Kết quả nghiên cứu của Tổ chức ActionAid VietNam và Bộ LĐTBXH công bố mới đây cho thấy phụ nữ làm việc nhà càng nhiều càng tỷ lệ thuận với nguy cơ họ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ).
Nghiên cứu trên cho thấy Việt Nam có 44 triệu phụ nữ, trong đó có 22 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động, thì gần như tất cả họ đều đang phải làm việc nhà. Nếu tính mỗi người làm 5 giờ công việc không được trả lương một ngày thì phụ nữ Việt Nam đang đóng góp tới 110 triệu giờ mỗi ngày cho gia đình và xã hội. Năm 2015, ước tính công việc không lương đóng góp tới 20% trong tổng GDP của Việt Nam (khoảng 41 tỷ USD, tương đương hơn 900.000 tỷ đồng).
Những công việc không lương này tốn nhiều thời gian, lặp lại và đôi khi là lao động nặng nhọc, khiến nhiều phụ nữ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình.
Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6.2016. Trung bình phụ nữ dành 5 giờ mỗi ngày để làm các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con… Thời gian làm việc nhà của phụ nữ nhiều hơn nam giới từ 2 - 2,5 giờ/ngày.
Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu phát triển xã hội năm 2007 cho thấy, hầu hết đàn ông thường chỉ làm hai việc không lương là thắp hương và đi họp hội làng. Trong việc chăm con, họ chỉ đi họp phụ huynh và chơi với con.
"Nếu việc chăm sóc không lương này không được công nhận, ngày càng nhiều phụ nữ sẽ lâm vào nghèo đói do có ít (không có) thời gian để chăm sóc bản thân, đi làm được trả lương hay học tập để mở mang kiến thức. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn cả những thế hệ sau", bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam chia sẻ.
Việc chị em bị đánh đập do không làm việc nhà hay mắng chửi do làm không tốt, không sạch, không thuận mắt chồng không phải là chuyện gì xa lạ. Trong khi đó, đấng mày râu thì chỉ chí thú vào làm việc xã hội, xong việc thì nhậu nhẹt, thể thao…
Bà Thảo cũng cho rằng, việc phụ nữ làm việc nhà quá nhiều khiến chị em bị cạn kiệt sức lực, nếu người chồng không sẻ chia, thấu hiểu rất có thể sẽ dẫn tới ức chế tâm lý, mâu thuẫn, cãi cọ… thậm chí là đánh nhau và bạo lực gia đình là việc tất yếu xảy ra.
Bà Khuất Thu Hồng -Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, đây chỉ là bước đầu của nghiên cứu, tuy nhiên các nghiên cứu tiếp theo sẽ phải chỉ ra đằng sau của câu chuyện làm việc không được trả lương này là gì? Trong nghiên cứu của ISDS cũng đã đề cập tới việc người phụ nữ phải làm những công việc không lương, điều này ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội trong việc làm, thu nhập, tham gia xã hội… của họ.
“Đàn ông có thể miệt thị, mắng chửi, thậm chí là bạo lực về thể xác bởi cho rằng người vợ không làm ra tiền thì phải phụ thuộc, phải nghe theo sự chỉ đạo của họ. Điều này có một mối liên hệ mật thiết với vấn đề quyền lực và bạo lực trong gia đình” – bà Hồng khẳng định.
Theo bà Hồng, phụ nữ làm các công việc không được trả lương trong gia đình cũng có thể làm gia tăng BLGĐ, phụ nữ phải dành nhiều thời gian làm việc nhà họ sẽ có ít thời gian làm việc ngoài xã hội, thu nhập sẽ ít hơn và đương nhiên vị thế của họ sẽ thấp hơn trong gia đình. Người đàn ông luôn cho rằng mình là người quyết định, cho nên bất cứ việc làm nào của phụ nữ không làm hài lòng đàn ông cũng có thể là cái cơ để họ bạo hành chị em phụ nữ.
Ông Phạm Ngọc Tiến-Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Khi những đóng góp của phụ nữ Việt Nam được ghi nhận rõ ràng, xã hội sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, tất yếu sẽ dẫn tới sự phân công và san sẻ công việc không lương một cách hài hòa, hợp lý hơn. Đây là một cách thức thiết thực để cải thiện thực trạng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ”.