Dự thảo nghị định mới về quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta vừa được Bộ VHTT&DL trình làng thu hút sự quan tâm của dư luận với hy vọng sẽ có một hành lang đủ uy lực để quản lý, tổ chức và điều hành 8.000 lễ hội hàng năm ở cả 4 cấp hành chính.
Sau rất nhiều năm buông lơi hoặc chỉ mới quản lý bề nổi, một khi nghị định này được thông qua và ban hành, các hoạt động lễ hội ở nước ta sẽ đi vào nền nếp hơn, lành mạnh hơn. Dự thảo này làm rõ quy mô lễ hội, thực hiện phân cấp cụ thể việc quản lý, cấp phép và tổ chức lễ hội từ địa phương đến Trung ương.
Không quy định chung chung kiểu phải bảo đảm lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, không vi phạm thuần phong mỹ tục, dự thảo lần này quy định khá cụ thể các điều kiện để được cấp phép tổ chức lễ hội. Theo đó, không được thực hiện các nghi thức đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị; không mô tả cảnh gây tội ác; không kích động bạo lực; không tuyên truyền mê tín dị đoan làm mê hoặc công chúng, gây tác động xấu về nhận thức…
Vậy là các lễ hội chém lợn, đâm trâu và có thể cả chọi trâu sẽ bị cấm. Sau vụ tai nạn trâu húc chết chủ ở vòng loại chọi trâu Đồ Sơn, các cơ quan chức năng quản lý lễ hội mới giật mình biết rằng bây giờ chọi trâu đông đến mức phải có vòng đấu loại và chủ trâu muốn tham gia phải nộp khoản tiền cao hơn tiền mua trâu.
Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: TTXVN
Nhiều năm nay, các chuyên gia văn hóa dân gian từng cảnh báo về sự gia tăng cả về tần suất và quy mô những lễ hội phản văn hóa. Nhưng người tổ chức lễ hội đã lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của người dân để thương mại hóa lễ hội một cách công khai nhằm trục lợi. Một số lễ hội diễn ra dài ngày thậm chí cả 2 tháng trời ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống cư dân trong vùng và khách hành hương. Trong khi đó, việc cấp phép đều tập trung cho các lễ hội mới phục hoạt hoặc lễ hội mới đã sớm bị thương mại hóa để trục lợi cho nhóm lợi ích hoặc cục bộ địa phương.
Các chuyên gia văn hóa dân gian cho rằng có nhưng lễ hội được nâng đời thành lên cấp huyện, tỉnh thậm chí cấp quốc gia, được UNESCO công nhận… mặc nhiên trở thành nguồn lợi của địa phương. Chẳng hạn chọi trâu ở Đồ Sơn được tổ chức thêm vòng loại và các chủ trâu phải nộp phí cả chục triệu để trâu nhà mình được tham gia. Điều này xa lạ với chọi trâu truyền thống. Các chuyên gia tỏ ý lo ngại khi Bộ VH-TT-DL định giao việc quy hoạch lễ hội cho từng địa phương thì khó xử lý bài toán thu ngân sách cho các tỉnh. Bên cạnh đó, dự thảo cũng không đưa ra quy định về sự tham gia của quan chức cấp cao trong các lễ khai mạc lễ hội, dễ gây ngộ nhận về tầm mức chính thống của lễ hội.
Việc ban hành nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội là rất cần thiết nhưng không thể thiên về quản lý hay thả nổi, giao khoán cho địa phương theo cung cách quản lý điều hành xin - cho. Lễ hội gì cũng phải có văn hóa, văn minh, tiết kiệm và có tác dụng giáo dục truyền thống, không thể trông chờ vào mệnh lệnh hành chính!