Kế thừa các nội dung còn giá trị của các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trong bộ máy Nhà nước
Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử từ ngày lập quốc đến trước khi ban hành Hiến pháp 2013, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND có sự thay đổi cùng với sự thay đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về cách thức tổ chức, phân công nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.
Kế thừa các nội dung còn giá trị của các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trong bộ máy Nhà nước. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhìn chung đã cơ bản thể hiện được tinh thần của bản Hiến pháp mới này.
Ngay trong Điều 2, Hiến pháp đã khẳng định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Với quy định này cùng các quy định khác có liên quan, Hiến pháp 2013 không chỉ nói rõ, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, TAND thực hiện quyền tư pháp, mà còn hiến định nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là lần đầu tiên, TAND được coi là chủ thể thực hiện một nhánh quyền lực trong tổ chức bộ máy Nhà nước của nước ta.
Bằng việc quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102), Hiến pháp xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò, chức năng của TAND trong bộ máy cơ quan Nhà nước.
Quyền tư pháp, chức năng xét xử của TAND, thể hiện ở chỗ: TAND là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội. Xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, quy định của Hiến pháp là cơ sở hiến định cho việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại án, thể hiện xu thế tất yếu của Nhà nước pháp quyền.
Quyền con người là quyền thiêng liêng, quan trọng nhất đối với con người, do Hiếp pháp quy định và thực hiện trực tiếp mà không cần thông qua luật định. Vì vậy, TAND là cơ quan duy nhất phán quyết những vấn đề về quyền con người (như tuyên bố một người đã chết, xác định cha, mẹ cho con, tuyên bố tước, hạn chế tự do, áp dụng các hình phạt liên quan đến quyền con người…). Theo khoản 3 Điều 102 Hiến pháp, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiến pháp đã nhấn mạnh việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của TAND; sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là nhiệm vụ đặc trưng thể hiện cao nhất, tập trung nhất đối với cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án phải là nơi mà mọi con người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, tìm đến sự thật. Khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc bị tranh chấp, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến công lý. Vì vậy, có thể nói, theo Hiến pháp mới, Tòa án là biểu tượng của công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý.
PGS. TS. Trần Văn Độ
Khác với việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, các hoạt động nêu trên của TAND được thực hiện theo một thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, vô tư, khách quan, tuyệt đối tuân thủ pháp luật và mang tính độc lập tuyệt đối.
Về việc kiểm soát của cơ quan tư pháp (Tòa án) đối với cơ quan lập pháp, hành pháp, theo quy định của Hiến pháp, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, TAND có kiểm soát các cơ quan khác trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp.
Với tinh thần này, phạm vi kiểm soát của Tòa án thể hiện cơ bản trong các điểm sau đây: Đối với hoạt động lập pháp, thông qua hoạt động xét xử của mình, Tòa án phải có quyền: phán quyết tính hợp hiến của các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành, của các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ chế phán quyết đó có thể là bằng Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp hoặc bằng một cơ chế hữu hiệu, khả thi khác phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia; giải thích luật, pháp lệnh. Luật, pháp lệnh được ban hành có thể có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng là cơ quan áp dụng luật để phán quyết về các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp pháp lý, phán quyết về quyền con người được Hiến pháp ghi nhận nên Tòa án phải có quyền hiểu và giải thích những nội dung chưa rõ ràng, chưa xác định đó của luật được áp dụng. Đặc trưng của việc giải thích luật của Tòa án thể hiện ở chỗ, việc giải thích đó thông qua các phán quyết cụ thể có hiệu lực pháp luật (án lệ), thông qua các văn bản của cơ quan xét xử cao nhất (như Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) và thông qua các biện pháp bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khác.
Còn đối với hoạt động hành pháp, trước hết, TAND thụ lý, giải quyết các khiếu kiện hành chính, phán quyết về các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử hành chính của TAND là xu thế tất yếu của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; TAND phán quyết về các vi phạm pháp luật mà cơ quan hành pháp, khi thực hiện chức năng thi hành luật, phát hiện và truy cứu ra trước Tòa án để Tòa án phán quyết có vi phạm pháp luật hay không và biện pháp chế tài để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đó.
Đây cũng chính là những nội dung cơ bản mà tinh thần của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể hiện được.
Tại Điều 104, Hiến pháp mới quy định giao cho TANDTC thẩm quyền bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đây là bảo đảm quan trọng cho hoạt động của Tòa án, phù hợp với chức năng áp dụng pháp luật của cơ quan tư pháp. Điều này có nghĩa là ngoài tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, TANDTC còn có thể bằng các hình thức khác nhau bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như thực hiện giám đốc xét xử, ban hành án lệ.
Với tinh thần trên, theo chúng tôi, việc TAND tổ chức tổng kết thực tiễn, tìm ra những vướng mắc trong nhận thức về pháp luật, trong thực tiễn áp dụng pháp luật để có những biện pháp giải đáp, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của các TAND (như nhiều năm trước đây TANDTC đã làm) là phù hợp với chức năng Hiến định của TAND.
Có thể thấy, quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung và về TAND nói riêng là bước phát triển mang tính đột phá của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây. TAND đã được Hiến định một cách rõ ràng với vị trí là cơ quan tư pháp, có chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, để hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp thực sự có hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh việc sửa đổi căn bản Luật Tổ chức TAND năm 2002, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng tư pháp cũng như các thẩm quyền khác của Tòa án.
Đó là, mở rộng thẩm quyền của Tòa án, giao cho TAND thẩm quyền phán quyết về mọi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; đặc biệt là thẩm quyền xử lý, xử phạt hành chính; cần có các quy định cho phép TAND thực hiện việc kiểm soát các hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp.
Với thực tiễn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong thời gian qua, đồng thời với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao cho TANDTC thẩm quyền giải thích luật là hợp lý. Khi cần ban hành văn bản liên tịch giữa TAND với các cơ quan hành pháp, chủ thể phối hợp soạn thảo, ký kết phải là Chính phủ, Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không nên là các Bộ, ngành như quy định hiện hành. Đồng thời, ngoài giải thích luật, TANDTC cần có thẩm quyền sử dụng các biện pháp khác nhau để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như phát triển án lệ; tổng kết thực tiễn xét xử, ban hành văn bản giải đáp vướng mắc, thống nhất nhận thức về luật áp dụng trong xét xử của các TAND.
Mặt khác, là chủ thể có quyền độc lập đưa ra các phán quyết cuối cùng để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không có lý do gì hoạt động của Tòa án lại bị kiểm soát bởi Viện kiểm sát. Ngược lại, nên giao cho Tòa án thẩm quyền kiểm soát, kiểm tra các hoạt động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do, dân chủ và các quyền lợi hợp pháp của cá nhân, công dân, tổ chức. Đây cũng là xu hướng thay đổi phổ biến trong nhận thức và áp dụng pháp luật tại nhiều nước Đông Âu và Liên Xô cũ…
Đồng thời, TAND cũng cần phải có sự độc lập nhất định về tổ chức và hoạt động. Độc lập không phải là điều kiện để đảm bảo thực hiện mà là thuộc tính vốn có của quyền tư pháp. Do đó, các TAND cần được tổ chức độc lập, không chỉ không phụ thuộc vào cấp hành chính mà còn không bị phụ thuộc bởi Tòa án cấp trên; việc phân cấp ngân sách cho các TAND nên giao cho Quốc hội và trong nghị quyết cần phê chuẩn đến từng Tòa án cụ thể.
Các Thẩm phán cần được bổ nhiệm với thời hạn dài hơn để bảo đảm tính ổn định và yên tâm công tác. Cần đổi mới quy trình thi tuyển, tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán để có được những cán bộ thực sự có trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, sự trọng vọng của xã hội đi đôi với chế độ đãi ngộ tương xứng để Thẩm phán có thể và “dám” xét xử một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có thể vận dụng sáng tạo pháp luật và chia sẻ lương tâm của người Thẩm phán trong quá trình xét xử.