Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc quy định chiến lược, định hướng phát triển và ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng
Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Hoạt động công chứng phải hỗ trợ hoạt động xét xử
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; công chứng viên là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm để cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.
Hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng quốc tế.
Thẩm tra dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014. Việc xây dựng luật cũng hướng đến bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Xem xét kỹ quy định về nguyên tắc hành nghề công chứng
Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, bám sát các nhóm chính sách đã nêu khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng là loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu, cơ bản. Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước. Các địa phương cũng thực hiện trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chung, cần quy định rõ vai trò của Chính phủ trong quy định chiến lược, định hướng phát triển ngành nghề này trong từng giai đoạn.
Về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong dự thảo Luật có đề cập nhưng chưa nêu rõ cơ quan nào ban hành. “Cần nghiên cứu làm rõ nội dung này, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần xem xét kỹ quy định về nguyên tắc hành nghề công chứng ở Điều 4, và khoản 5, Điều 2 phần giải thích từ ngữ.
Cụ thể, khoản 5 Điều 2 của dự thảo Luật quy định, hành nghề công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan. Tuy nhiên, trong nguyên tắc ở khoản 4 Điều 4 của dự thảo luật lại quy định, một trong những nguyên tắc hành nghề công chứng là chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng. “Trong quy định này còn thiếu chủ thể chính là tổ chức hành nghề công chứng. Vì vậy, cần bổ sung, chỉnh lý khoản 4 Điều 4 để đảm bảo tính bao quát của văn bản pháp luật”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe… Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên. Bà Thanh cho rằng “nếu quy định cứng không quá 70 tuổi có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nên cần có quy định khả thi hơn”.