Tăng cường quản lý nhà nước về ngoại thương

Quỳnh Hoa| 07/11/2016 17:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, nhiều ĐBQH đề cần nghị tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.

Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước

Tờ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.

Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật hiện hành năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát công nghệ nhập khẩu, bảo đảm hài hòa giữa đầu tư, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tăng cường quản lý nhà nước về ngoại thương

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự thảo Luật có những điểm mới quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường khoa học - công nghệ; quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh. Dự thảo Luật quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các cơ quan liên quan về chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ; quy định về kiểm toán giá công nghệ trong chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ - công ty con hoặc giữa các bên có quan hệ liên kết; tổ chức điều tra, thu thập thông tin về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ. Dự thảo luật quy định việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp...

Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều, tập trung vào một số vấn đề: Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thấy rằng cần thiết sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, sửa đổi một số quy định còn chung chung, để đảm bảo hơn nữa tính khả thi của dự án Luật; tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với các Ban soạn thảo của các dự án Luật đang trong quá trình sửa đổi hoặc ban hành mới như dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Luật về thuế, đầu tư, kinh doanh... để bảo đảm dự thảo Luật phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật; rà soát lại Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 để tiếp tục đưa ra khỏi dự thảo luật các điều khoản không còn phù hợp, hoặc bổ sung những điều khoản mới phù hợp với thời kỳ mới.

Tăng cường quản lý nhà nước về ngoại thương

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác; luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn; giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết...

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm tính tương thích hơn nữa giữa nội dung một số chế định trong dự thảo Luật với một số cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cụ thể, quy định về hạn ngạch trong dự thảo Luật còn rất chung chung, chưa đưa ra được các nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và phù hợp với các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 20 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT. Đại biểu nêu, về nguyên tắc các biện pháp hạn chế số lượng xuất nhập khẩu bị cấm hoàn toàn trong WTO, trừ một số trường hợp vì mục đích công cộng quan trọng như bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật, bảo vệ tác phẩm nghệ thuật... Các trường hợp ngoại lệ này là những nội dung cam kết cần được nội luật hóa trong các điều khoản cụ thể quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch, có như vậy mới đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi cho việc áp dụng, thể hiện rõ hơn quan điểm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhìn nhận, dự thảo Luật đã "ôm đồm" quá nhiều nội dung không cần thiết, vô hình chung làm phát sinh nhiều vấn đề quản lý mới với các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngoại thương, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Đại biểu nêu, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan đến hoạt động ngoại thương nhưng mang tính đặc thù, đã được qui định ổn định trong luật khác nhưng lại thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh, vừa giao thêm trách nhiệm quản lý. Cụ thể như "qui định về hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, lâu nay thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hải quan và cơ quan Hải quan vẫn kiểm soát hiệu quả. Giờ qui định vào luật này vừa cồng kềnh, vừa phát sinh giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh - đại biểu dẫn chứng.

Thảo luận về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của địa phương, cá nhân người đứng đầu, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, phối hợp chưa tốt, trách nhiệm không rõ ràng. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), quy định như dự thảo sẽ bỏ sót trách nhiệm, quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ. Cụ thể, theo đại biểu, hành vi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các Chính phủ phải có sự tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao chứ không phải chỉ 4 bộ được liệt kê như trong dự thảo. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo có sự chỉnh sửa khoản 4 Điều 7 để quy định chung trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan này trong hoạt động quản lý ngoại thương.

Giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương, dự thảo không điều chỉnh và mở rộng sang các lĩnh vực khác đã được điều chỉnh hoặc nêu cụ thể trong Luật Thương mại 2005. Bộ trưởng nêu, trên thực tế, phạm vi điều chỉnh này rất rộng, đồng thời đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng luật mới thay thế Luật Thương mại 2005 để bảo đảm độ phủ, điều chỉnh các hoạt động khác liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường hướng tới doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp không mâu thuẫn với tên gọi của dự thảo là Luật Quản lý ngoại thương. Dự thảo Luật chỉ xác định những hiệu quả chung của quản lý nhà nước, phù hợp với thương mại quốc tế, phù hợp với quy định WTO mà Việt Nam có cam kết và là thành viên, theo tinh thần xây dựng môi trường công khai, minh bạch, một Chính phủ liêm chính và kiến tạo. Bộ trưởng cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật tiếp tục trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý nhà nước về ngoại thương