40 năm qua, TAND hai cấp Tp.HCM đã không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung bản lĩnh, trí tuệ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm kỷ cương pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.
Bảo vệ chế độ sau giải phóng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, việc xét xử nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng do Tòa án quân sự đảm nhiệm. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV “hết sức coi trọng xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam”, ngày 10/8/1976 Chánh án TANDTC ban hành Quyết định số 08/TATC thành lập TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại miền Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã sang một trang mới, đây chính là mốc đánh dấu sự hình thành, xây dựng và phát triển của một chặng đường lịch sử bảo vệ công lý, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân của TAND nói chung và TAND hai cấp Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.
Từ những ngày đầu khi mới được thành lập, TAND mang nhiệm vụ là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam. Trong phạm vi chức năng của mình, TAND có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản XHCN, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác tổ chức kiện toàn bộ máy, tháng 8/1976, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh được thành lập gồm 1 Tòa án cấp tỉnh và 16 đơn vị TAND cấp huyện. Những ngày đầu mới thành lập, tại mỗi TAND cấp huyện chỉ có 3 Thẩm phán, TAND thành phố có 7 Thẩm phán và một số Thẩm phán chi viện từ miền Bắc. Mặc dù với số lượng cán bộ rất ít nhưng được sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp của các ngành và các cấp, TAND hai cấp thành phố đã tổ chức các hoạt động xét xử để bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng trong thời gian đầu sau ngày giải phóng 30/4/1975.
Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh tặng cờ truyền thống cho TAND Tp Hồ Chí Minh
Trong giai đoạn chuyển giao nhiệm vụ lịch sử, từ thủ phủ của bộ máy chiến tranh xâm lược sang một thành phố lớn của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, với vai trò là một cơ quan xét xử, TAND hai cấp Tp. Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa ra xét xử những vụ án phục vụ cho nhiệm vụ chính trị giải quyết các vấn nạn của giai đoạn lịch sử như tàn binh chế độ cũ, trấn áp bọn phản cách mạnh, truy quét các tội phạm hình sự thoát ra từ các nhà tù. Điển hình trong giai đoạn này là nhiều vụ án lớn, án dư luận quan tâm được TAND hai cấp thành phố đưa ra xét xử như vụ Trần Đình Thủ, Mai Văn Hạnh, Lý Tống “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”; vụ Lê Đình Nhàn và đồng phạm “Tuyên truyền phản cách mạng”; vụ Nguyễn Văn Mãnh và đồng phạm, Huỳnh Quang Minh và đồng phạm “Âm mưu lật đổ chính quyền”; Quách Phước Liệt và đồng phạm “Hoạt động gián điệp”...; các vụ án về đầu cơ, buôn lậu, gây rối loạn thị trường cũng được kịp thời đưa ra xét xử để giáo dục riêng và ngăn ngừa chung.
Trưởng thành và phát triển
Với tinh thần và trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ III, nhiệm kỳ 1983-1986 đã xác định, TAND hai cấp thành phố luôn đi đầu cả nước về công tác xét xử, giải quyết các loại án cũng như công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ. Với số lượng án thụ lý và giải quyết hàng năm trung bình bằng 1/3 của cả nước, TAND hai cấp thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp với các ngành nội chính đẩy mạnh công tác xét xử, góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, ngăn chặn tệ tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ đầu cơ, buôn lậu, phá rối thị trường và những hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, giải quyết tốt các tranh chấp trong nội bộ nhân dân góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Nhiều vụ án mang dấu ấn của nền kinh tế thị trường đã được đưa ra xét xử trong giai đoạn này như vụ Nguyễn Văn Mười Hai bị xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và tội “Phá hoại chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa”, đây là vụ án có số lượng người bị hại rất lớn, khoảng 70.000 người; vụ Trần Đàm - Tân Trường Sanh và 73 bị cáo khác bị xét xử các tội “Tội buôn lậu”, “Tội đưa hối lộ”, “Tội nhận hối lộ”, “Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Tội che giấu tội phạm”… được đưa ra xét xử kịp thời được dư luận ủng hộ, đồng tình.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND Tp Hồ Chí Minh
Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của hệ thống TAND. Hiến pháp năm 2013 với những đổi mới tư duy mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc. Thực hiện chức năng là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, TAND hai cấp thành phố luôn đặt tiêu chí “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và tinh thần “Gần dân, học dân, giúp dân, hiểu dân” làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Cùng với nhiệm vụ xét xử, nhiệm vụ củng cố tổ chức và bộ máy cũng được đặc biệt quan tâm để phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ xét xử.
Thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND hai cấp Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng và thực hiện đề án về công tác tổ chức. Ngày 30/3/2016, Chánh án TANDTC ký quyết định thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Tòa Gia đình và Người chưa thành niên – TAND Tp. Hồ Chí Minh là Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đầu tiên trên cả nước với thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên. Trong thời gian qua, TAND hai cấp thành phố không ngừng được tăng cường biên chế, hiện nay biên chế của TAND hai cấp thành phố là 1.300 biên chế, trong đó có 550 Thẩm phán, 630 Thư ký, 32 Thẩm tra viên và 88 lao động khác. Trong đó, có 3 tiến sỹ, 82 thạc sĩ luật; tất cả Thẩm phán, Thư ký đều có trình độ đại học, nhiều cán bộ công chức đang theo học lớp thạc sĩ và nghiên cứu sinh.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội với nhiều biến động, những năm vừa qua, số lượng án thụ lý, giải quyết của TAND hai cấp thành phố tiếp tục tăng cao qua các năm, không những tăng về số lượng mà tính chất vụ án ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn. TAND Tp Hồ Chí Minh đã xét xử các vụ án Trương Văn Cam và đồng phạm; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. Đây là những vụ án dư luận đặc biệt quan tâm, phiên tòa xét xử kéo dài nhiều ngày, nhiều tội danh bị truy tố bởi khung hình phạt đặc biệt nghiêm trọng. Các phiên tòa diễn ra công khai, thu hút nhiều phóng viên báo, đài, các hãng thông tấn trong và ngoài nước trực tiếp theo dõi… đã được TAND thành phố tổ chức xét xử thành công.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND Tp Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh công tác xét xử, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính tư pháp, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân khi có việc đến tòa án. Cụ thể, công dân khi giao dịch với Tòa án có quyền tự mình có thể truy xuất tìm kiếm thông tin để khai thác phục vụ yêu cầu của mình một cách nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian cho hoạt động khai thác tài liệu lưu trữ. Đồng thời, đưa vào ứng dụng quy trình của mô hình “Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” từ năm 2015 tại TAND hai cấp thành phố đã phát huy tính hiệu quả, đáp ứng cao yêu cầu cải cách hành chính tư pháp tại đơn vị.
Đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC nhận xét, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh là đơn vị có số lượng án thụ lý, giải quyết lớn nhất, gần bằng 1/6 của cả nước. Thành tích của của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn vào thành tích chung của hệ thống Tòa án cả nước. |