Chiều 27/2, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức hội nghị công bố phần mềm lắng nghe mạng xã hội, một công cụ mang lại những tính năng hỗ trợ mạnh mẽ, sát thực với cuộc sống xã hội số.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, TP.HCM có khoảng 10 triệu dân, nhưng có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội, khoảng 200 cơ quan báo chí, 355 mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử. TP.HCM cũng là nơi có nhiều người sáng tạo nội dung nhiều nhất cả nước.
Trung bình mỗi tuần, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận không dưới 10 đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan các hoạt động trên mạng internet. Thực tế công tác xử lý, xử phạt các chủ tài khoản vi phạm cũng cho thấy nhiều người dùng chưa hiểu đầy đủ các quy định pháp luật.
Theo ông Thắng, cuộc sống người dân đang dịch chuyển trên mạng rất nhiều. Do vậy, ngoài nguồn thông tin từ các cơ quan báo chí thì mạng xã hội cũng là một kênh thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Mặt khác, lãnh đạo TP.HCM cũng mong muốn có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân trong thực thi chính sách.
Phần mềm lắng nghe mạng xã hội là sản phẩm khởi đầu cho năm chuyển đổi số, hoạt động theo thời gian thực, giúp các sở ngành, địa phương tiết kiệm được nguồn nhân lực làm công tác tổng hợp. Thay vào đó, nguồn nhân lực này tập trung cho phân tích và tham mưu chính sách.
Cũng tại hội nghị, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Thanh Hoà cho biết, việc theo dõi, nắm thông tin và phân tích dữ liệu từ báo chí, mạng xã hội và nền tảng mạng Internet đang trở nên hết sức cần thiết. Đây chính là nguồn tin đầu vào quan trọng cho các dự thảo chính sách và ra quyết định điều hành của các nhà quản lý.
Theo ông Hoà, việc thu thập dữ liệu toàn diện, phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng Online khác.
Bên cạnh đó, phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và học phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh, hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý.
Ngoài ra, phần mềm cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu.
Ngoài các thông tin tích cực, mạng xã hội cũng là nơi lan tỏa nhiều thông tin tiêu cực, không kiểm chứng. Dòng chảy của thông tin đã hình thành một nền kinh tế dựa trên sự chú ý, điều này cũng dẫn đến một số vụ việc phát sinh thời gian qua như vụ đầu bếp Võ Quốc, vụ việc Ngọc Trinh hay gần đây nhất là những phát ngôn của Nam Em.
Thông tin thu thập được trên mạng internet là nguồn tư liệu quan trọng. Có thể xem đây chính là tiếng nói, mong muốn của người dân đối với chính quyền TP.HCM nói riêng và các tác động của chính sách đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động của người dân và doanh nghiệp từng ngày, từng giờ.
Luồng thông tin này giúp cho chính quyền TP.HCM, các cơ quan tham mưu có thể nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị và phản hồi từ người dân, đồng thời đề xuất tối ưu hóa chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nhu cầu, mong muốn chính đáng của người dân.
Tại hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP và Đoàn Luật sư TPHCM đã cùng ký kết hợp tác ghi nhớ về phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Việc ký kết nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải thiện chính sách và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức trong việc đảm bảo an toàn cho mọi người khi sử dụng Internet và các nền tảng truyền thông xã hội. Đồng thời, đảm bảo sự an toàn, minh bạch và sự phát triển bền vững trên Internet và các nền tảng truyền thông xã hội.