Nghị quyết mới sẽ tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa ký chứng thực ban hành Nghị quyết số 132/2020/QH14 về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết số 132/2020/QH14 quy định thí điểm một số chính sách bao gồm nguyên tắc, chế độ sử dụng đất; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý dự án, hợp đồng đã thực hiện và việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.
Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng gồm: Đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị quyết quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Nghị quyết, chỉ đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 và đối tượng được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật...
Nghị quyết cũng nêu rõ: Đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, để kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.
Theo Nghị quyết, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không thuộc trường hợp trên thì phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Tiền sử dụng đất hằng năm được xác định trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và tỷ lệ doanh thu ngoài nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Các khoản thu theo quy định tại Nghị quyết này phải được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước và phải lập dự toán thu, chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trong đó ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an.