Xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm: Luật sư tập trung gỡ tội cho nguyên Thành viên HĐTV PVN

Mạnh Hùng| 23/03/2018 20:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (23/3), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục diễn ra ở phần tranh tụng.

Theo đó, luật sư Phan Kim Tiến, bào chữa cho bị cáo Phan Đình Đức, nguyên Thành viên  HĐTV PVN cho rằng, theo QĐ 128 ngày 10/10/2011 của nguyên Chủ tịch Đinh La Thăng phân công cho các thành viên HĐTV PVN, bị cáo Phan Đình Đức phụ trách 4 công ty gồm PVS, PVM, PVT,…. Bị cáo không phụ trách lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Căn cứ để xem xét việc Phan Đình Đức ký tên trên văn bản 124 có phải là hành vi cố ý làm trái hay không?

Vị luật sư này cho rằng, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả thẩm vấn những người làm chứng tại phiên tòa cho thấy, việc Viện kiểm sát viện dẫn lời khai của các nhân chứng ban thư ký để khẳng định Phan Đình Đức đã ký văn bản 124 theo báo cáo tuần của PVN là không khách quan và không được coi là chứng cứ.

Việc sử dụng làm chứng cứ là trái với quy định của luật tố tụng quy định về chứng cứ. Vì, thứ nhất lời trình bày của bị cáo Đức tại tòa cho biết, tối 13/5 -15/5, bị cáo đi Sài Gòn, tối 16 về Hà Nội, ngày 17 đi làm.

Theo đó, Việc PVN ban hành nghị quyết 4266, tăng vốn và quyết định chuyển tiền, bị cáo không nhận được thông báo dưới bất kỳ hình thức nào. Bị cáo khẳng định không nhận được dự thảo nghị quyết và quyết định.

Lời khai này phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ, phù hợp kết luận giám định số 5962 của Bộ Công an. Cơ quan điều tra đã lập biên bản dữ liệu điện tử, giao cơ quan điều tra mô tả in chụp màn hình đường dẫn tới văn bản công văn nội bộ.

Xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm: Luật sư tập trung gỡ tội cho nguyên Thành viên HĐTV PVN

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Luật sư Tiến cũng cho rằng, theo lời khai nhận của Nguyễn Xuân Thắng, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và người làm chứng. Đức ký văn bản 124 vào ngày 17, nhưng ngày 15/5/2011 đã có văn bản có nội dung “anh Đức ok”, “anh Thắng ok”, thể hiện nội dung không đúng sự thật.

Tôi khẳng định dữ liệu điện tử do cơ quan điều tra thu thập được sử dụng làm chứng cứ và có căn cứ chứng minh bị cáo Đức đã ký biên bản 124 trước ngày 16/5 là không có căn cứ theo quy định của tố tụng hình sự về chứng cứ.

Theo cáo trạng truy tố, lời khai của bị cáo Nguyễn Khánh Trường và lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Liêm. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ có việc mớm cung hay không. Chúng ta chưa bao giờ hỏi rằng các bị cáo biết được việc này là do đâu? Vì lời khai của các bị cáo không khách quan nên các bị cáo đã thay đổi lời khai tại tòa. Các bị cáo Vũ Khánh Trường và Nguyễn Thanh Liêm đều khai không biết bị cáo Đức ký vào lúc nào.

Với các luận cứ nêu trên, vị luật sư này đề nghị Viện kiểm sát và HĐXX xem lại tài liệu để viện dẫn cho chính xác, có sử dụng lời khai này làm căn cứ để buộc tội Phan Đình Đức hay không? Trong lời khai trùng nhau, các bị cáo có có những lời khai khác nhau.

Từ  đó, luật sư Tiến đề nghị HĐXX và Viện kiểm sát rút quyết định truy tố đối với bị cáo Phan Đình Đức, nếu không thì áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Đức.

Cùng trong phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Xuân Nam, bào chữa cho Phan Đình Đức cho rằng, căn cứ vào năng lực tài chính, mức độ rủi ro, bị cáo Phan Đình Đức không được phân công vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thân chủ tôi không nhận bất kỳ tờ khuyến nghị nào.

Bên cạnh đó, Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng khiến PVN mất toàn bộ vốn là hoàn toàn không có căn cứ và để lại hậu quả lớn vô cùng. Việc đầu tư này đem lại nguồn lợi lớn cho PVN, không có một tổ chức nào không đầu tư, vì từ 2009-2013, số tiền cổ tức đã là 233 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Phan Đình Đức còn sinh ra trong một gia đình có nền tảng và nhân thân tốt. Bản thân bị cáo đóng góp rất lớn trong suốt quá trình công tác. Chính bố đẻ của bị cáo là người đặt nền móng đầu tiên cho ngành dầu khí …. Trên cơ sở tài liệu và phân tích nêu trên, luật sư Nam gửi cảm ơn Viện kiểm sát, HĐXX đã điều hành phiên tòa công minh, một phiên tòa thể hiện rất tốt chủ trương cải cách tư pháp.

Theo đó, luật sư Nguyễn Xuân Nam đề nghị tuyên thân chủ của mình không phạm tội Cố ý làm trái.

Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng đề nghị HĐXX xem xét lại việc Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Nếu không thì không sớm thì muộn các cổ đông cũng sẽ tiến hành khởi kiện về quyết định mua bắt buộc với giá 0 đồng này.

Cũng trong phiên tòa chiều nay, phía nguyên đơn dân sự, đại diện PVN cho rằng, trong phần luận tội của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát nêu liên đới các bị cáo bồi thường cho PVN 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên tòa, PVN đã có văn bản nêu rõ: đề nghị HĐXX căn cứ vào kết quả điều tra, xem xét những vấn đề liên quan tới PVN để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của PVN.
                      
Việc xử lý vật chứng đối với 20 tỷ đồng mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát đề xuất tuyên hoàn trả số tiền này cho PVN. Đại diện PVN cho rằng đây là quan hệ dân sự giữa Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh nên phía PVN đề nghị căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án để cho ra quyết định xử lý vật chứng theo uy định của pháp luật.

Việc góp vốn vào OceanBank, theo đại diện của PVN, do hậu quả của chính sách kinh tế, chủ trương kiềm chế lạm phát, PVN đã dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt và thực hiện việc góp vốn vào OceanBank. Vì thế, phía PVN đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh chung để cân nhắc giải quyết vụ án.

Về phía OceanBank, người đại diện nêu rõ: Về số tiền 20 tỷ đồng mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã chiếm đoạt, đại diện OceanBank đề nghị HĐXX xem xét rõ phần tiền này và đề nghị HĐXX tuyên trả về OceanBank.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (24/3).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm: Luật sư tập trung gỡ tội cho nguyên Thành viên HĐTV PVN