Vừa qua, tôi có dịp sang Tokyo theo lời mời của Hội chăm sóc con người (Human Care) Nhật Bản. Lần đầu có dịp đến thủ đô của xứ sở Phù Tang, bên cạnh công việc, tôi tranh thủ sắp xếp thời gian để có thể đi tham quan tìm hiểu mảnh đất đã làm nên "sự thần kỳ về kinh tế” này.
Một trong những cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến với thủ đô Nhật Bản là, mặc dù có cuộc sống công nghiệp hiện đại, nhưng người Nhật rất có ý thức và coi trọng việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Tuy thời gian ở Tokyo chỉ có nửa tháng, nhưng tôi đã được thấy khá nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian được tổ chức với sự tham dự của rất nhiều người dân. Tham dự một trong những lễ hội được mùa của những người dân địa phương diễn ra ngay trên đường phố Tokyo trong khu vực tôi ở, tôi mới biết đó là lễ hội của những người nông dân xưa sau mỗi vụ thu hoạch. Lễ hội này vẫn được duy trì đến ngày nay, dù bây giờ đường phố và đô thị đã thay thế cho những làng mạc từ rất lâu. Trong những ngày ở Tokyo, tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh những chiếc áo kimono truyền thống trên đường phố, trong các lễ hội, điểm sinh hoạt văn hóa. Trẻ em trong các gia đình Nhật Bản cũng hay được cha mẹ mặc cho những bộ kimono trong ngày nghỉ và dẫn đi chơi.
Sang thủ đô Nhật Bản vào thời điểm cuối mùa thu, thời tiết tuy đã khá lạnh giá, nhưng tôi vẫn thấy ấm áp trong lòng bởi sự cởi mở, chu đáo và nhiệt tình đã trở thành nếp sống của những người dân nơi đây. Ở Nhật, khi đi mua hàng người bán hàng hết sức lịch sự và chiều khách. Khi vào các cửa hiệu, tôi được người bán hàng chỉ dẫn và giới thiệu những đồ đang được bày bán một cách kỹ lưỡng. Vì thế, khi chỉ xem đồ, mà không mua gì, phản ứng theo thói quen ở Việt Nam, tôi cảm thấy hơi “ngại” khi nghĩ cô bán hàng sẽ khó chịu về điều đó. Nhưng sự e ngại của mình đã lập tức được xua tan sau khi nhận được lời cảm ơn cùng nụ cười của cô gái bán hàng, dù mình chưa mua gì ở cửa hàng đó cả. Còn mỗi khi tôi mua hàng, trả tiền xong, người bán hàng đều gói đồ cẩn thận trước khi trao hàng cho khách, sau đó còn chắp hai tay cúi chào.
Mùa thu ở đây còn được người Nhật Bản gọi là mùa lá đỏ (momiji). Mùa lá đỏ ở Nhật Bản rất đẹp với những chiếc lá phong (còn gọi lá cây gỗ thích) ở khắp nơi. Nếu có dịp đến Tokyo vào mùa lá đỏ, chúng ta sẽ được bắt gặp sự pha trộn giữa các gam màu vàng và màu đỏ của lá phong trên những vòm cây, và lá đỏ trút khắp đường phố, trong khuôn viên và trên mái vòm của những ngôi chùa ở thủ đô Nhật Bản.
Vườn chùa
Ở Tokyo có rất nhiều ngôi chùa. Chùa không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo, đây còn là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống khác. Vì vậy, những ngôi chùa Nhật Bản thu hút rất đông người đến thăm. Ngoài đến để hành lễ, nhiều người dân Tokyo và du khách nước ngoài còn đến chùa để tham quan, vãn cảnh, dự những sinh hoạt văn hóa, và thậm chí để… mua sắm! Tôi đã có dịp “đi chợ” và mua được mấy món đồ lưu niệm của những người dân địa phương tại một phiên chợ trong khuôn viên một ngôi chùa Tokyo. Một lần khác, tôi đã được tham dự Lễ hội Hoa Cúc tổ chức trong khuôn viên một ngôi chùa. Người Nhật rất quý trọng hoa cúc, vì loài hoa này có 16 cánh, như mặt trời đang tỏa chiếu ánh sáng, biểu tượng của hoàng gia và được chọn làm quốc huy của Nhật Bản.
Trong tiếng Nhật, Tokyo có nghĩa là "Thủ đô ở phía đông". Trước đây, Tokyo có tên là Edo, có nghĩa là cửa sông. Thành phố được đổi tên như ngày nay từ khi trở thành thủ đô của Nhật Bản năm 1868. Từ đó, Tokyo phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới với dân số trên 1 triệu người vào thế kỷ 18. Tính đến tháng 10 năm 2007, thủ đô Nhật có khoảng 12,79 triệu người.
Nhắc tới Nhật Bản, nhiều người hình dung đến một đất nước phát triển kinh tế hùng mạnh từ đống tro tàn chiến tranh, nói đến tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người nằm trong số những nước đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, đến nước này mới thấy, đằng sau những thành công ấy, không thể thiếu vai trò ảnh hưởng của văn hóa. Điều này có thể được thấy rõ trong phong cách sống và làm việc của những người dân nơi đây. Trong phương pháp làm việc, người Nhật Bản rất nghiêm túc, quan tâm chu đáo đến từng chi tiết và tính chính xác về mặt thời gian. Khi hết giờ làm mà còn việc gì dở dang, người Nhật thường ở lại làm tiếp đến khi hoàn thành công việc mới thôi. Trong những ngày ở Tokyo, ngoài công việc, tham dự các buổi gặp gỡ và thuyết trình, tôi đã tranh thủ đi tham quan được khá nhiều nơi. Ở đâu cũng thấy người Nhật Bản có nếp sống rất kỷ luật. Ý thức kỷ luật của người Nhật được thấy rõ ngay ở những nơi công cộng. Khi đi xe điện, mọi hành khách đều tắt máy điện thoại di động, và không bao giờ nói chuyện ồn ào. Đi ngoài phố, người tham gia giao thông rất tôn trọng luật đi đường. Tuy xe cộ rất nhiều, nhưng hiếm khi tôi nghe thấy tiếng còi xe hơi… Để có được điều đó, những người làm luật Nhật Bản đã phải suy tính, ghi ra rất chi tiết các quy định và sự phổ biến, giám sát rộng rãi để mọi người phải tuân theo.
Một lần, tôi được mời đến dự buổi gặp gỡ và thuyết trình tại World Bank Tokyo. Khi ô tô đến đón chúng tôi, người trợ giúp cá nhân đưa tôi lên xe, như vẫn thường làm ở Việt Nam. Tuy nhiên, Furihata, một trong những nhân viên của Hội Chăm sóc Con người Nhật Bản, vỗ vai tôi và nhắc nhẹ nhàng nhưng rõ ràng: “lady first” (phụ nữ trước). Hiểu ra, tôi vội yêu cầu người trợ giúp cá nhân cho mình xuống xe, nhường chỗ cho những bạn nữ đi trước. Tóm lại, nếp sống tự giác có kỷ luật ở Nhật Bản luôn có sự hướng dẫn, giáo dục và giám sát cụ thể để trở thành thói quen.
Có thể thấy, nếp sống của người Nhật Bản mang cả dấu ấn của phong cách châu Âu và Bắc Mỹ. Nếp sống kỷ luật Nhật Bản bắt nguồn từ điều kiện lịch sử như khó khăn về tài nguyên, cũng như yêu cầu của sự phát triển công nghiệp, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ảnh hưởng từ nền văn hóa truyền thống. Văn hóa Nhật Bản được coi là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới, đã phát triển mạnh mẽ từ thời kỳ tiền sử Jomon (khoảng từ năm 10.000 trước CN đến năm 300 sau CN) cho đến ngày nay.Đặc biệt, văn hóa Nhật Bản ngày nay có ảnh hưởng quan trọng của những chính sách chấn hưng đất nước do Minh Trị Thiên hoàng (Meiji 1852-1912) đưa ra. Năm 1868, sau khi lên ngôi, Vua Minh Trị đã đề xướng cuộc Minh Trị duy tân để mở cửa nước Nhật với phương Tây và học hỏi từ Phương Tây những công nghệ, khoa học, kỹ thuật, y khoa…, tiên tiến nhằm đưa Nhật Bản từ quốc gia phong kiến, lạc hậu thành một nước hùng mạnh Châu Á.
Tạm biệt Tokyo khi chỉ còn một tháng là bước sang năm mới, tôi mang theo mình những cảm nhận đẹp đẽ về một thành phố hiện đại hàng đầu Châu Á nhưng vẫn lưu giữ đậm nét bản sắc riêng. Bỗng chợt nhớ đến nhận xét của một người bạn tôi đã nhiều năm nghiên cứu về nước Nhật: “Cái hay của người Nhật là sự tiếp thu văn hóa phương Tây cùng với duy trì văn hóa phương Đông, chính xác là văn hóa nước Nhật, và sự kết hợp này rất thành công trong đời sống, nhất là trong kinh tế. Nghiên cứu văn hóa của Nhật mới hiểu tại sao họ thành công nhất trong các nước Châu Á”.
Vũ Anh Tuấn