Sự cần thiết sửa đổi BLDS hiện hành (Kỳ I)

Tống Toàn| 24/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hơn 9 năm thi hành, BLDS cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của đất nước cũng như điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí,độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các QHDS.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, một số quy định trong BLDS cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quan hệ dân sự phát sinh trong thực tế. 

Kỳ I: BLDS góp phần thúc đẩy quan hệ thị trường

Những điều đã đạt được

Theo Ban soạn thảo BLDS (sửa đổi), BLDS năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của BLDS năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Do đó, Bộ luật này đã đạt được một đòi hỏi nhất định, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Cụ thể, BLDS đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về tôn trọng, bảo vệ quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua việc ghi nhận sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế ở nước ta. Đó là sự đa dạng và đồng bộ của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu; hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu; ghi nhận sự bình đẳng giữa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế...

Tiếp đó, BLDS đã góp phần thúc đẩy sự hình thành, phát triển của quan hệ thị trường thông qua việc ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng; hạn chế sự can thiệp quá mức của cơ quan công quyền vào quá trình hình thành, tồn tại và vận động của các quan hệ hàng hóa - tiền tệ; tạo cơ chế pháp lý để thực hiện tinh thần của Hiến pháp 1992. Vì thế, mọi cá nhân, tổ chức được làm những gì mà pháp luật không cấm, với điều kiện các việc làm đó không vi phạm lợi ích công cộng, đạo đức xã hội; ghi nhận nhiều biện pháp để bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý cho các chủ thể trong các quan hệ dân sự nói chung và kinh doanh nói riêng. Nhờ có các quy định có tính chất nền tảng này mà về cơ bản, các quan hệ thị trường ở nước ta trong thời gian qua đã từng bước hình thành, phát triển.

Không những thế, nhiều quy định trong BLDS đã có tính tương thích với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Có thể nói, BLDS bước đầu đã thể hiện được vai trò là luật chung, luật nền. Có được vai trò này là nhờ các quy định của BLDS đã ghi nhận được những nguyên tắc và quy định cơ bản của việc điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ dân sự. Đồng thời, Bộ luật đã bao quát được tương đối đầy đủ các vấn đề của đời sống dân sự. Nhờ vậy, BLDS đã góp phần vào việc khắc phục được một bước những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật về sở hữu, nghĩa vụ và hợp đồng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng...

Cần sự thay đổi...

Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa nhiều văn kiện của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì BLDS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, nổi bật là hàng loạt các vấn đề dưới đây.

Có thể khẳng định, một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành là Nhà nước phải có cơ chế pháp lý để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự. Tuy nhiên, một số quy định của BLDS hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này, cụ thể như: Chưa bảo đảm nguyên tắc quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong những trường hợp đặc biệt như Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận. Nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn bất hợp lý, thiếu tính khả thi. BLDS chưa tạo được cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự… Hạn chế này lại càng biểu hiện rõ nét trong bối cảnh hiện nay khi mà Hiến pháp mới đã đặt ra nhiều yêu cầu   trong việc bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta.

Sự cần thiết sửa đổi BLDS hiện hành (Kỳ I)

Tranh chấp nhà đất, vấn đề luôn nóng bỏng hiện nay

Bên cạnh đó, nhiều quy định của BLDS còn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể như: BLDS hiện hành dành rất nhiều quy định về quyền sở hữu, trong khi đó lại có rất ít quy định về các loại quyền khác đối với tài sản (quyền của người không phải là chủ sở hữu tài sản). Thực trạng này đã dẫn đến hậu quả là, pháp luật dân sự Việt Nam nói chung và BLDS nói riêng chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả các tài sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của đất nước. Tiếp đó, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ BLDS nào, trong đó có BLDS nước ta. Tuy nhiên, BLDS hiện hành chưa ghi nhận đầy đủ các cơ chế pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này, ví dụ như chưa ghi nhận được nguyên tắc quyền của tất cả các chủ sở hữu, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế đều được pháp luật công nhận và bảo vệ như nhau.

Đó còn chưa kể một số quy định của BLDS còn gò bó, không phù hợp với tính năng động của nền kinh tế thị trường, do đó đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ví dụ: Theo quy định hiện hành về điều kiện có hiệu lực của giao dịch thì các giao dịch dân sự có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhiều lý do khác nhau, do đó, không đảm bảo tính ổn định của quan hệ hợp đồng như một yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường. Quy định hiện hành của BLDS về việc một pháp nhân chỉ có thể có một đại diện theo pháp luật và chưa có quy định về việc pháp nhân có thể là đại diện theo ủy quyền là không phù hợp với nhu cầu rất tự nhiên, chính đáng của các doanh nghiệp về đại diện, chưa bảo đảm tính chuyên nghiệp và tính nhanh nhạy trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhu cầu và khả năng mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động của mình và việc tham gia tố tụng... Những hạn chế này cần phải được khắc phục sớm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi, hiệu quả, góp phần xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, BLDS hiện hành còn chưa thể hiện được một cách đầy đủ vị trí, vai trò của mình với tư cách là bộ luật nền, luật chung, nhất là trong việc thực hiện ba chức năng: Quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự; định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù; và, khi các luật chuyên ngành không có quy định về một quan hệ dân sự thì quy định của BLDS  được áp dụng để điều chỉnh. Bất cập này càng được thể hiện rõ hơn khi mà trong điều kiện hiện nay, bên cạnh BLDS, đã và đang tồn tại ngày càng nhiều đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực dân sự đặc thù như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động… Kết quả là, BLDS nói riêng và hệ thống pháp luật dân sự nói chung còn chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về tính ổn định, tính khái quát, tính hệ thống, tính dự báo và tính minh bạch trong hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền.

Một tồn tại nữa không thể không nói đến là cấu trúc của BLDS có điểm chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của Bộ luật. Nhiều quy định được lặp lại giữa các phần và các chế định; một số quy định không bảo đảm tính rõ ràng, tạo ra các cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật dân sự trong thực tiễn.

Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của BLDS nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân. Do đó, việc xây dựng BLDS (sửa đổi) là rất cần thiết. 

Kỳ sau: Mục tiêu xây dựng Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự cần thiết sửa đổi BLDS hiện hành (Kỳ I)