Việc lập sàn giao dịch dữ liệu được đánh giá là yếu tố đột phá, cấp thiết, tuy nhiên, sàn giao dịch cũng phải đảm bảo an toàn, minh bạch.
Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Dữ liệu quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; bổ sung thiết chế quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Điều 51, Bộ Công an đề xuất các quy định về sàn giao dịch dữ liệu. Đây là môi trường giao dịch trực tuyến để trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp.
Sàn giao dịch dữ liệu do Bộ Công an cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, có sự giám sát, đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước được triển khai sàn giao dịch dữ liệu và chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động trước cơ quan chủ quản.
Sản phẩm dữ liệu được giao dịch phải tạo ra từ nguồn dữ liệu phi cá nhân hoặc dữ liệu cá nhân khi được chủ thể đồng ý. Dữ liệu giao dịch này không tác động đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm bí mật nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, cần phải được hoạch định, khai thác sử dụng hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng xã hội số, công dân số.
Sàn giao dịch dữ liệu sẽ tăng tính kết nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu. Đây cũng là nền tảng hỗ trợ giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Để làm được điều này, Chính phủ sẽ xây dựng quy định về hình thức sở hữu, mua bán dữ liệu; quyền tài sản dữ liệu; dữ liệu bản quyền; đưa dữ liệu trở thành một loại tài sản được pháp luật bảo vệ.
Theo Chiến lược dữ liệu quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu. Dự luật Dữ liệu sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 khai mạc tháng 10.
Song góp ý cho dự luật, một số ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét, làm rõ các trường dữ liệu được phép kinh doanh trên sàn giao dịch dữ liệu, bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan...
Theo cơ quan soạn thảo, các luật, văn bản hiện hành chưa quy định đầy đủ và thống nhất về sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu.
Theo Bộ Công an, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.
Điển hình trong lĩnh vực ngân hàng, thời gian qua đã ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch 47 triệu dữ liệu, thu phí 67 tỷ đồng...
Do đó, Bộ Công Thương đã có đề nghị, làm rõ các trường dữ liệu được phép kinh doanh trên sàn giao dịch dữ liệu; bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan như đơn vị vận hành hạ tầng sàn giao dịch dữ liệu.
Chuyên gia công nghệ thông tin Kiều Tùng Linh cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về lập sàn giao dịch dữ liệu. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là việc bảo vệ quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu cá nhân để phục vụ mục đích công cộng. Đồng thời, hạ tầng an ninh, trình độ kỹ thuật Nhà nước hoặc các công ty dự thầu có đủ bảo đảm để kiểm soát, bảo vệ dữ liệu...
Còn theo Bộ Tư pháp, hiện điều kiện về tổ chức để thực hiện cung cấp dịch vụ sàn giao dịch dữ liệu theo dự thảo chỉ là DN Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nội dung này cần cân nhắc thêm vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nên để tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia hoạt động này, Nhà nước chỉ đặt ra các điều kiện hoặc rào cản kỹ thuật để bảo vệ an toàn dữ liệu.