Nước mắt của người mẹ có con là kẻ sát nhân

Quỳnh Lâm| 08/06/2014 17:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong người có men rượu, Lắm ném đá gây sự với Long Em, anh Lộc, cán bộ xã, đi ngang qua, nghĩ anh Lộc sẽ gây nguy hiểm cho mình, Lắm dùng dao đâm một nhát thấu ngực dẫn đến anh Lộc tử vong.

Mức án chung thân cho Lắm đã được tuyên nhưng phía gia đình bị hại không đồng ý viết đơn kháng cáo, đòi “mạng đổi mạng”.

Án mạng không đáng có

Khoảng 20h ngày 18/10/2013, tại nhà bà Trần Thị Kim Huệ (ấp Bình Thuận, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) có tổ chức uống rượu gồm Nguyễn Công Hậu (con bà Huệ), Trần Ngọc Sang, Nguyễn Tấn Đạt, Võ Minh Điền, Võ Minh Tâm và Nguyễn Hoàng Lam. Khoảng 30 phút sau, có thêm Trần Văn Lắm, Võ Văn Khánh, Cao Hoàng Lượng và Lâm Minh Tú đến cùng uống rượu với nhau.

Nước mắt của người mẹ có con là kẻ sát nhân

Lắm đứng nghe tuyên án

Khoảng 22h cùng ngày, một số người ra về, chỉ còn Lắm (21 tuổi), Lượng, Khánh và Tú ngồi nhậu tiếp. Chừng một tiếng sau, Tú không uống rượu nữa bỏ ra đứng ở phía trước nhà bà Huệ. Lúc này, Ngô Hữu Lộc, Phạm Thanh Hùng và Lê Thanh Long Em, mỗi người điều khiển một xe mô tô trên hương lộ 11 theo hướng từ UBND xã Tân Thanh về UBND xã Tân Hào. Hùng chạy trước, Lộc chạy liền kề với Hùng, Long Em chạy sau cùng.

Khi Long Em chạy ngang qua nhà của bà Huệ thì bị Tú dùng đá ném. Long Em cho xe quay trở lại phía trước nhà bà Huệ hỏi: “Ai chọi đá?”. Tú xông ra để đánh Long Em còn Lắm thì cầm dao đi ra. Thấy vậy, Long Em bỏ xe mô tô tại chỗ chạy bộ hướng UBND xã Tân Thanh. Lúc này, Lộc dừng lại dựng xe cách nhà của bà Huệ khoảng hơn 20m, đi bộ về hướng nhà bà Huệ và lấy điện thoại di động ra gọi.

Khi Lộc đến gần tới nơi Lắm đứng, Lắm cầm dao Thái Lan trên tay đến đâm Lộc một nhát vào ngực. Lúc này, Đỗ Quang Phước (SN 1988, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đang điều khiển xe mô tô hướng từ UBND xã Tân Hào chạy đến gặp Hùng. Hùng nói với Phước là Hùng cùng Lộc, Long Em đi chơi về. Lộc và Long Em chạy phía sau nhưng chưa thấy chạy lên. Hùng rủ Phước quay lại xem Lộc và Long Em đến đâu.

Nước mắt của người mẹ có con là kẻ sát nhân

Lắm được viện dẫn sau phiên tòa

Khi quay lại, Hùng và Phước nhìn thấy Lộc đang ngồi trên xe dựng bên lề đường, tay ôm ngực, Hùng và Phước dừng lại dựng xe, đi bộ về phía Lộc thì Hùng bị Lắm dùng dao đâm trúng vào vai phải một nhát. Hùng và Phước bỏ chạy bộ về hướng UBND xã Tân Hào.

Sau đó, Lắm chạy ra phía hàng rào sau nhà bà Huệ làm rơi con dao. Lắm tiếp tục tẩu thoát về hướng UBND xã Tân Hào và gặp Cao Hoàng Lượng, Lắm nhờ Lượng chở Lắm đến TP. Bến Tre. Khi đến TP. Bến Tre, Lắm liên lạc với Huỳnh Trung Tính (SN 1987, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) để đưa Lắm đến nhà nghỉ An Bình thuộc xã Bình Phú, TP. Bến Tre để thuê phòng ngủ. Đến khoảng 3h30 ngày 19/10/2013, Lắm bị cơ quan CSĐT công an tỉnh Bến Tre bắt giữ. Riêng Lộc được Hùng, Phước và Long Em đưa đến bệnh viện huyện Giồng Trôm cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi nhập viện.

Trước đây, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Lắm mức án chung thân về tội “Giết người”. Trong thời gian luật định, Lắm không kháng cáo xin giảm án nhưng phía gia đình anh Lộc viết đơn kháng cáo theo hướng tăng hình phạt. Mới đây, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm.

Đứng trước vành móng ngựa, Lắm cho biết không quen biết và không có mâu thuẫn gì đối với anh Lộc. Khi Long Em đến hỏi thì bị cáo cầm dao đi đến nên Long Em bỏ chạy. Lúc này, bị cáo thấy anh Lộc đi về hướng mình, nghĩ anh Lộc sẽ gây bất lợi cho mình nên cầm dao Thái Lan đâm một nhát trúng vào ngực rồi rút dao ra. Lúc này, anh Hùng vừa đi đến thì bị cáo dùng dao đâm trúng một cái vào vai phải rồi bỏ chạy thoát và làm mất con dao không biết ở đâu. “Mọi chuyện xảy ra nằm ngoài ý muốn, bị cáo không hề có ý định sát hại bất kỳ ai. Bị cáo biết mình sai nhưng xin được có cơ hội sống, sau một khoảng thời gian cải tạo trở về làm lại cuộc đời, chuộc lỗi”, gã nói.

Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Lắm là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sống của con người. Hành vi và hậu quả mà bị cáo gây ra không những xâm phạm đến tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ mà còn gây ra cảnh mất mát đau thương cho gia đình người bị hại không gì bù đắp đươc, gây bất bình, phẫn nộ trong nhân dân, gây mất trật tự an toàn xã hội. Mặc dù vậy, mức án chung thân là đúng người, đúng tội. Phía gia đình bị hại yêu cầu tăng hình phạt nhưng không đưa ra được tình tiết nào mới nên bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Nước mắt người mẹ

Gặp PV, chị Huỳnh Thị Tuyết Th. (SN 1969) tâm sự: “Con dại cái mang. Tôi biết, Lắm phạm tội tày đình như ngày hôm nay một phần không nhỏ là do tôi”. Chị kể, lúc còn con gái, thấy cha của Lắm đẹp trai nên yêu. Thuở đó, không cần suy nghĩ gì, yêu là yêu thôi. Cha mẹ chị không đồng ý với mối tình này vì cha Lắm chạy xe ôm thường say xỉn. Tuy nhiên, với người con gái đang yêu, những điều ấy chẳng là gì. Chị bỏ mặc mọi lời khuyên răn của cha mẹ, với quyết tâm sống trọn đời cho tình yêu của mình. Cuối cùng, chị và anh cũng tiến đến hôn nhân.

Vợ chồng chị sống với nhau khá hạnh phúc. Đầu năm cưới, cuối năm chị sinh hạ một cô bé. Chỉ vài năm sau, chị mang thai và sinh ra Lắm. Được mỗi mụn con trai, chị yêu, chị thương nhiều vô hạn. Đối với chị, hai đứa con chính là cuộc sống của mình. Trong khoảng thời gian này, chị ở nhà chăm con, còn chồng đi chạy xe ôm. Mỗi đêm, chị nấu cơm, ngóng chồng cùng về ăn. Đối với người phụ nữ, chẳng có gì tốt bằng chồng con vui vẻ, sum vầy.

Khi Lắm được 5 tuổi, chị chết lặng khi chồng cho biết: “Anh lỡ chơi bời và mắc cơn bệnh thế kỷ”. Hôm đó, chị chỉ biết khóc. Nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt. Chị không biết phải đối mặt với chuyện này thế nào. Suy đi, tính lại, chị lấy hết bình tĩnh khuyên chồng: “Chuyện gì cũng có thể giải quyết được”. Anh cũng ậm ừ nhưng sau đó không lâu uống thuốc sâu tự tử. Đám tang chồng, chị không còn nước mắt để khóc.

Không còn chồng, chị trở thành trụ cột của gia đình. Hằng ngày, chị gửi hai con cho mẹ ruột để đi bán vé số. Ở miệt vườn Bến Tre, vé số bán được chẳng bao nhiêu, tiền lời không nuôi sống nổi ba mẹ con. Chị cắn răng, gửi hai con cho cha mẹ, một mình lặn lội lên TP.HCM mưu sinh, mỗi tháng đều đặn gửi tiền về nuôi con. Chị luôn mong, hai con lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt.

Người con đầu vừa đủ tuổi trưởng thành đã đi làm công nhân rồi lấy chồng. Chị tạm yên tâm đối với cô con gái và chỉ còn lo lắng cho Lắm. Ở quê, dù ông bà ngoại nghèo khổ nhưng vẫn tích cóp cho gã ăn học đàng hoàng. Thế nhưng, gã thích chơi bời, tụ tập với đám bạn xấu nên khi lên lớp bảy thì nằng nặc đòi nghỉ. Ông bà ngoại khuyên nhủ mãi nhưng gã vẫn không chịu nghe lời.

Nghỉ học, Lắm không ở nhà phụ giúp ông bà ngoại. Thay vào đó, gã tụ tập với bạn bè. Chị Th. nghe cha mẹ kể vội vàng về quê đón con lên TP.HCM xin cho đi học nghề. Ở thành phố đô hội, Lắm không lo học nghề mà thường nghỉ để đi chơi với đám bạn mới quen. Chị Th. biết được điều này, nhỏ to tâm sự khuyên nhủ nhưng vẫn bất lực. Sau một thời gian ăn chơi sa đọa, Lắm trở về quê sống với ông bà ngoại. Điều đáng nói, gã “bê” nguyên cách sống học được ở Sài Gòn để đối xử với mọi người.

Chị Th. biết con trai của mình hư hỏng nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện gã gây ra chuyện tày đình là sát hại người khác. Khi hay tin, chị chết lặng, nước mắt lại rơi. Chị lo lắng vô cùng nhưng bất lực. Chị Th. cho hay, khi vụ án xảy ra, mẹ chị thương cháu nên vay mượn khắp nơi được 10 triệu với hy vọng sang nhà anh Lộc để chia sẻ nỗi buồn. Tuy nhiên, phía gia đình Lộc không nhận và cho biết sẽ gặp nhau tại Tòa án.

Niềm vui le lói

Trong thâm tâm chị Th. vẫn hy vọng Lắm có cơ hội sống để làm lại cuộc đời. Ở tòa sơ thẩm, khi nghe tin Lắm bị tuyên chung thân chị vừa mừng vừa lo. Mừng bởi Lắm vẫn có cơ hội trở về. Lo là không biết, trong quá trình thụ án, con trai có làm tốt để nhận được sự khoan hồng của pháp luật không. Và sau đó không lâu, chị chết lặng khi nhận được thông tin phía gia đình bị hại kháng cáo yêu cầu tử hình Lắm. “Giờ, Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo, tuyên y án chung thân, tôi cảm thấy cũng mừng”, chị Th. nghẹn ngào chia sẻ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt của người mẹ có con là kẻ sát nhân