Sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nữ cán bộ, Thẩm phán TAND

Lê Phúc Hỷ| 07/03/2021 07:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là giai đoạn mới thành lập, TAND luôn nhận được sự quan tâm, chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc rèn luyện phẩm chất đạo đức người cán bộ cách mạng, về lập trường chính trị, về học tập nâng cao nghiệp vụ pháp lý và công tác tổ chức cán bộ. Đặc biệt, Bác luôn quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng ý thức bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ lãnh đạo nữ trong các cơ quan chính quyền, trong đó có các TAND.

Tháng 5/1950, Hội nghị tư pháp do Trung ương triệu tập, quy tụ khoảng 100 cán bộ từ Liên khu năm trở ra được tổ chức tại một cánh rừng Việt Bắc (thực chất đây là một lớp học nhằm phổ biến quan điểm, lập trường chính trị - pháp lý mới cho cán bộ tư pháp). Dù bận rộn nhiều công việc chỉ đạo kháng chiến, nhưng Bác vẫn dành thời gian đến dự Hội nghị bởi theo Người tư pháp là một công tác hết sức quan trọng. Khi bước vào hội trường, Bác Hồ quan sát nhanh khắp lượt các hàng ghế. Rồi Bác đưa ra câu hỏi (cũng là một lời phê bình) cho các đồng chí lãnh đạo, phụ trách Hội nghị: “Lớp học không có một đồng chí nữ nào sao? Tư pháp các đồng chí lạc hậu quá!”. Thực ra, chẳng riêng gì lớp học, mà gần như toàn ngành tư pháp lúc bấy giờ chưa có một đồng chí phụ nữ nào tham gia, dù chỉ là nhân viên.

Bác đi khắp từ hàng ghế trên đến hàng ghế cuối hội trường, bắt tay từng người thân mật, vui vẻ. Sau đó, Bác hỏi đồng chí Trần Công Tường, khi đó là Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Chưa có Thẩm phán là phụ nữ sao?”. Đồng chí Thứ trưởng lúng túng báo cáo: “Thưa Bác, chưa có ạ…Dạ, mới có một nữ Thẩm phán ở ngoại thành Hà Nội!”. Bác tiếp: “Thế là khuyết điểm rồi! các chú phải quan tâm đào tạo Thẩm phán là phụ nữ mới được”.

Bà Hồ Thị Xuân Hiền, nguyên Phó Chánh Tòa Dân sự TANDTC, người vinh dự 3 lần được gặp Hồ Chủ tịch, nhớ lại: Tại Hội nghị vào năm 1960 với chủ đề Phụ nữ tham gia công tác chính quyền, Bác đến dự và đã nói: “Cán bộ phụ nữ lần đầu tiên tham gia công tác lãnh đạo ở các ngành, các cấp chính quyền sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, vất vả…Nhưng các cô không nên tự ti, phải chịu khó, kiên nhẫn tìm tòi, học hỏi. Học để nâng cao kiến thức, học kinh nghiệm từ người đi trước, nhất là phải sâu sát quần chúng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng”…”Việc gì nam giới làm được, phụ nữ cũng làm được, nếu có ý chí và lòng tự trọng”…

Quan điểm, định hướng về bình đẳng giới, chủ trương đào tạo, phát triển cán bộ nữ của Bác Hồ và Đảng ta đã được ghi trong nhiều Nghị quyết của Đảng, chính sách của Chính phủ và đã được hiện thực hóa trong thực tế.

anh-1.jpg
Đội ngũ nữ Thẩm phán ở TAND các địa phương ngày càng phát triển lớn mạnh

Trong hệ thống Tòa án nhân dân, nhiều chị đã phấn đấu học tập nâng cao năng lực, rèn luyện đạo đức tốt, được Trung ương phân công giữ vị trí lãnh đạo tại cơ quan xét xử cao nhất. Đó là các chị Lê Thị Phương Hằng, Phó Chánh án TANDTC (từ 1979 đến 1988); chị Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Phó Chánh án TANDTC (từ 1979 đến 1991); chị Dương Thị Thanh Mai, Phó Chánh án TANDTC (từ 1987 đến 2002); chị Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC (từ 2015 đến 2020)

Các nữ Thẩm phán TANDTC nhiệm kỳ 2015-2020 có chị Nguyễn Thúy Hiền, Lương Ngọc Trâm Nguyễn Hoàng Anh, Đào Thị Xuân Lan…, đều là những Thẩm phán có năng lực, có uy tín xã hội, nhiều chị là Tiến sĩ Luật, đã kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng trước khi được Quốc Hội phê chuẩn làm Thẩm phán TANDTC.

nu_tham_phan_3_lan_duoc_gap_bh___anh_1.jpg
Bà Hồ Thị Xuân Hiền, Nguyên Phó chánh Tòa Dân sự TANDTC, người vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ

Cho đến nay, TANDTC có 16 nữ vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương; 40 công chức nữ lãnh đạo cấp phòng và tương đương; 04 nữ/17 thẩm phán. Số nữ cán bộ, công chức tham gia cấp ủy là 23 người. Tại các các TAND cấp cao có 01 nữ Phó Chánh án/10 Phó Chánh án; 06 nữ/36 người giữ chức vụ chánh tòa, phó chánh tòa và tương đương; 13 công chức nữ/31 người giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương;

Tại các TAND cấp tỉnh có 10 nữ Chánh án/63 Chánh án; 28 nữ Phó Chánh án/150 Phó Chánh án; 114 nữ trưởng phòng/360 người giữ chức vụ trưởng phòng; 205 nữ/434 người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương; 400/1.118 Thẩm phán. Số nữ cán bộ, công chức tham gia BCH tỉnh ủy là 07 người.

Tại các TAND cấp huyện có 127 nữ Chánh án/679 Chánh án; 339 nữ Phó Chánh án/1.028 Phó Chánh án; 205 nữ Trưởng phòng/435 người giữ chức vụ Trưởng phòng; 149 nữ/255 người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương; 2.060/4.666 thẩm phán. Số nữ cán bộ, công chức tham gia BCH huyện ủy là 109 người.

Những con số trên cho thấy, từ chỗ không có phụ nữ tham gia công tác tư pháp những năm đầu thành lập, cho đến sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán nữ của hệ thống TAND. Tỷ lệ cán bộ nữ TAND tham gia các vị trí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị trung bình khoảng 30%.

thuyhien-1588848737-width700height395-1588927989629-15889279896301608910282.jpg
Bà Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TANDTC

Là “phái yếu”, là “một nửa của thế giới”, nhưng các chị em phụ nữ TAND rất mạnh mẽ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành các phiên tòa lớn (như vụ đánh bạc nghìn tỷ qua internet tại TAND tỉnh Phú Thọ là một minh chứng rõ rệt).

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, người được phân công làm Chủ tọa phiên tòa này, tâm sự: “Vụ án này có số bút lục lớn, lên đến hơn 100.000 bút lục kèm theo hàng nghìn chứng từ, hóa đơn, sao kê tài khoản ngân hàng, chứa trong 7 tủ hồ sơ (mỗi tủ có 4 ngăn) đều được mã hóa bảo mật. Khi Viện KSND tỉnh Phú Thọ bàn giao hồ sơ, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ phải dùng xe cẩu để đưa các tủ hồ sơ lên phòng, đồng thời, huy động hơn 10 thư ký để kiểm đếm bút lục trong 2 ngày. Để đảm bảo kịp tiến độ đưa vụ án ra xét xử, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ phải nghiên cứu hồ sơ ngày đêm, kể cả ngoài giờ hành chính, thứ Bảy, Chủ nhật. Tôi cùng anh em đã phải ăn cơm hộp, bám trụ sở Tòa án trong nhiều ngày nghiên cứu hồ sơ, để tìm hiểu kỹ mô hình, cách thức tổ chức, vận hành, thanh toán tiền đánh bạc, để hiểu đúng bản chất, từ đó mới đánh giá đúng vị trí, vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và có sự phân hóa đối với các nhóm bị cáo cụ thể”…

99bb524fcabdc234539fa7c10871bb77.jpg
Thẩm phán TANDTC Lương Ngọc Trâm

Mặt khác, các Thẩm phán nữ cũng rất chân thành, thân thiện tại các phiên hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính. Các chị không chỉ gánh vác nhiệm vụ nặng nề là bảo vệ công lý, giữ cán cân công bằng xã hội, mà còn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đảm đang việc nuôi dạy con cái, nữ công gia chánh, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc của mình. Nhiều chị được vinh danh là Thẩm phán giỏi, Thẩm phán mẫu mực, được khen thưởng về hành động liêm chính, kiên quyết không nhận hối lộ của đương sự, là những tấm gương điển hình trong hệ thống TAND.

photo-1-1549330445217985587594.jpg
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ qua internet tại Phú Thọ)

Từ lời phê bình, nhắc nhở của Bác Hồ năm xưa, đến nay chúng ta vinh dự, tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nữ cán bộ, Thẩm phán TAND. Với định hướng, kế hoạch hành động “Vì sự tiến bộ Phụ nữ” của TANDTC, chúng ta kỳ vọng trong giai đoạn mới, chị em phụ nữ các TAND sẽ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, được rèn luyện thử thách qua các vị trí công tác, phấn đấu vươn lên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ công lý, nhiệm vụ thật nặng nề những cũng hết sức thiêng liêng, cao cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nữ cán bộ, Thẩm phán TAND