Đây là một trong những nội dung mà dư luận quan tâm được nêu trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lấy ý kiến.
Thu thập dữ liệu dữ liệu cá nhân người có hành vi bạo lực gia đình
Theo dự thảo đang lấy ý kiến, Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) là tập hợp thông tin về nội dung quản lý nhà nước về PCBLGĐ được xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng thống nhất trên toàn quốc; được chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, xây dựng chính sách PCBLGĐ và nhu cầu tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, một trong những nội dung quan trọng được thu thập trong Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ là số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ); người bị BLGĐ, người có hành vi BLGĐ; các biện pháp ngăn chặn; biện pháp hỗ trợ người bị BLGĐ; biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ; nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ; Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về PCBLGĐ được thanh tra, kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật...
Nguồn thu thập dữ liệu về PCBLGĐ gồm: Dữ liệu về cá nhân là người Việt Nam có hành vi BLGĐ; bị BLGĐ... được thu thập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Cũng theo dự thảo, Dữ liệu thu thập thông qua biểu mẫu của phần mềm Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ sẽ được tiến hành đối với người Việt Nam và cả người nước ngoài.
Cụ thể, với người Việt Nam có hành vi BLGĐ dữ liệu thu thập gồm có: số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân; mối quan hệ với người bị bạo lực; hành vi BLGĐ đã thực hiện (ghi rõ từng hành vi); tình trạng sức khỏe tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi bạo lực (mô tả rõ); thái độ khi được yêu cầu chấm dứt hành vi BLGĐ; biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ; biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi BLGĐ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ;
Đối với người bị bạo lực gia đình dữ liệu thu thập gồm: số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân; hành vi bạo lực mà người bị BLGĐ phải chịu (ghi rõ từng hành vi bạo lực và người đã thực hiện hành vi bạo lực); tình trạng sức khỏe của người bị BLGĐ (tại thời điểm bị BLGĐ); các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ;
Đối với cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi BLGĐ dữ liệu thu thập gồm: số hộ chiếu; quốc tịch; tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, mối quan hệ với người bị bạo lực; hành vi BLGĐ đã thực hiện (ghi rõ từng hành vi); tình trạng sức khỏe tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi bạo lực (mô tả rõ); thái độ khi được yêu cầu chấm dứt hành vi BLGĐ; biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ; biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi BLGĐ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ;
Với người nước ngoài bị bạo lực gia đình dữ liệu thu thập gồm: số hộ chiếu; quốc tịch; tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, hành vi bạo lực mà người bị BLGĐ phải chịu (ghi rõ từng hành vi bạo lực và người đã thực hiện hành vi bạo lực); tình trạng sức khỏe của người bị BLGĐ (tại thời điểm bị BLGĐ); các biện pháp bảo 4 vệ, hỗ trợ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ.
"Dữ liệu quy định nói trên được thu thập từ hoạt động PCBLGĐ của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương thông qua biểu mẫu của phần mềm Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ do cơ quan thực hiện hoạt động nhập dữ liệu" theo dự thảo.
Được khai thác, sử dụng dữ liệu như thế nào?
Liên quan đến việc khai thác, sử dụng dữ liệu về PCBLGĐ, theo dự thảo: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu theo quy định được khai thác, sử dụng dữ liệu theo phạm vi quản lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin về BLGĐ theo quy định của pháp luật. "Mọi hành vi khai thác, sử dụng thông tin không đúng thẩm quyền là vi phạm quy định về bảo mật thông tin và phải được xử lý theo quy định của pháp luật", dự thảo nêu.
Ngoài ra, thông tin về bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ chỉ được sử dụng nội bộ để bảo vệ người bị BLGĐ và thành viên gia đình, xử lý người có hành vi BLGĐ; không được công bố dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được người bị BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ đồng ý bằng văn bản theo quy định của pháp luật về PCBLGĐ.
Cũng theo dự thảo đang lấy ý kiến, Dữ liệu về PCBLGĐ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTT&DL và cổng thông tin của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là thông tin có giá trị pháp lý, có chữ ký số của cơ quan khi trích xuất và có giá trị như văn bản giấy có xác nhận của cơ quan đó.
Trước đó, ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTT&DL chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình vào tháng 10 năm 2024.
Theo Bộ VHTT&DL, thực tiễn trong công tác PCBLGĐ vừa qua cho thấy, cơ sở dữ liệu là thông tin cung cấp bằng chứng thực tiễn phục vụ công tác quản lý nhà nước. Xác định việc tổ chức thu thập, thống kê chính xác các số liệu về PCBLGĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay việc thu thập thông tin về PCBLGĐ chưa được khách quan, chính xác, kịp thời và còn thiếu nguồn lực để thực hiện. Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ còn chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có sự kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là xuất phát từ nhiệm vụ được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao Chính phủ mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về công tác này.