Ngày 14/11/2024, TAND TP Đông Hà (Quảng Trị) phối hợp với Trường Trung học Phổ thông Đông Hà tổ chức phiên tòa xét xử lưu động với vụ án “Trộm cắp tài sản”, nhằm mục đích nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh.
Đây là một hoạt động không chỉ nhằm thực hiện nhiệm vụ xét xử, mà còn đóng vai trò là một kênh tuyên truyền pháp luật trực tiếp đến các em học sinh, giúp các em có cơ hội tiếp cận và hiểu rõ hơn về kiến thức pháp lý qua thực tiễn.
Theo cáo trạng, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trần Hải Tiến đã bị xử phạt vi phạm hành chính 2.500.000 đồng về hành vi “Trộm cắp tài sản”, chưa hết thời hạn được xem là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng ngày 14/6/2024, Trần Hải Tiến tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể: Khoảng 08 giờ 55 phút cùng ngày, Tiến điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Sirius, BKS 74C1-333.25 đến cơ sở kinh doanh trứng gia cầm ở 35 đường Lê Thánh Tông (thuộc khu phố 4, phường Đông Lễ, TP Đông Hà) để mua trứng.
Khi Tiến đi vào nhà thì thấy trên kệ gỗ có 01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO A54 của chị Võ Thị Yên (SN 1989) nên đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản.
Tiến đã lén lút lấy điện thoại sau đó điều khiển xe môtô đi tìm nơi để tiêu thụ.
Đến khoảng 09 giờ 30 phút, Tiến mang chiếc điện thoại trên đến của hàng điện thoại di động “Thảo Nguyên” bán cho anh Phạm Văn Duy (là nhân viên cửa hàng) với giá 1.000.000 đồng.
Sau khi phát hiện bị mất điện thoại, chị Yên đã đến Công an phường Đông Lễ để trình báo sự việc.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 1933/KL-HĐĐGTS ngày 25/6/2024 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự thành phố Đông Hà kết luận: Trị giá của 01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO A54 tại thời điểm bị chiếm đoạt là 1.050.000 đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi làm rõ các hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Hải Tiến 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 173, Bộ luật Hình sự.
Với mục tiêu đưa pháp luật đến gần hơn với đời sống của học sinh, phiên tòa lưu động tại Trường THPT Đông Hà đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các thầy cô giáo và gần 500 em học sinh khối 11 Trường THPT Đông Hà.
Tại đây, các em được chứng kiến trọn vẹn diễn biến của một phiên xét xử thực tế, từ thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần luận tội đến phần tuyên án của HĐXX.
Thông qua đó, các em có thể nắm bắt được quy trình của một phiên tòa và nhận thức được hậu quả pháp lý của các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài hoạt động xét xử của Tòa án, Chi đoàn TAND TP Đông Hà đã phối hợp với Đoàn trường tổ chức hoạt động giao lưu, tìm hiểu kiến thức pháp luật; Chi đoàn đã đưa ra những tình huống pháp luật và các câu hỏi trắc nghiệm về các quy định của pháp luật liên quan đến các loại tội phạm dễ xảy ra trong môi trường học đường, như: Trộm cắp tài sản, pháp luật về giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, tàng trữ, sử dụng hàng cấm là pháo hoa nổ…
Những trải nghiệm này giúp các em học sinh không chỉ hiểu biết thêm về luật pháp mà còn thấy được vai trò quan trọng của luật pháp trong đời sống xã hội, từ đó hình thành ý thức tuân thủ và trách nhiệm công dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chánh án TAND TP Đông Hà ông Nguyễn Xuân Huyến cho biết, việc tổ chức các phiên tòa lưu động tại trường học là một giải pháp hữu ích trước tình trạng tội phạm đang ngày càng trẻ hóa.
Ông chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án liên quan đến các em có tuổi đời còn rất trẻ. Các em thường dễ bị tác động, bốc đồng, đua đòi, thích thể hiện và dễ sa ngã vào con đường phạm tội. Đặc biệt, tình trạng trộm cắp ở lứa tuổi này ngày càng phổ biến, ngoài ra còn có những hành vi vi phạm nghiêm trọng khác như sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích”.
Ông hy vọng rằng, thông qua các phiên tòa lưu động như vậy, các em học sinh sẽ có được bài học thực tiễn, giúp phòng tránh những sai lầm đáng tiếc trong cuộc sống.
Cũng trong khuôn khổ buổi xét xử, Thẩm phán Ngô Thị Khánh Phương, chủ tọa phiên tòa bày tỏ niềm vui khi được trực tiếp điều hành phiên tòa ngay tại một môi trường học đường.
Chị nhấn mạnh: “Việc tổ chức các phiên tòa lưu động như thế này là một hình thức giáo dục pháp luật sinh động, thiết thực. Đây không chỉ là cơ hội để các em học sinh hiểu biết về pháp luật, mà còn giúp các em biết cách áp dụng các kiến thức pháp lý vào cuộc sống một cách đúng đắn. Hy vọng rằng những trải nghiệm này sẽ góp phần xây dựng một thế hệ thanh niên có ý thức, sống có trách nhiệm và hiểu rõ giá trị của việc tuân thủ pháp luật”.
Đối với các em học sinh, buổi xét xử không chỉ là một buổi học đặc biệt về kiến thức pháp luật, mà còn là một lời nhắc nhở thiết thực về ý thức tuân thủ pháp luật trong cuộc sống hàng ngày.
Chứng kiến hậu quả pháp lý nghiêm trọng của hành vi trộm cắp tài sản ngay trong phiên tòa, các em đã hiểu rõ hơn về ranh giới giữa đúng và sai, về ý nghĩa của việc hành xử có trách nhiệm và tuân thủ quy định pháp luật.
Một học sinh tại trường chia sẻ: “Buổi xét xử hôm nay đã giúp em nhận thức sâu sắc hơn về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và thấy được trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ pháp luật để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Phiên tòa lưu động tại Trường THPT Đông Hà không chỉ là một hoạt động xét xử, mà còn là một sáng kiến giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về pháp luật và trách nhiệm công dân.
Hoạt động này đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong công tác giáo dục pháp luật tại nhà trường và là một mô hình cần được nhân rộng.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều phiên tòa lưu động được tổ chức tại các trường học, giúp các em học sinh tiếp cận kiến thức pháp luật một cách sinh động, từ đó xây dựng một thế hệ công dân trẻ sống có trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng.