Thanh Hóa: Giáo viên không đến trường nhiều năm nhưng vẫn có tên trong danh sách hưởng lương

Tùng Anh| 10/11/2021 10:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 2 năm qua, một nữ giáo viên trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên không đến trường, không tham gia giảng dạy thế nhưng vẫn có tên trong danh sách biên chế, số người làm việc và hưởng lương tại trường. Bất thường hơn, ngay cả Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cũng không biết mặt giáo viên này.

Theo tìm hiểu của PV Báo Công lý, ngày 5/10/2020, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã có Quyết định số 5390/QĐ-UBND về việc sáp nhập Trường Tiểu học Quảng Giao và Trường THCS Quảng Giao thành Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên (có địa chỉ tại thôn 8, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Kèm theo Quyết định này là danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được giao gồm 39 người, trong đó có cô giáo Trần Thị Q. (SN 1984) với chức vụ đảm nhiệm là giáo viên.

Tuy nhiên, từ khi sáp nhập trường đến nay, nhiều giáo viên trong trường không thấy cô Q. đến trường cũng như tham gia bất kỳ các hoạt động nào do nhà trường tổ chức. 

anh1-la-lung-giao-vien-nhieu-nam-khong-den-truong.jpg
Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên nơi cô Trần Thị Q. nhiều năm không đến trường nhưng vẫn có tên trong danh sách giao biên chế và hưởng lương của nhà trường

Đến ngày 6/10/2021, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương tiếp tục có Quyết định số 5921/QĐ-UBND về việc giao biên chế, số người làm việc tại Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên năm học 2021- 2022. Quyết định nêu rõ, số người hưởng lương tại đơn vị là 40 người và giao số người làm việc cũng là 40 người, trong đó bao gồm cả cô Q. nhiều năm không đến trường và 1 nhân viên hành chính vừa mới tử vong.

Một giáo viên đang công tác tại trường cho biết: “Cô Q. là giáo viên có tên trong danh sách tại trường nhưng nhiều năm nay chúng tôi không thấy cô đến trường, đến lớp. Mang tiếng là đồng nghiệp nhưng chúng tôi chưa gặp cô Q., cũng chưa biết mặt mũi cô ấy như thế nào. Việc cô Q. không đến lớp nhưng lương, bảo hiểm và các chi phí thù lao khác tại trường không biết cô có được nhận hay ai nhận thay”.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Báo Công lý đã gọi điện liên hệ làm việc với ông Chu Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, tuy nhiên ông Hùng từ chối với lý do đang bị ốm, ủy quyền cho Phó Hiệu trưởng làm việc với PV. 

Trao đổi với PV, ông Nghiêm Xuân Lâm - Phó Hiệu trưởng, kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường thừa nhận, việc cô Trần Thị Q. có danh sách tên tại trường nhưng nhiều năm qua không đến trường là đúng sự thật. 

“Tôi chuyển về ngôi trường này đến nay đã được gần 2 năm học, nhưng cũng chưa từng gặp hay biết cô Q. là ai. Với cương vị là Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, đã nhiều lần tôi báo cáo miệng tại các cuộc họp cũng như hỏi Hiệu trưởng, kể cả Hiệu trưởng mới về trường hợp cô Q. không đến trường, thì Hiệu trưởng cho biết do huyện gửi, còn gửi như thế nào thì tôi không biết”, ông Lâm cho hay.

Khi PV đề nghị được tiếp cận bảng lương năm 2021 và danh sách giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, giáo viên vào đầu năm học, ông Lâm cho biết: “Hiện tại Hiệu trưởng đang ốm và kế toán nhà trường không có mặt nên sẽ cung cấp sau”.

Một vị Phó Hiệu trưởng khác của trường cho biết, từ tháng 5/2020 khi nhận nhiệm vụ về công tác tại trường Tiểu học Quảng Giao (trước khi sáp nhập trường) cũng không thấy cô Q. đến trường bao giờ.

anh2-la-lung-giao-vien-nhieu-nam-khong-den-truong.jpg
Ông Nghiêm Xuân Lâm – Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường trao đổi với PV Báo Công lý

Liên quan đến việc cô giáo Trần Thị Q. không đến trường suốt gần 2 năm nhưng vẫn có tên trong danh sách giao biên chế, số người làm việc tại Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, ông Mã Văn Thanh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Xương nhận một phần trách nhiệm do chưa sâu sát, nắm bắt thông tin tại cơ sở và cho rằng: “Trường hợp cô Trần Thị Q. là do UBND huyện Quảng Xương ký hợp đồng lao động và cô Q. chỉ là nhân viên hành chính. Ngày 1/11/2021 vừa qua nhà trường có báo cáo lên, cô Q. mang thai, nghỉ sinh từ tháng 5/2020 cho đến nay. Cô Q. không đi làm, không đến trường nên không nhận lương. Hiện huyện đang kiểm tra, giải quyết dứt điểm vụ việc này”.  

Như vậy, chỉ khi báo chí phản ánh thì Ban Giám hiệu nhà trường mới báo cáo vụ việc lên UBND huyện Quảng Xương. Liệu rằng có sự khuất tật, vụ lợi ở đây hay không? Trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường ở đâu khi một giáo viên không đến trường nhiều năm nhưng không báo cáo lên cấp trên?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Giáo viên không đến trường nhiều năm nhưng vẫn có tên trong danh sách hưởng lương