ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể hiện khá toàn diện yêu cầu cải cách tư pháp

Cao Tỉnh - Tống Toàn (thực hiện)| 09/06/2014 07:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ý kiến nhận xét của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), được Quốc hội đưa ra thảo luận ngày 3/6 vừa qua.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thanh Hồng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công lý về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

 

PV: Ông nhận xét gì về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này?

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng: Tôi thấy dự thảo luật trình ra trước Quốc hội đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI; cụ thể hóa các các quy định của Hiến pháp 2013 và kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tổ chức TAND và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002; đồng thời tham khảo, có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, về chế định Thẩm phán. Chính vì vậy, dự thảo Luật đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; bảo đảm được tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và khắc phục được những hạn chế, bất cập của luật hiện hành. 

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể hiện khá toàn diện yêu cầu cải cách tư pháp

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng

 

Cuối cùng, rõ nhất là dự thảo Luật đã được Ban soạn thảo tiến hành đồng bộ với việc đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của VKSND, Cơ quan điều tra; bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án. Điểm mới nhất của dự thảo Luật là việc quy định TAND được tổ chức thành bốn cấp. Theo tôi, đây là điểm tiến bộ của dự thảo Luật.

 

PV: Ông có thể đánh giá một cách khái quát về sự tiến bộ của dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khi xác lập tổ chức Tòa án thành bốn cấp như ông đã nêu?

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được xây dựng theo tinh thần nhất thể hóa Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002. Trên cơ sở cụ thể hóa quy định tại Điều 102 của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Trong phạm vi chức năng của mình, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Về tổ chức TAND, dự thảo Luật xác lập mô hình tổ chức Tòa án bốn cấp: TANDTC; các TAND cấp cao; các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các TAND sơ thẩm khu vực. TAND sơ thẩm khu vực được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một tỉnh; hoặc theo phương án 2 là TAND sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện. Theo tôi là đã cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 103 của Hiến pháp, trong đó có những nguyên tắc mới quan trọng như nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong xét xử; nguyên tắc suy đoán vô tội; đồng thời, bổ sung thêm nguyên tắc có tính chất đặc thù trong tổ chức và hoạt động của Tòa án đã được ghi nhận tại các văn kiện Đại hội Đảng gần đây và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, cụ thể là “TAND được tổ chức, hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Đây là sự tiến bộ, bảo đảm cho Tòa án hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như hiến định.

 

PV: Dự thảo Luật quy định TANDTC có nhiệm vụ phát triển án lệ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng: Theo Dự thảo thì TANDTC không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm, mà chỉ thực hiện các chức năng giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về tổ chức. 

 

Để cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật” quy định tại khoản 3 Điều 104 của Hiến pháp, Dự thảo bổ sung nhiệm vụ của TANDTC là phát triển án lệ. Theo tôi, đây là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của TANDTC. 

 

Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện được vai trò là cơ quan cao nhất trong hệ thống Tòa án với các chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, thì Dự thảo đã quy định bộ máy giúp việc về chuyên môn, nghiệp vụ, hành chính tư pháp, quản lý các Tòa án thuộc chức năng của TANDTC là hợp lý, khoa học. Quy định như vậy chính là để giúp TANDTC thực hiện tốt công tác xét xử, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành nhanh gọn, thông suốt, có hiệu lực và hiệu quả cao các mặt công tác khác.

 

PV: Xin cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể hiện khá toàn diện yêu cầu cải cách tư pháp