Phiên tòa đặc biệt giữa chiến trường Điện Biên

Nguyên Minh| 13/09/2016 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tòa án binh mặt trận họp lúc nửa đêm. Bản án được thi hành nghiêm khắc và được công bố rộng rãi, đăng tải gần hết một trang báo của tờ báo xuất bản tại mặt trận.

Nhưng điều thú vị là sau đó công tác thi hành án khá nhân văn, những người lính quân y bị tuyên án tiếp tục được làm công việc cứu chữa bộ đội. Bản án có phần nghiêm khắc dành cho họ cũng là để đáp ứng yêu cầu giáo dục, xây dựng kỷ luật thép cho bộ đội trong một chiến dịch lịch sử…

Xét xử và đăng báo công khai

Hà Nội những ngày giữa thu dịu mát, chúng tôi tìm đến con ngõ nhỏ trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội gặp nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân, người đã có mặt nhiều tháng trời trên chiến trường Điện Biên Phủ. Cha đẻ của ông là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), sau Cách mạng tháng Tám được Bác Hồ phong cấp Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh án Toà án Quân sự miền Nam.

Ký ức rực lửa của những ngày làm phóng viên chiến trường của ông đưa chúng tôi về với những câu chuyện đặc biệt, về tâm thế của người lính cầm súng trên chiến trường. Trong đó, có những câu chuyện về các phiên tòa đã được xét xử ngay trên chiến trường dầu sôi lửa bỏng. Ông cùng chúng tôi lần giở 33 số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ. Hơn 60 năm trôi qua, dưới những dòng chữ đã ố vàng màu thời gian, câu chuyện về Tòa án binh Mặt trận hiện lên mồn một.

Phiên tòa đặc biệt giữa chiến trường Điện Biên

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng trao đổi với tác giả 

Ngày 11/4/1954, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng Thông báo kỷ luật (số 3) ngay dưới phần Thông báo khen thưởng. Trong Thông báo này cho biết, lần đầu tiên có một Tiểu đoàn trưởng bị đưa ra Tòa án binh, bị khai trừ đảng tịch, quân tịch vì đã “dao động không chấp hành mệnh lệnh trong khi gặp khó khăn ở đồi A, tự ý bỏ bộ đội, chạy về phía sau trốn nhiệm vụ, không xứng đáng là một quân nhân cách mạng”.

Chưa đầy một tuần sau, Báo Quân đội nhân dân trên trang 2 số ra ngày 16/4/1954 đăng “Thông báo của Tòa án binh mặt trận”. Đây cũng là lần đầu tiên có một bản tin thông báo của Tòa án binh. Qua bản tin đã thể hiện rất rõ công tác xét xử và tính nghiêm minh của Tòa án binh tại mặt trận.

Thông báo viết: “Ngày 11/4/1954, Tòa án binh mặt trận đã họp xử vụ V.V.K, cán bộ tiểu đoàn vi phạm kỷ luật chiến trường. Sau khi nghe một số cán bộ và chiến sĩ căm phẫn đề nghị Tòa xử tử hình, ông Chánh án kết luận và tuyên án:

“Sau khi xét kỹ lại lời buộc tội của ông công tố, lời tố cáo của các bộ tham dự trận 11/4 và lời khai của V.V.K, Tòa án binh nhận thấy V.V.K đã phạm các tội sau đây:

Bỏ nhiệm vụ tác chiến, không thi hành mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng, tự ý rút lui trước địch trong khi đang chiến đấu; Hoang báo tình hình làm khó khăn cho sự chỉ đạo của cấp trên; Không chấp hành mệnh lệnh của Chính ủy Trung đoàn, không trực tiếp lên mặt trận gặp Trung đoàn trưởng để chuyển lại nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến.

Như vậy, V.V.K đã kháng mệnh lệnh trên, đã bỏ trốn nhiệm vụ, tự ý rút lui trước địch khi đơn vị đang tác chiến. Do đó đã làm tổn hại đến xương máu của chiến sĩ và ảnh hưởng đến thắng lợi của trận đánh. V.V.K đã vi phạm kỷ luật chiến trường rất nặng, không những không xứng đáng là một cán bộ mà còn không xứng đáng là một quân nhân của quân đội cách mạng chúng ta.

Tội trạng của V.V.K theo sắc lệnh của Chính phủ và kỷ luật của Quân đội phải xử tử. Nhưng xét là lần đầu tiên phạm tội và cũng là lần đầu tiên Tòa án binh xử tội phạm kỷ luật chiến trường nên Tòa khoan hồng cho tội chết và tuyên án 10 năm tù, khai trừ khỏi quân tịch để làm gương cho toàn quân”.

Phiên tòa lúc nửa đêm

Nhưng có lẽ “chấn động” hơn cả phải kể đến phiên tòa xét xử lúc nửa đêm về vi phạm của một trạm vận chuyển thương binh. Số báo in ngày 19/4/1954, trên trang 2 Báo Quân đội nhân dân đã đăng tải bài viết với 7 nội dung vi phạm của một số cán bộ, chiến sĩ. Báo cũng đăng Thông cáo số 3 của Toà án binh Mặt trận và bài tường thuật dài gần kín trang nhất với 11 dòng tít lớn: “Vì không chấp hành 5 điều kỷ luật chiến trường, không triệt để thi hành chỉ thị, mệnh lệnh của thượng cấp; Vì thiếu tinh thần phụ trách trước binh sĩ;  Vì phạm chính sách thương binh; Toàn thể nhân viên quân y trong trạm tải thương đã bị truy tố trước Tòa án binh Mặt trận; Tòa án binh nghiêm khắc xử phạt: Tước quân tịch, phạt tù 2 cán bộ tiểu đoàn và đại đội; Tha tội cho một số nhân viên quân y khác; Bộ Tổng tư lệnh cảnh cáo: Ban chỉ huy cung cấp vì thiếu trách nhiệm trong việc nói trên”.

Nội dung bài tường thuật viết: “Sau việc thi hành kỷ luật V.V.K vừa qua, vụ án nhân viên quân y tổng trạm tải thương mới đây có một ý nghĩa giáo dục rất quan trọng đối với chúng ta…

Phiên tòa đặc biệt giữa chiến trường Điện Biên

Đại tá Phạm Phú Bằng trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ

Quân đội nhân dân của chúng ta là một quân đội có kỷ luật sắt và tự giác. Nó sở dĩ rất mạnh chính vì nó đã chấp hành và bảo vệ triệt để những chính sách bênh vực quyền lợi của quần chúng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, cho nên nó được quần chúng ủng hộ nhiệt liệt.

Những đối xử không tốt của các can phạm đối với thương binh đã chống lại chính sách của Chính phủ.

Theo bản án, các can phạm không chăm sóc đầy đủ các đồng chí thương binh, không bảo đảm được việc điều trị và hộ lý cho thương binh đã làm yếu lực lượng chiến đấu, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của bộ đội tại tiền tuyến và của các đồng chí thương binh sau này.

Trước Tòa án, các can phạm có nhận lỗi, nhưng còn vin vào những lý do khác nhau như thiếu phương tiện và tổ chức còn mới mẻ. Thực ra những khó khăn khách quan đó chỉ là phụ. Nếu có tinh thần trách nhiệm cao thì những khó khăn ấy đều khắc phục được hết...".

Nội dung Thông cáo của Tòa án binh Mặt trận được đăng tải lần này không chung chung mà nêu rõ tên các cán bộ vi phạm:

“Căn cứ vào quyết định của Ban Kiểm tra chính sách thương binh tử sĩ của Bộ Tổng tư lệnh, Tòa án binh Mặt trận đã họp đêm 17/4/1954 tại Tổng trạm vận chuyển thương binh của Cục Quân y, xử 2 can phạm:

1. Ngô Thanh, cán bộ Tiểu đoàn, Đội trưởng Tổng trạm tải thương.

2. Hoàng Long, cán bộ Đại đội hiện làm Chính trị viên Phó Tổng trạm tải thương.

… Tòa tuyên án phạt:

1. Ngô Thanh, khai trừ quân tịch, 2 năm tù.

2. Hoàng Long, khai trừ quân tịch, 1 năm tù”.

Người trong cuộc nói gì?

Một trong những nhân chứng của phiên tòa xét xử các cán bộ quân y nay còn sống là Đại tá - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. Bà cho biết, phiên tòa năm ấy mang bí số T59, diễn ra trong bối cảnh “cực chẳng đã”. Bà tâm sự: “Giữa chiến trường khói lửa khốc liệt năm ấy, thương binh chuyển về nhiều, các y bác sĩ cũng tướt bơ, mệt phờ, thậm chí mổ liền tù tì 9, 10 ngày không nghỉ để lo cho thương binh. Ấy vậy, đã có những “chiến sĩ áo trắng” xả thân vì đồng đội, nhưng do những hiểu lầm của hoàn cảnh đã bị đem ra xử”.

Bà Toản nguyên là sinh viên y khoa khóa 52 của Trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện xung phong ra trận, được điều về Tổng trạm chuyển thương. Sau khi vào đội điều trị chia làm 3 khu, đặt dưới hầm, bà được cử tham gia vào Tổng trạm chuyển thương đón thương binh bắt đầu từ ngày 13/3/1954. Nhiệm vụ của trạm là phân loại thương binh trước và dọn chỗ cho các đợt thương binh mới chuyển từ chiến trường vào.  “Chiến dịch nổ ra, thương binh về dồn dập, đã có lúc tôi đứng liền tù tì 9-10 ngày để phụ mổ cho hai đồng chí bác sĩ là Trạm trưởng và Trạm phó. Tay thì mổ, chân thì bị ruồi vàng đốt sưng vù nhưng chúng tôi không hề kêu ca, luôn hết mình vì nhiệm vụ” - bà bồi hồi kể lại. Bà vừa băng bó cho thương binh, vừa động viên bộ đội và còn đọc thơ, hát cho thương binh vơi đi cơn đau đớn từ các vết thương. 

Về nguyên nhân gây ra cái gọi là vi phạm chính sách thương binh, theo bà Toản, do đường chuyển thương binh bị đánh bom, lại gặp một cơn mưa lớn khiến trạm chuyển thương  bị dồn ứ. Thương binh nằm la liệt, thiếu thuốc, thiếu chỗ nằm, thiếu cả thức ăn, lại bị mưa ướt. Trước thực trạng đó, nhiều thương binh đã thắc mắc lên trên. Một đoàn kiểm tra về làm việc song cũng không gặp Trạm trưởng, Trạm phó vì họ còn đang đi lo tìm xe cộ vận chuyển thương binh. Ức chế đó cộng với việc nhìn thấy hàng trăm thương binh nằm la liệt, rên la, chửi bới đã khiến đoàn kiểm tra thêm bức xúc và kiến nghị phải đưa sự việc ra Tòa án binh xét xử. Bà Toản, với tư cách là người phụ trách chuyên môn cũng bị triệu tập tại phiên tòa.

“Tôi đang mải cứu chữa thương binh, một tay giữ thương binh để họ không quẫy đạp, một tay chuẩn bị thuốc tiêm thì bị gọi lên xét hỏi. Bực quá, tôi đã gắt lên. Tòa hỏi tôi: Cô có biết trách nhiệm của mình với thương binh không? Tôi trả lời: Tôi biết chứ, tại sao lại không!”.

Bà trình bày trước Tòa, nhiệm vụ của trạm chỉ là phân loại, chọn lọc thương binh. Trạm bị ùn ứ, thuốc không đủ, bà và mọi người đã cố gắng hết sức, cùng lao vào cứu chữa thương binh. Nhiều người đã mấy ngày nay còn không kịp ăn một bữa. Toà kết luận bà không có khuyết điểm, song cần cố gắng thêm và nhắc nhở bà thái độ thiếu bình tĩnh trước Toà.

Nhưng hai đồng chí Trạm trưởng và Trạm phó thì bị xử phạt nghiêm khắc. Họ rất nỗ lực, suốt ngày trong phòng mổ nhưng nhiều thương binh lại không biết công việc vất vả thực sự của họ. Thậm chí mải làm quá, mấy ngày họ mới được ăn cơm thì lại bị thương binh phản ánh ăn cơm trước thương binh. Thương binh đâu biết đó là bữa muộn của ngày hôm trước. Tòa xử họ bị tước quân tịch, đảng tịch, bị đuổi về trạm tạm giữ tuyến sau. Thương cấp trên, bà Toản phản ứng gay gắt và bật khóc trước Tòa. Người phụ trách chính trị của trạm khuyên bà: “Đây là vấn đề căng thẳng của chiến trường, cô chưa hiểu đâu!”.

Hai người bị Tòa xử đều xin xung phong ra chiến trường, nhưng không được chấp nhận. Họ bị giải về tuyến sau cùng với tù hàng binh.

Song điều may mắn nhất là nhiều năm sau đó, bà Toản đã gặp lại hai người thủ trưởng bị “oan thị Kính” của mình. Ông Hoàng Long (Trạm phó) đã được điều về làm cán bộ chính trị ở Viện 108. Ông Ngô Thanh  (Trạm trưởng) đã về Tiểu đoàn vận tải, là Đảng ủy viên Tiểu đoàn.

Phía sau bản án là tình yêu thương

Đại tá Phạm Phú Bằng cho biết, các phiên tòa xét xử giữa chiến trường không nhiều, bởi lúc đó quân đội ta muôn người như một đều đoàn kết, quyết tâm xả thân chiến đấu. Chỉ có một vài hiện tượng hy hữu vi phạm phải đưa ra xét xử. Những bản án thật ra mang tính răn đe, giáo dục và để xốc lại kỷ luật sắt trước một trận quyết chiến chiến lược. Đằng sau mỗi bản án là tình yêu thương cán bộ, chiến sĩ của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Đại tá, PGS. TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận xét: Là một vị tướng bao dung, độ lượng và dễ gần, song Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại là người cực kỳ nghiêm khắc trong công việc. Tại cuộc họp kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong Đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã thẳng thắn: “Các đồng chí có xót xa không khi bao nhiêu đồng chí của mình ngã xuống mà trận đánh không thành công do thiếu sót của lãnh đạo và chỉ huy?”. Nói xong, ông lấy khăn ra lau nước mắt. Lời phê bình nghiêm khắc nhưng chân thành và thắm đượm tình cảm của vị chỉ huy cao nhất ấy đã làm cho những cán bộ có mặt cảm thấy thấm thía, nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm nặng nề của mình, một số người tỏ ra ân hận vì những sai lầm, khuyết điểm do mình gây nên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên tòa đặc biệt giữa chiến trường Điện Biên