân còn có hạn nên chưa có các ngành, nghề vào địa bàn để góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Trong thời gian này, cơ quan lực lượng chức năng và cấp ủy chính quyền xã Mường Lý tiếp tục theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để có hướng xử lý phù hợp. Đồng thời, phối hợp bảo đảm tốt an ninh, trật tự; bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân tại nơi ở tạm thời; tiếp tục phân công lực lượng để giúp nhân dân di chuyển nhà cửa, tài sản từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư khi mặt bằng tái định cư hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Khát vọng an cư của người Mông ở Bản Ún