Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,93% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) đóng góp tích cực vào tăng trưởng công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế Hà Nội nói chung.
Để phát triển SPCNCL, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 phê duyệt Đề án phát triển SPCNCL TP Hà Nội định hướng tới năm 2025.
Tính đến nay, sau gần 6 năm triển khai đề án, Hà Nội đã có 196 SPCNCL của 132 doanh nghiệp; nhiều đơn vị nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. 15 doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như Công ty CP Khóa Việt - Tiệp; Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty CP Vicostone… Đáng chú ý, có 10 doanh nghiệp FDI với các thương hiệu toàn cầu như TOTO, Canon, Panasonic… được công nhận là SPCNCL.
Cuối năm 2022, UBND TP Hà Nội công nhận 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp đạt danh hiệu SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2022. Doanh thu 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp đạt khoảng 76,8 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 550 triệu USD.
Cũng nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SPCNCL, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển SPCNCL giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội.
Trong đó nêu rõ, 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ TP Hà Nội.
TP Hà Nội luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật… để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp TP Hà Nội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TP Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng năm nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất.
Năm 2023, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu thu hút sự tham gia của 20 - 25 doanh nghiệp với khoảng 30 - 35 sản phẩm được công nhận SPCNCL; trong đó có 10 - 15 sản phẩm được công nhận lần đầu; phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố.
TP Hà Nội đã và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các DN sản xuất SPCNCL; hỗ trợ DN sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ; đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thành phố... thông qua việc tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN.
Năm 2023, TP Hà Nội đã có đề án "Phát triển SPCNCL TP Hà Nội năm 2023" nhằm tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; nâng cao căng lực cạnh tranh của các SPCNCL thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.