Bảo vệ người tiêu dùng

Minh bạch hóa các đề tài, sản phẩm KHCN bằng việc lập Sàn Giao dịch công nghệ

Thanh Phương 03/01/2024 - 16:46

Mỗi năm Sở Khoa học công nghệ Thanh Hóa được giao hàng chục tỷ đồng để triển khai nghiên cứu khoảng 40 đề tài, sản phẩm khoa học công nghệ. Hiệu quả của các đề tài, sản phẩm này đến đâu thì chỉ có các cơ quan nghiên cứu, nghiệm thu đánh giá, đa phần đều nằm lạnh lẽo trong ngăn kéo. Việc lập Sàn Giao dịch công nghệ, triển khai cơ sở dữ liệu của các đề tài, sản phẩm khoa học này sẽ tạo tính minh bạch, dễ giám sát.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ (KHCN) Thanh Hóa Trần Duy Bình cho biết: Mỗi năm Sở được giao trên dưới 40 đề tài, sản phẩm KHCN với số tiền khoảng 60 tỷ đồng. Thời gian nghiên cứu cho mỗi đề tài cần từ 3- 5 năm, chưa kể việc triển khai ứng dụng trên thực tế. Việc nghiên cứu xong chưa được nghiệm thu, đánh giá, giới thiệu để ứng dụng đại trà dẫn tới lãng phí nguồn lực.

sokhcn.jpg
Sở KHCN Thanh Hóa

Thanh Hóa có nhiều sản phẩm KHCN có thể thương mại, nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ quảng bá, việc phát triển doanh nghiệp KHCN chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả của nhiệm vụ KHCN. Các vấn đề này, được cho rằng trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu các thông tin về công nghệ - thiết bị tiên tiến, thiếu tổ chức trung gian môi giới, tư vấn, cung cấp về sản phẩm hình thành từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại các địa phương trong nước chủ yếu cung cấp danh mục các công nghệ, thiết bị phục vụ cho đặc thù.

Doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa muốn tiếp cận thông tin chi tiết về công nghệ - thiết bị phải đăng ký với đơn vị quản lý sàn giao dịch của địa phương khác, sau đó mới có sự sắp xếp trao đổi trực tiếp giữa các bên. Hoạt động tiếp xúc, kết nối cung - cầu, đặt hàng công nghệ giữa doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

ungdungkhcn.jpg
Doanh nghiệp cần nơi để tìm hiểu, mua bán, trao đổi công nghệ

Theo đánh giá, việc xây dựng và phát triển Sàn Giao dịch công nghệ được xem là tổ chức quan trọng, có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường KHCN. Nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ. Đây là một loại hình tổ chức dịch vụ KHCN ở trình độ cao, mô hình tiên tiến về nhận thức trong chuyển giao công nghệ thay thế các mô hình trước đây, đáp ứng tốt vai trò kết nối cung - cầu trong thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 10 doanh nghiệp nhà nước, 124 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 20.366 doanh nghiệp khu vực dân doanh. Bình quân giai đoạn 2023 – 2025, mỗi năm tăng khoảng 3.000 doanh nghiệp/năm. Các doanh nghiệp thành lập mới phần lớn phải đầu tư công nghệ, thiết bị để tổ chức sản xuất kinh doanh. Vì vậy, rất cần có một nơi để tham khảo công nghệ mới, chuyển giao công nghệ cũ, có cơ sở dữ liệu để định hướng, phát triển các loại sản phẩm.

ocopth.jpg
Các sản phẩm OCOP cần được xây dựng dữ liệu, chỉ dẫn để đưa lên sàn

Sàn giao dịch công nghệ - Thiết bị Thanh Hóa được xây dựng, đi vào hoạt động động sẽ góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ trong tỉnh. Các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mới hoặc nâng cấp mở rộng, đổi mới công nghệ sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm được thông tin công nghệ thiết bị hiện đại, phù hợp yêu cầu; việc tiếp cận trao đổi thông tin có tính chất đa chiều, nhiều đối tác, khách hàng nên có nhiều lựa chọn phù hợp cho phương án đầu tư phù hợp hiệu quả của chính doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất và tiết kiệm chi phí.

Trên không gian mạng để giới thiệu công nghệ và các tiện ích cơ bản để thực hiện các giao dịch chào bán, chào mua công nghệ, thiết bị mọi lúc, mọi nơi qua đó giảm bớt được thời gian, công sức và khoảng cách địa lý. Góp phần xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đẩy mạnh thương mại hoá các sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu KHCN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp cho hoạt động này trở nên hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

Nâng cao chất lượng nhân lực khoa học công nghệ của tỉnh, đặc biệt đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, cán bộ quản lý về dịch vụ công nghệ và thị trường công nghệ của Thanh Hóa. Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Giúp cho các doanh nghiệp có được các thông tin về công nghệ mới, sự phát triển của công nghệ, thiết bị trên các lĩnh vực để nghiên cứu xây dựng các chiến lược, phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của các tổ chức doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc ứng dụng, nhân rộng các kết quả là các sản phẩm khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Phát triển thị trường KHCN đáp ứng nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ, thiết bị. Hỗ trợ tư vấn công nghệ, tư vấn pháp lý, giảm thời gian, chi phí, giá thành trong việc chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới công nghệ cho các tổ chức doanh nghiệp.

Thúc đẩy tăng năng xuất lao động, cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm mới cho các chuyên gia, người có trình độ cao trên các lĩnh vực về công nghệ, tư vấn pháp lý trong việc chuyển giao công nghệ. Quảng bá giới thiệu các sản phẩm khoa học và công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp.

Do đó, trước nhu cầu và thực trạng trên, việc xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ thiết bị tỉnh Thanh Hóa là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường công nghệ thiết bị. Xây dựng và tổ chức hoạt động thành công Sàn Giao dịch công nghệ - thiết bị tỉnh Thanh Hóa sẽ thúc đẩy hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đổi mới công nghệ thiết bị.

Đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; thương mại hoá kết quả nghiên cứu, phụ vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo và nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong việc phát triển KHCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa các đề tài, sản phẩm KHCN bằng việc lập Sàn Giao dịch công nghệ