Ngày 24/10, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội thảo về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa TANDTC Việt Nam và KOICA với sự tham gia của các chuyên gia tới từ Tòa án tối cao (TATC) Hàn Quốc.
Đến dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC; TS. Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC; ông Park Young Ho, Thẩm phán chủ tọa, Tòa án địa phương Trung tâm Seoul, Trưởng đoàn Đoàn chuyên gia TATC Hàn Quốc; Thẩm phán Park Hyung Soo, Giám đốc Chương trình quản lý sau dự án, Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC Việt Nam; các chuyên gia tới từ TATC Hàn Quốc...
Hội thảo với chủ đề “Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân”
Theo kế hoạch, Hội thảo sẽ diễn ra trong thời gian 2 ngày, từ 24/10/2018 đến 25/10/2018 với 3 phiên làm việc gồm: Tổng quan quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại Hàn Quốc và Việt Nam; Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và giải pháp; Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và giải pháp. Trong khoảng thời gian này các đại biểu sẽ trình bày tham luận và đóng góp trao đổi ý kiến.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu khai mạc Hội Thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một vấn đề mới trong pháp luật hình sự Việt Nam. Năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật hình sự mới trong đó lần đầu tiên quy định về trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân thương mại. Ngày 01/01/2018, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã chính thức có hiệu lực thi hành, mở ra khả năng truy tố, xét xử và trừng phạt các pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.
Ông Park Young Ho, Thẩm phán chủ tọa, Tòa án địa phương Trung tâm Seoul, Trưởng đoàn Đoàn chuyên gia TATC Hàn Quốc phát biểu tham luận
Việc Bộ luật hình sự đặt ra trách nhiệm hình sự đối với chủ thể là pháp nhân là một đổi mới mang tính tích cực của pháp luật hình sự Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới và được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để răn đe, trừng phạt thích đáng các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà các chế tài hành chính được áp dụng từ trước đến nay chưa đủ tính nghiêm khắc để đấu tranh hiệu quả với dạng tội phạm này.
Các đại biểu tham gia Hội thảo
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong khuôn khổ hợp tác với KOICA, TANDTC đã lựa chọn chủ đề “trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân” làm nội dung chính cho hoạt động hội thảo song song giữa TANDTC Việt Nam và TATC Hàn Quốc. Cũng trong phạm vi hoạt động này, vào tháng 05/2018 vừa qua, TANDTC đã cử Đoàn công tác sang tìm hiểu về thực tiễn và kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự do pháp nhân là chủ thể phạm tội tại Hàn Quốc. Báo cáo của Đoàn đã ghi nhận nhiều kinh nghiệm bổ ích mà TANDTC cần lưu ý trong quá trình hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định pháp luật liên quan đến việc xét xử tội phạm là pháp nhân.
TS. Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Học viện Tòa án trình bày tham luận
Nói về trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực pháp luật 01/01/2018),TS. Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Học viện Tòa án cho biết, nền kinh tế thị trường được thực hiện ở Việt Nam trong những năm qua đã mang lại những lợi ích, hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước chúng ta. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng nảy sinh không ít những yếu tố tiêu cực như các hành vi vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về môi trường, về độc quyền, phát sinh những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh...Các vụ việc xảy ra trong những năm vừa qua gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân như các vụ xả thải làm ô nhiễm môi trường biển của Công ty Fomosa, vụ xả thải của Công ty Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, các vụ án lớn xảy ra trong một số ngân hàng hoặc ở một số doanh nghiệp lớn...
Các Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước năm 2015 đã quy định khá cụ thể, chi tiết về các chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, một trong những chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đã phát sinh và đang phát triển trong tình hình mới – đó là pháp nhân thương mại phạm tội vẫn chưa được pháp điển hóa trong Bộ luật hình sự. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự 2015 đã có sự kế thừa, sửa đổi và bổ sung khá toàn diện các quy định của pháp luật hình sự cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có các chế định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
TS. Nguyễn Khắc Hải, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp ý kiến
Có thể thấy rằng, mặc dù ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một vụ án nào xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tuy nhiên, việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào các quy định của Bộ luật hình sự mới nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần khắc phục những hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của Nhà nước và các quyền, lợi ích của các chủ thể bị thiệt hại do các hành vi phạm tội mà pháp nhân gây ra.
Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân còn thể hiện cam kết của Việt Nam về việc thực hiện các cam kết quốc tế trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hy vọng rằng, trong tiến trình đổi mới đất nước thì việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ là một trong những bước đột phá, giúp cho công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam đạt được những thành công mới.
Tại buổi Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, các bài phát biểu tham luận, ý kiến trao đổi về chủ đề của các chuyên gia từ TATC Hàn Quốc là hết sức quan trọng. Theo Phó Chánh án, việc được trực tiếp lắng nghe và trao đổi với các chuyên gia hàng đầu của Tòa án hai nước sẽ giúp các đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn về chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đồng thời, hy vọng với cách tiếp cận cũng như kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong vấn đề này có thể giúp TANDTC Việt Nam giải quyết được những vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, áp dụng các quy định liên quan tới trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong BLHS Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc
Quang cảnh Hội Thảo