Quản lý các cuộc thi sắc đẹp chưa bao giờ đơn giản

Minh Anh| 19/11/2022 07:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong năm 2022 đã có hơn 20 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp được tổ chức. Việc có quá nhiều cuộc thi nhan sắc như vậy có khiến việc quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về thực tiễn quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn TP.HCM.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm đã mở đường cho các cuộc thi người đẹp. Trong năm 2022 đã có hơn 20 cuộc thi về nhan sắc diễn ra.

Ngoài các hoạt động thông thường, hiện các ban tổ chức (BTC) có xu hướng tận dụng mạng xã hội để tiếp cận, thu hút sự chú ý của khán giả, thông qua nhiều chuỗi hoạt động tương tác thú vị. Đây cũng là điểm cộng cho một số sân chơi trong việc tự làm mới mình, giữa bối cảnh các cuộc thi xuất hiện ồ ạt.

bung-no-cac-cuoc-thi-hoa-hau-971644773662-1506.png
Các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam 'bùng nổ' trong năm 2022.

Nhiều cuộc thi được tổ chức lần đầu cũng khiến công chúng hoài nghi về chất lượng. Thực tế, có cuộc thi từng được quảng bá rầm rộ, nhưng đêm chung kết lại khiến công chúng bỡ ngỡ bởi khâu tổ chức kém chất lượng.

Hay có cuộc thi chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hơn chục ngày, thậm chí đến đêm chung kết khán giả mới được biết tới, với sân khấu dàn dựng sơ sài, tạm bợ.

Việc thu hút thí sinh cũng là bài toán cho các đơn vị tổ chức. Hiện, các BTC đang có xu hướng tìm về các trường đại học để quảng bá, chấm thi hoa khôi cấp trường để chọn được ứng viên tiềm năng. Ngoài ra, một cuộc thi còn có chương trình talkshow phát trên truyền hình, YouTube để việc quảng bá hiệu quả hơn.

Trước tình trạng ngày càng có nhiều sự biến tướng trong các cuộc thi sắc đẹp thì mới đây Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về thực tiễn quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn TP.HCM.

Trong báo cáo do bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ký, đề cập đến các cuộc thi sắc đẹp tổ chức chui, không được chấp thuận, hoặc được tiếp nhận nhưng thực hiện không đúng nội dung thông báo, văn bản chấp thuận dẫn đến công tác phối hợp xử lý còn bị động, tạo nên dư luận không tốt.

Sở Văn hóa từng ra quyết định xử phạt đối với Miss Peace Vietnam 2022, Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022… vì các sai phạm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, công tác quản lý các cuộc thi sắc đẹp còn nhiều khúc mắc, khó khăn. Trước đây, các cuộc thi người đẹp cấp toàn quốc, khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép, ban tổ chức sẽ gửi thông báo đến từng địa phương diễn ra vòng thi.

"Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, thẩm quyền thuộc về ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Trong khi nghị định chưa quy định cụ thể về việc chấp thuận cho tổ chức vòng thi hoặc cuộc thi. Do đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương áp dụng thi hành", bà Thúy trình bày trong báo cáo.

Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, Sở Văn hóa cũng gặp vướng mắc và khó thực hiện nếu không có hướng dẫn cụ thể.

Tháng 3/2021, Chính phủ ban hành nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Qua thời gian triển khai thực hiện, một số quy định trong nghị định 38 khó thực hiện.

Từ đó dẫn đến biến tướng trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp... khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát, cũng như ngăn chặn từ đầu.

h3-4801.jpeg
Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về thực tiễn quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn TP.HCM.

Từ đầu năm đến nay, hàng chục cuộc thi sắc đẹp trong nước được tổ chức. Tình trạng nhốn nháo, lộn xộn là điều không thể phủ nhận. Một số sân chơi lộ rõ chất lượng thí sinh yếu kém, khâu tổ chức nhỏ lẻ, chưa xứng với quy mô của một cuộc thi được gắn mác "hoa hậu".

Bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đã có lần nhấn mạnh cơ quan quản lý sẽ theo sát vấn đề liên quan, tăng cường công tác hậu kiểm.

Theo bà, Sở Văn hóa các tỉnh, thành phố cần linh hoạt hơn trong việc cấp phép, giám sát và hậu kiểm. "Chúng ta cũng nên nhìn nhận đa chiều về các cuộc thi sắc đẹp. Bên cạnh một số hạn chế, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các sân chơi này. Những cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, tôn vinh nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý các cuộc thi sắc đẹp chưa bao giờ đơn giản