Sau khi ăn cua biển 2 ngày, bé T.N.S. (8 tuổi, ngụ Kiên Giang) phát sẩn ban khắp người, sau đó loét rộp miệng, sưng môi.
Sau khi khám uống các kháng dị ứng tại địa phương không đỡ, môi và niêm mạc miệng bé bắt đầu loét rộp lên vào ngày sau đó.
Một ngày sau, hốc mũi, cơ quan sinh dục bệnh nhi bắt đầu loét. Được kết luận bị hội chứng Steven Johnson (hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc, bóc tách), em được làm thủ tục chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, S. loét sưng nề khắp các lỗ tự nhiên trên cơ thể (như môi, mũi, hốc tai, vùng kín, hõm nách, bẹn...). Bệnh nhi cũng trong tình trạng thở mệt và nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết toàn thân.
Ê-kíp điều trị cho bệnh nhi thở máy, dùng kháng sinh, tiêm globulin miễn dịch và chăm sóc da, niêm mạc, mắt, bộ phận sinh dục với chế độ vô trùng tuyệt đối.
Bé bị phát ban nổi mụn ngứa khắp người khiến bé không ngủ được; bị viêm kết mạc mắt gây giảm thị lực, màng kéo không mở nổi mắt.
Bên cạnh đó, việc sưng loét môi miệng khiến bé không thể ăn uống được, phải truyền cháo, sữa bằng ống sonde dạ dày ngày 6 cữ đều đặn. Tình trạng loét hốc mũi gây khó thở cho bé do dịch loét bị khô cứng lại. Hai môi và hai mắt bé dính vào nhau gây khó vệ sinh.
Nhờ phác đồ điều trị hiệu quả, các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã từng bước khống chế nhiễm trùng cho bệnh nhi. Đặc biệt, cải thiện dần chức năng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác.
Đến tối 14/5, bé đã tự thở; miệng đã không còn nguy cơ dính môi. Tự bé đã có thể xúc ăn… Đây là tiến triển được coi là ngoạn mục.
Qua trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo, mặc dù hội chứng Steven Johnson tỉ lệ mắc ít trẻ em đều có thể mắc phải. Do đó các bậc phụ huynh cần hết sức thận trọng khi con bị dị ứng thuốc hay thực phẩm. Nếu có biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hội chứng Steven Johnson rất hiếm gặp, tỷ lệ 2/1.000.000 người nhưng tới 5-30% ca tử vong tùy mức độ tổn thương.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là lở loét ở các lỗ tự nhiên của cơ thể như mắt, mũi, miệng, họng, đường tiểu… Nữ giới có thể loét âm hộ, chảy máu. Với nam giới, ngoài những vị trí thông thường, người bệnh còn có thể bị loét ở vị trí đường tiểu, gây rát, buốt khi đi tiểu. Những trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tới hô hấp, thần kinh.