Không có thẩm quyền thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường nhưng UBND phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn, Bình Định) vẫn ra Quyết định giải quyết khiếu nại của công dân liên quan đến lĩnh vực trên. Quyết định giải quyết này đã bị Tòa án tuyên hủy nhưng gần 1 năm qua, chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết lại vụ việc…
Đất sử dụng từ năm 1996 không được bồi thường
Theo bản án hành chính sơ thẩm số 16/2022/HC-ST ngày 27/4/2022 của TAND tỉnh Bình Định, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (người khởi kiện; trú tại phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn) cho biết: Thửa đất số 07 tờ bản đồ số 25, diện tích 259m2 (theo bản đồ giải phóng mặt bằng) tại phường Ghềnh Ráng do ông Võ Văn Sơn khai hoang từ trước năm 1975, sau đó được chuyển nhượng cho ông Mai Văn Bá. Năm 1996, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhận chuyển nhượng từ ông Bá rồi dựng nhà và sinh sống ổn định cho đến khi bị thu hồi đất. Quá trình quản lý, sử dụng đất, bà Nguyệt còn sang nhượng bà Đào Thị Lệ (em dâu) 40m2 để dựng nhà ở.
Năm 2012, địa phương đã thực hiện giải tỏa trắng (không đền bù) phần diện tích đất do bà Nguyệt và bà Lệ đang sử dụng để thực hiện Dự án xây dựng Trường mầm non Bông Hồng do cho rằng đây là “đất công”.
Giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị được bồi thường của bà Nguyệt, ngày 7/8/2019, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng đã ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBND cho rằng: không có cơ sở giải quyết khiếu nại. Tiếp đó, ngày 14/2/2020, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn ra Quyết định số 675/QĐ-UBND với nội dung: không công nhận khiếu nại của bà Nguyệt.
Bà Nguyệt cho rằng đã sử dụng đất hợp pháp nên việc chính quyền địa phương không bồi thường khi thu hồi đất là không đúng; đề nghị Tòa hủy hai quyết định giải quyết khiếu nại của UBND phường Ghềnh Ráng và UBND TP Quy Nhơn và thực hiện bồi thường về đất, tài sản trên đất, bố trí tái định cư cho gia đình bà theo quy định.
Trong khi đó, đại diện bên bị kiện (UBND TP Quy Nhơn) thì cho rằng, theo hồ sơ đo đạc năm 2001 thì đất bà Nguyệt sử dụng là loại “đất nghĩa địa”. Năm 2003, khi thực hiện Dự án khu dân cư Bông Hồng thì vị trí này đã bị giải tỏa trắng do đây là đất công do Nhà nước quản lý. Bản đồ giải phóng mặt bằng dự án Trường mầm Hoa Hồng năm 2013 thể hiện đây là “đất bằng chưa sử dụng”, Vì vậy, UBND TP Quy Nhơn không đồng ý với yêu cầu được bồi thường của bà Nguyệt.
Trả lời khiếu nại sai thẩm quyền, bao giờ giải quyết lại?
Nhận định về vụ kiện trên, TAND tỉnh Bình Định cho rằng, theo quy định của Luật đất đai 2013 thì UBND cấp phường không có thẩm quyền thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nên việc Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng ra Quyết định số 113/QĐ-UBND không công nhận nội dung đơn khiếu nại của bà Nguyệt là không đúng quy định về thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.
Điều này cũng dẫn tới Quyết định số 675/QĐ-UBND của UBND TP Quy Nhơn có nội dung không công nhận khiếu nại của bà Nguyệt; công nhận Quyết định số 113/QĐ-UBND của UBND phường Ghềnh Ráng cũng được ban hành không đúng về thẩm quyền.
Từ nhận định trên, HĐXX TAND tỉnh Bình Định đã tuyên hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 113/QĐ-UBND của UBND phường Ghềnh Ráng và Quyết định số 675/QĐ-UBND của UBND TP Quy Nhơn.
Ngày 30/9/2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện (do VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng rút kháng nghị); Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Nguyệt thì thì từ đó đến nay, đã gần 1 năm trôi qua nhưng UBND TP Quy Nhơn vẫn không thụ lý lại đơn khiếu nại của bà liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để giải quyết theo thẩm quyền.
Giữ nguyên yêu cầu được đền bù như trước đây, bà Nguyệt còn cho biết, tất cả các hộ dân sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án Khu dân cư Bông Hồng (sau này là Trường mầm non Bông Hồng) đều đã được nhận đền bù về đất và được tái định cư (trong đó có cả những hộ đất sử dụng đất có nguồn gốc từ ông Sơn giống như gia đình bà). Không hiểu sao chỉ riêng gia đình bà và em dâu là bị từ chối bồi thường)
Đáng nói, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, khi được Tòa lấy lời khai, các nhân chứng là người dân địa phương vẫn tiếp tục khẳng định diện tích đất bà Nguyệt yêu cầu được bồi thường có nguồn gốc do ông Sơn khai hoang chứ không phải lấn chiếm đất công.
Về vụ việc này, một số Luật sư cho rằng, khi giải quyết khiếu nại, nếu cho rằng diện tích bà Nguyệt sử dụng là đất công thì chính quyền địa phương cần đưa ra các chứng cứ chứng minh, như: bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ địa chính, quy hoạch được phê duyệt… (nếu như chỉ căn cứ vào bản vẽ kỹ thuật thửa đất và bản đồ phục vụ giải phóng mặt bằng là không thuyết phục vì đây không phải là hồ sơ địa chính theo quy định).
Trong vụ việc này, chính quyền cũng cần làm rõ, vì sao cho rằng bà Nguyệt lấn chiếm đất công (đất nghĩa địa) nhưng từ năm 1998, chính quyền không tiến hành lập biên bản, xử phạt, cưỡng chế đối với các công trình của bà Nguyệt? Chỉ đến năm 2018, khi có dự án trường Mầm Non thì địa phương mới lập biên bản vi phạm.
Ngoài ra, việc thay đổi quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất, chuyển chủ đầu tư dự án từ “đất nghĩa địa”, thành “đất dự án khu dân cư”, rồi lại thành “đất trường Mầm non” như hiện nay cũng là vấn đề cần được chính quyền công khai với người dân.
Được biết, Dự án trường Mầm non Bông Hồng bắt đầu thực hiện từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Trong khi diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng nhiều lần, qua nhiều chủ sử dụng khác nhau thì gia đình bà Nguyệt vẫn chờ Quyết định giải quyết khiếu nại chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về kết quả giải quyết của cơ quan chức năng.