“Lương bên đây rất cao, làm 1 tháng là đủ tiền mua Iphone 15, điện thoại bên đây rẻ lắm...”, tin lời đường mật trên của cô bạn học cũ, chị Hồ Thị Linh Ngọc đồng ý sang Campuchia làm việc. Chị đâu ngờ đó là cạm bẫy do người bạn bị tội phạm khống chế giăng sẵn khiến chị phải sống trong cảnh địa ngục trần gian suốt thời gian dài...
Tai họa từ giao dịch bán thận
Xâu chuỗi lời khai của bị cáo Vũ Thị Thúy Nga (SN2005, quê Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) và bị hại Hồ Thị Linh Nga (SN 2003), những người dự khán phiên tòa xét xử vụ án “Mua bán người” rút ra nhiều bài học cảnh giác hữu ích. Theo đó, Nga là lao động tự do nhưng mất cân đối thu chi nên từ cuối tháng 11/2023, bị cáo rơi cảnh nợ chồng chất.
Bí tiền trả nợ, Nga cùng một người bạn là chị Trần Thị Kim Hằng lên mạng xã hội, đăng thông tin cần bán thận. Chị Hằng được các đối tượng không rõ lai lịch thỏa thuận mua thận với giá từ 700 đến 780 triệu đồng và hẹn gặp tại Bến xe Miền Đông, TP. Hồ Chí Minh để giao dịch.
Vậy là chị Hằng rủ Nga cùng đi vì trong quá trình bán thận cũng phải có người chăm sóc. Khi hai người đến điểm hẹn và được một số đối tượng không rõ lai lịch đưa lên xe ô tô chở đi. Sau nhiều lần trung chuyển khác nhau, hai người được đưa đến một tòa nhà thuộc một Khu tự trị trên lãnh thổ Campuchia. Họ bị giao bán cho một đối tượng người Trung Quốc và Tuấn Anh (người Việt Nam).
Tại tòa nhà này, hai người bị cưỡng bức lao động, các đối tượng chỉ dẫn Nga phải gọi điện thoại cho Việt kiều ở các nước Mỹ, Canada... để lừa đảo. Do lo sợ, Nga cắn răng làm theo chỉ dẫn nhưng không lừa được ai. Các đối tượng tiếp tục cưỡng bức, chỉ dẫn Nga dùng công cụ Messenger của mạng xã hội Facebook và các mạng xã hội khác gọi điện, nhắn tin dụ dỗ bạn bè trong các trang mạng xã hội.
Với chiêu trò “cây gậy và củ cà rốt”, các đối tượng hứa hẹn sẽ trả tiền công cho Nga nếu tuyển mộ được người sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”. Nếu không nghe lời, không làm được việc, các đối tượng đe dọa sẽ đánh và bán lại cho người khác. Còn nếu muốn được thả về nước, chúng yêu cầu gia đình Nga phải trả tiền chuộc cao ngất ngưởng. Từ đó, ý chí của Nga bị tê cóng, phải nghe lời các đối tượng tội phạm với hy vọng sẽ được trở về Việt Nam.
“Làm một tháng mua được Iphone 15”
Chị Hồ Lê Linh Ngọc nhớ lại: Chị và Nga vốn là bạn học cùng tại Trường Lê Hồng Phong (thành phố Vũng Tàu cũ). Khi đang cần việc làm, chị bất ngờ được Nga kết nối và rủ sang Campuchia làm việc. Nga tâm sự: “Cậu đi Tây Ninh rồi qua cửa khẩu là tới nơi làm việc rồi. Công việc nhẹ lắm, chỉ cần đánh máy tính, còn việc khác đều có người chỉ hết. Lương bên đây rất cao, làm 1 tháng là đủ tiền mua Iphone 15 rồi, điện thoại bên đây rẻ lắm”.
Chị Ngọc tin tưởng bạn học và nghĩ “người thật, việc thật” nên đồng ý. Sau cuộc chuyện trò đó khoảng 2 ngày, Nga đã tuyển mộ được chị Ngọc cho các đối tượng vận chuyển từ Việt Nam sang Campuchia giao bán cho hai “ông chủ”. Với phi vụ lừa bạn trót lọt, Nga được trả tiền công 1.500 USD nhưng Nga dùng số tiền này để gán trừ vào tiền chuộc.
Về phía chị Ngọc, khi đến Campuchia mới phát hiện sập bẫy nên rất hoảng sợ. Các đối tượng giao nhiệm vụ cho Nga: “Con bạn mày đang sợ, mày an ủi nó đi. Nếu nó không làm việc, mày sẽ bị đánh và bán đi nơi khác”. Nga sợ hãi nên trấn an bạn học.
Chị Ngọc nhớ lại: Tôi bị các đối tượng cưỡng bức lao động, chỉ dẫn gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác với phương thức như chúng đã áp dụng với Nga trước đây. Các đối tượng đe dọa nếu không làm việc sẽ bị đánh, chích điện, chạy 60 vòng sân, bị bán cho chỗ khác... Còn nếu muốn về Việt Nam thì gia đình phải trả 150 triệu đồng tiền chuộc.
Về phía gia đình Nga, Hằng, khi phát hiện con em mình bị tội phạm Campuchia cưỡng bức đã tìm mọi cách liên hệ chuộc hai người về Việt Nam. Đối tượng Tuấn Anh báo giá tiền chuộc là 150 triệu đồng/người. Sau khi khấu trừ số tiền công của Nga là 1.500USD, người nhà hai chị phải chuyển thêm 130 triệu đồng/người. Đến cuối năm 2023, các đối tượng thả hai người về Việt Nam.
Riêng chị Ngọc vẫn bị canh giữ, cưỡng bức lao động tại Campuchia. Quá hoảng sợ, chị Ngọc nhờ người liên hệ với gia đình để chuộc chị về Việt Nam. Đầu năm 2024, gia đình chị Ngọc chuyển khoản 150 triệu đồng “giải cứu” con gái và thuê xe chở chị từ Campuchia về nhà. Ngay sau khi về nước, chị Ngọc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tố giác Nga về hành vi “Mua bán người”.
Trước bục khai báo, Vũ Thị Thúy Nga khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai bị cáo phù hợp với lời khai bị hại về bối cảnh, diễn biến sự việc và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.
Vị Thẩm phán phân tích: Qua đánh giá kết quả điều tra nhận thấy ban đầu, Nga cũng là nạn nhân bị các đối tượng mua bán người lừa gạt, vận chuyển từ Việt Nam sang Campuchia giao bán cho các tổ chức tội phạm quốc tế chuyên thực hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thiết bị sử dụng công nghệ cao. Sau đó, do không làm được việc, lo sợ bị đánh, bị bán đi nơi khác và muốn trở về Việt Nam, nên Nga đã tiếp nhận ý chí của các đối tượng tội phạm, gọi điện, nhắn tin dụ dỗ chị Ngọc từ Việt Nam sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao.
Thực chất là Nga lừa gạt, tuyển mộ chị Ngọc cho các đối tượng tiếp nhận, vận chuyển bị hại từ Việt Nam sang Campuchia giao bán cho các đối tượng tội phạm, được trả công số tiền 1.500 USD. Do đó, căn cứ Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hành vi của Nga đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Mua bán người” theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 150 Bộ luật Hình sự.
Đối với các đối tượng liên quan mà Nga và bị hại Ngọc khai ra, vị Thẩm phán nhận định: Quá trình điều tra xác định hành vi của các đối tượng nêu trên có dấu hiệu của các tội “Giữ người trái pháp luật”, “Mua bán người”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”... Do đến thời điểm hiện nay chưa xác định được nhân thân, lai lịch nên chưa đủ chứng cứ khởi tố bị can các đối tượng để xử lý theo vụ án này. Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào đủ cơ sở sẽ xử lý sau.
Trong vụ án, hành vi của bị cáo Nga trực tiếp xâm phạm đến quyền cơ bản của con người là quyền tự do, quyền được người khác tôn trọng về danh dự, nhân phấm, sức khỏe. Do vậy, HĐXX nhận định phải có hình phạt tương xứng nhằm răn đe, cải tạo, giáo dục bị cáo và đấu tranh phòng ngừa chung. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Nga 8 năm tù về tội “Mua bán người”; buộc bị cáo bồi thường cho bị hại 187 triệu đồng.
Vụ án là bài học cảnh tỉnh sâu sắc trong bối cảnh hiện nay, khi các tổ chức tội phạm quốc tế mua bán người qua biên giới, cưỡng ép thực hiện việc lừa đảo đang diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang lo lắng, bất bình trong quần chúng nhân dân. Hãy tỉnh táo trước cạm bẫy “việc nhẹ lương cao”, cùng chung tay phòng chống, đẩy lùi tội phạm lừa đảo, mua bán người vì bình yên cuộc sống.