Đầu xuân thăm “vương quốc dê”

Thanh Nhã| 22/02/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối chiều, đàn dê thong thả ăn lá rừng giữa những sườn núi dựng đứng, lọt thỏm vào hoang mạc và thảo nguyên loang lổ.

Khi vạt nắng phủ màu vàng như mật trên những tàn cây, bầy dê kéo nhau về trại. Không gian và cảnh vật ấy cứ tưởng chỉ có trong tiểu thuyết của Kim Dung với Hoàng Dung, Quách Tĩnh... ít ai ngờ rằng, nơi chúng tôi tới là một trang trại ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Trang trại đẹp như... phim kiếm hiệp

Phải mất đến hơn 70 phút từ xã Phước Nam, rồi vượt núi đồi, chúng tôi mới tới được trại dê của ông Phú Thanh Tâm, nơi có hơn 700 con dê nuôi tự nhiên trong môi trường bán sơn địa. Theo ông Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận, đây là một trong những trại dê có số lượng đàn lớn nhất tỉnh.

Đầu xuân thăm “vương quốc dê”

Ông Phú Thanh Tâm bên đàn dê của mình

Trang trại của ông Phú Thanh Tâm nằm vắt vẻo trên một sườn núi, có diện tích hơn 50ha. Cả bốn mùa, con suối cạn dòng, trơ từng thớ đá trắng, phơi mình cùng tán cây xanh. Chen vào đó là mái ngói đỏ của bốn ngôi nhà dung dị giữa núi rừng, tựa như nơi trú ngụ của những cao nhân lánh đời, ẩn tích chờ đến ngày đón một thiếu niên hào kiệt sa chân mà cứu giúp.

Đội thêm chiếc mũ rộng vành, đón đàn dê về trại, ông Phú Thanh Tâm giải thích: Bốn ngôi nhà này do ông bỏ tiền xây cho bốn hộ đồng bào Chăm vào ở, coi sóc đàn dê cho ông. Ngoài phần lương, ông còn cho họ thụ hưởng nguồn lợi từ phân dê và rẫy điều.

Tương đương với mỗi nóc nhà là một trại dê được đóng bằng gỗ, cao hơn mặt đất khoảng 1,5 mét để ban đêm dê ngủ, hoặc đẻ con. Người dân ở đây sống hòa vào tự nhiên, họ không cần xài điện, dù có bình ac quy. Anh Phú Văn Thụ, một người làm công của ông Tâm cho biết, anh ở đây đã hơn 15 năm. Nhu cầu chính để giao tiếp với bên ngoài là sạc điện thoại di động, ngoài ra, vợ chồng anh đã quen với đại ngàn.

Màu mây trắng, nắng vàng cùng tiếng reo lá của núi thẳm, rừng xanh, hoang mạc nơi trại dê đã giữ chân vợ chồng anh trước xô bồ phố thị.

Đường đến với vương quốc dê

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, hiếm ai nghĩ ông Phú Thanh Tâm là chủ một trại dê. Ông mặc áo thun thời trang, tay đeo đồng hồ Thụy Sỹ lại liên tục nói chuyện lịch sử, văn hóa, khoa học và đi dự hội thảo ở TP.HCM thường xuyên.

Thực ra, ngoài dáng vẻ là một doanh nhân đó, ông Phú Thanh Tâm cũng từng điêu đứng với đàn dê, trước khi có thành công như ngày nay.

Trước năm 1999, 50ha đất ở chiến khu 35 (CK 35) rẻ như cho và Nhà nước khuyến khích người dân không bỏ đất hoang. Ông bàn với vợ vào mua lại để làm rẫy. Hàng xóm biết chuyện ái ngại, sợ ông ném tiền vô ích vào mảnh đất mà một giọt nước cũng không có. Trong khi đó mưa ở xứ Ninh Thuận là một món quà xa xỉ của tự nhiên. Rừng thì mỗi năm chỉ xanh một mùa lá. Dưới chân người thì đá dày từng phiến. Không có nguồn nước không thể trồng cây hay nuôi dê.

Trăn trở nhiều đêm, ông tìm ra đáp án cho bài toán của mình: Khảo sát vị trí khoan giếng làm nước uống cho dê. Đàn dê sẽ ăn lá dưới thấp vào mùa có mưa, lá trên cao sẽ rụng khi già và đó là thức ăn cho dê vào mùa đông. Nghĩ xong, ông gom tiền mua 19 con dê rồi dắt díu cả người và gia súc vào núi.

Âm thầm nuôi, chăn thả ròng rã 5 năm dài, đến một ngày đầu năm 2004, cả huyện rồi tỉnh ngỡ ngàng khi đàn dê của ông hơn 400 con dê lớn nhỏ. Ông Phú Thanh Tâm, một người nông dân Chăm trở nên nổi tiếng như một điển hình về sản xuất giỏi.

Thế rồi, sự đời không như mong đợi, biến cố cứ lởn vởn trên đầu, rình rập người hiền. Chưa kịp xuất chuồng đàn dê, vì hy vọng có thể tăng thêm đàn trong thời điểm dê cao giá, thời điểm 2004 lên đến gần 20 triệu đồng thì cả đàn mắc bệnh sởi chết la liệt. 400 con dê lần lượt chết, đem theo khối tài sản tiền tỷ bốc nhanh như hơi nước xuống vùng khô nắng cháy Ninh Thuận. Thứ bệnh sởi quái ác trên dê không có cách đặc trị vùi dập ông xuống bùn trở lại.

Ngồi thẫn thờ giữa đàn dê, ông Tâm khóc thành từng tiếng. Cha ông khuyên bán hết 60 con dê còn lại để vớt vát. Sau cái điếng người, ông Tâm hồi tỉnh.

“Lúc đó tôi nghĩ, chỉ với 19 con trước đây, tôi còn gầy được một đàn. Bây giờ có 60 con, lẽ nào mình không làm lại được. Tôi mò mẫm tìm đến các nhà khoa học rồi tự tìm cách xử lí dịch bệnh. Việc tiêm ngừa, dựng chuồng trại trên cao, vệ sinh kĩ càng đã giúp tôi hồi sinh đàn dê nhanh chóng. Ngay cả bệnh sót nhau trên dê cái lúc đẻ làm chết rất nhiều cũng đã được ông khắc phục bằng một bí quyết riêng, nhưng giờ thì kinh nghiệm đó đã thành đại trà cho bà con”. Ông Tâm cho biết.

Theo ông Tâm, dê cái sót nhau là thường xuyên. Đẻ sót nhau, con dê chỉ có đường chết. Sau nhiều lần phải ngậm đắng nuốt cay, ăn thịt dê chết, ông Tâm pha thuốc sát khuẩn vào nước, đeo bao tay rồi xịt súc trong tử cung dê. Cùng lúc, dùng bàn tay thọc vào cơ thể dê lấy nhau thừa ra. Kỹ thuật này rất đơn giản và tiết kiệm nhưng đem lại cho ông sự nổi tiếng đến mức một tập đoàn chăn nuôi nước ngoài mời ông dự hội thảo truyền đạt kinh nghiệm cho bà con.

Hiểu dê như…vợ

Giờ thì ông Phú Thanh Tâm rất thảnh thơi, dù đàn dê của ông đến 700 con với bốn trại lớn. Chia sẻ bí quyết của mình, ông Tâm kể, cứ 100 con dê thì cho 3 triệu đồng tiền phân mỗi tháng. Như vậy, 700 con dê thì bốn hộ làm thuê cho ông thụ hưởng được 21 triệu đồng. Ngoài ra, với hàng chục ha điều, ông cũng giao cho đồng bào chăm sóc rồi bao tiêu lại sản phẩm. Cộng với tiền lương hằng tháng, các hộ dân có cuộc sống ổn định.

Chị Châu Thị Phi, một người làm thuê cho ông Tâm cho biết, chị có nhà ở dưới huyện nhưng giao lại cho các con ở. Chị và chồng lên rẫy chăn dê, bán phân, trồng điều và nuôi gà. Dê sống theo đàn, nên chúng tự ăn rồi tự về trại ngủ nên không mấy vất vả. Nhờ thu nhập với rẫy vườn từ công việc làm thuê, các con chị học tới đại học.

Nhớ lại quãng gian khó trong đời mình, ông Tâm chia sẻ thêm, ông là người Chăm nhưng lấy vợ người Kinh. Theo tục lệ, ông chăm sóc luôn gia đình bên vợ. Điều hạnh phúc lớn nhất của ông bây giờ là các con nên người, vợ lúc nào cũng bên cạnh chia sẻ khó khăn, cũng như thành công.

Mỗi năm, ông bán đi khoảng 300 con dê, thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đàn bò khoảng 200 con cũng là một nguồn thu nhập lớn. Ông không nuôi cừu như dân địa phương vì cừu ăn cỏ, tranh giành nguồn thức ăn với bò. Nói chuyện vui về dê, ông Tâm cười hiền: “Con dê là “sư phụ” về khoản tình ái! Nên những câu chuyện huyền sử về nó là có thật chứ không đùa”.

Chờ cái nhíu mày ngạc nhiên trên mắt khách, ông tiếp: Con dê từ lúc đẻ đến khi động dục khoảng 3 tháng, trọng lượng lúc này khoảng 20kg. Dê sống bầy đàn, nên mỗi đàn chỉ cần một con dê đực cho khoảng 50 con dê cái. Dê đực có thể “làm tình” một ngày 50 lần, nhưng con cái cũng có nhu cầu như vậy.

Mỗi khi tới mùa động dục, dê cái kêu lên rồi chạy đi tìm dê đực. Đẻ được vài ngày là dê cái chịu đực tiếp.

“Con dê coi vậy mà khôn. Dê đực chỉ tìm đến con dê cái mà nó chưa “rèo” thôi. “Em” nào rèo rồi thì nó... từ chối. Đó là lý do mà một ký thịt dê hơi chỉ có 100 ngàn đồng, nhưng bộ “ngọc dương” xíu xiu lên đến 250 ngàn đồng.

Bây giờ thì dê pê đê rất có giá vì con dê đồng tính, không biết “xuất” đi đâu nên nó hấp thụ tinh khí đất trời rồi đem chuyển vào người dùng”, ông Tâm nói.

Rồi ông Tâm trầm ngâm, hiện nay phần lớn bà con nông dân không chịu được rủi ro, không đột phá trong suy nghĩ và vẫn còn mang tư tưởng thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Làm nông nghiệp với tập quán này cứ manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên giá trị vật chất chưa cao.

“Tôi yêu đàn dê của mình lắm! Chưa bao giờ ăn thịt chúng. Đôi khi thèm thịt dê thì tôi chạy vào Sài Gòn ăn cho đã”. Ông Tâm thiệt thà cười, xoa tay lên lưng một con dê con đang phe phẩy đôi tai như chiếc quạt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu xuân thăm “vương quốc dê”