Với 85,02% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Trong đó, mục tiêu đạt tốc độ tăng GDP năm tới khoảng 6,7%.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%
Tại phiên họp Quốc hội chiều 7/11, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017. Mục tiêu tổng quát năm 2017 là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ nền kinh tế…
Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Giữ thế chủ động chiến lược, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Quốc hội thông qua mục tiêu GDP năm 2017 tăng khoảng 6,7%. Ảnh: Internet
Hàng loạt các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2017 đã được Quốc hội thông qua gồm: GDP tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.
Về tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị tính toán, cân nhắc bởi năm 2016 hạn hán, xâm ngập mặn, lũ lụt tác động xấu đến sản xuất trong những tháng cuối năm và cả năm 2017. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện, chưa kể năm tới sẽ thực hiện đồng bộ các kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, tái cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế-xã hội …thì chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được.
11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền. Quốc hội cũng yêu cầu quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước; bảo đảm chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước.
Nhiệm vụ thứ hai là tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Liên quan đến vấn đề đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm tái cơ cấu cũng như các nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường...
Nhiệm vụ thứ 5 là triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công với cách mạng.
Một số nhiệm vụ khác nêu trong Nghị quyết là thực hiện hiệu quả các mục tiêu, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu COP-21 và các giải pháp tổng thể phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng; Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. Nâng cao năng lực, thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức… Khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Về quan hệ đối ngoại, tiếp tục đưa quan hệ đối ngoại với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân; nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Quốc hội cũng yêu cầu yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về thông tin truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận cao trong xã hội.