Đời sống

Giám sát hoạt động quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đấu giá

N.T.D 21/12/2023 - 15:12

Trong ngày 21/12, Ban Pháp chế của HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát tại Sở Tư pháp về hoạt động quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đấu giá.

Báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, khi Luật Luật sư có hiệu lực thi hành (thời điểm đến ngày 31/5/2023), thành phố Hà Nội có 1.713 tổ chức hành nghề luật sư với 5.299 luật sư.

Số lượng luật sư tăng trung bình 25-30% hằng năm, chất lượng đội ngũ luật sư ngày càng được nâng cao, nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, được khách hàng trong cả nước và xã hội tin tưởng. Hầu hết các vụ án hình sự nổi tiếng trong cả nước đều có sự tham gia của luật sư Thủ đô.

pho-giam-doc-so-tu-phap-ha-noi-pham-thi-thanh-huong-bao-cao-tai-buoi-lam-viec.png
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương báo cáo tại buổi làm việc

Hoạt động hành nghề của luật sư Thủ đô đã có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính… trên địa bàn thành phố thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ; góp phần tạo lập thêm việc làm và có đóng góp đáng kể vào ngân sách. Mỗi năm, Đoàn Luật sư thành phố đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Về tổ chức đấu giá tài sản, trên địa bàn thành phố hiện có 125 tổ chức đấu giá tài sản và chi nhánh với 299 đấu giá viên. Trong đó, 103 công ty đấu giá hợp danh và trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; 20 chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; 1 doanh nghiệp đấu giá tư nhân.

Để hạn chế các tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản như thông đồng, dìm giá, từ khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp phê duyệt 10 công ty đấu giá hợp danh đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Hình thức đấu giá này bảo đảm tính bảo mật, công khai, minh bạch cao, giảm thiểu tình trạng thông đồng, dìm giá và có thể cho phép nhiều người ở tất cả các địa phương, địa điểm tham gia đấu giá cùng một thời điểm.

Từ năm 2021 đến hết năm 2022, có nhiều tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện được nhiều cuộc đấu giá thành công. Cụ thể, có 166/197 tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện được 8.855 cuộc đấu giá thành; tổng số tiền thù lao dịch vụ đấu giá thu được hơn 147,9 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cũng nêu ra một số khó khăn đối trong lĩnh vực quản lý luật sư, như:

Quy định của pháp luật về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư hiện chưa chặt chẽ so với các loại hình doanh nghiệp khác cùng hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (như công chứng, đấu giá, thừa phát lại), nên số lượng các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập, cấp giấy đăng ký hoạt động rất lớn nhưng với quy mô khá nhỏ. Do mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật liên quan hoặc quy định của pháp luật liên quan chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn hoặc làm giảm hiệu quả thi hành Luật Luật sư.

Số lượng tổ chức hành nghề luật sư và luật sư trên địa bàn rất lớn, nhưng nhân sự tham mưu việc quản lý nhà nước rất thiếu (từ 1 đến 2 người), nghiệp vụ chưa cao. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký và thay đổi đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư chưa tốt, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố. Một bộ phận công chức, viên chức trong hệ thống chính trị chưa nắm vững các quy định của pháp luật về luật sư nên công tác chuyên môn cũng còn gây khó khăn cho hoạt động hành nghề luật sư.

Trong lĩnh vực đấu giá tài sản, các phương pháp xác định giá khởi điểm, đặc biệt là giá khởi điểm quyền sử dụng đất hiện chưa thực sự phù hợp, chưa tiệm cận sát với giá thị trường. Trong quá trình xác định giá còn có tình trạng các ý kiến của cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa thống nhất về phương pháp tính, các khái niệm, định mức, thông số tính toán dẫn tới phải tạm dừng để xin ý kiến cơ quan chuyên môn trung ương.

Việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn (đặc biệt tài sản thi hành án hoặc tài sản đảm bảo được xử lý bán đấu giá để thu hồi nợ…), do không nhận được tài sản trúng đấu giá dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia đấu giá, tài sản đấu giá được bán nhiều lần không thành, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức...

Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương chia sẻ với những khó khăn, đặc thù lĩnh vực quản lý của ngành, đồng thời đề nghị Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề Luật sư; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, hoạt động luật sư. Đặc biệt, kịp thời kiểm tra, theo dõi đối với các cơ sở hoạt động hành nghề luật sư không còn hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả để đưa ra khỏi danh sách nhằm đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý trên địa bàn.

Sở cũng cần có giải pháp cụ thể để tiếp tục phát triển số lượng, chất lượng luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư quy mô lớn, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt lĩnh vực thương mại quốc tế; củng cố, nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng ổn định về tổ chức, hiện đại và chuyên môn hóa trong hoạt động quản lý, điều hành để nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề của luật sư.

Đối với lĩnh vực đấu giá tài sản, Đoàn giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội hàng năm chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng chương trình công tác kế hoạch cụ thể để đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động hành nghề đấu giá tài sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản để chấn chỉnh, xử lý các vi phạm. Kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn đối với các tổ chức đấu giá tài sản để kịp thời tháo gỡ, vướng mắc khi giải quyết đối với những vụ việc khó, phức tạp để đảm bảo cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình thực hiện đấu giá tài sản. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi đối với các cơ sở tổ chức hoạt động đấu giá đang chuẩn bị giải thể, không còn hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả để đưa ra khỏi danh sách nhằm đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát hoạt động quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đấu giá