Hiện nay, TP.HCM đang bắt đầu tập trung nguồn lực để xây dựng, chỉnh trang lại các nhà vệ sinh công cộng.
Nhà vệ sinh công cộng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách mà còn là tiện ích chung để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, nhất là đối với các thành phố lớn.
Vừa qua, bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia đánh giá chất lượng nhà vệ sinh công cộng của TP.HCM xếp thứ 67/69 thành phố du lịch trên thế giới. Thông tin này được lan truyền rộng rãi khiến không ít người dân, du khách thất vọng bởi một thành phố là đầu tàu về kinh tế, có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước lại nằm trong “top” cuối về nhà vệ sinh công cộng.
Trước đó, vào năm 2016, UBND TP.HCM triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên đến nay đề án này vẫn chưa thực hiện được. TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân đang sinh sống. Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch ước đạt khoảng 160.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện chỉ có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng.
Nhìn vào con số trên sẽ thấy được sự khập khiễng vì các công trình hiện hữu không thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Chưa kể, trong số các nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng, không ít các công trình bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, nhiều nhà vệ sinh khác bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí không thể sử dụng được.
Hiện nay, nhiều người dân, du khách đến TP.HCM gặp khó khăn trong việc tìm nhà vệ sinh công cộng (nhất là người già, người khuyết tật, trẻ em)... ngay cả tại khu vực trung tâm thành phố.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1 về việc chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, đặc biệt là vấn đề cải tạo, xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh phải xem việc cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng là quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách. Ông yêu cầu các đơn vị, tới 30/4, phải làm chuyển biến căn bản nhà vệ sinh công cộng.
Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ngày 20/3, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Quận 1 khởi công cải tạo, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại công viên Phong Châu, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1.
Quy mô đầu tư nhà vệ sinh công cộng này gồm năm buồng vệ sinh, được duy trì từ nguồn xã hội hóa và đảm bảo chi phí vận hành thường xuyên để phục vụ miễn phí cho người dân và du khách. Dự kiến việc cải tạo, sửa chữa hoàn thành trước ngày 30/4.
Vừa qua, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức xây mới, sửa chữa 2 công trình nhà vệ sinh khu vực trường học tại 2 huyện ngoại thành.
Cụ thể, xây dựng mới 1 công trình tại Trường Tiểu học Lê Thị Pha, huyện Củ Chi và sửa chữa 1 công trình tại Trường Tiểu học Qui Đức, huyện Bình Chánh với tổng kinh phí gần 300.000.000 đồng, phục vụ nhu cầu cho hơn 600 học sinh của 2 trường.
Ông Dương Ngọc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM nhìn nhận, trong những năm gần đây, hệ thống các nhà vệ sinh trong trường học tại một số nơi đang bị xuống cấp, chưa đảm bảo để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho các em, đặc biệt là các trường thuộc các xã, huyện vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Tuấn, việc xây dựng mới nhà vệ sinh hỗ trợ các trường, điểm trường là một trong những mục tiêu đáp ứng nhu cầu thiết yếu không những đảm bảo môi trường mà còn đảm bảo về quyền lợi sức khỏe của học sinh. Phần nữa, xây dựng nhà vệ sinh đúng chuẩn, nhằm thiết giảm những vấn đề về xâm hại tình dục trong trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cả nước có 188.000 nhà vệ sinh cho học sinh các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố, 33% còn lại cần hỗ trợ để nâng cấp, xây mới.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cùng các cơ quan, đơn vị, thời gian tới, nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP.HCM sẽ khoác lên mình chiếc áo mới, đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, du khách, qua đó tạo ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 về việc tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị
“Tại một số khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp còn thiếu các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), trạm y tế; hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học, khu vực công cộng đô thị, khu du lịch… còn thiếu, xuống cấp và quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách ”, công điện nêu.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có chức năng khẩn trương lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm công năng, sử dụng thuận tiện, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, hoàn thành chậm nhất trong Quý III năm 2023; lập chỉ dẫn các nhà vệ sinh công cộng để người dân và du khách tiếp cận sử dụng;
Những nơi chưa có, cần khẩn trương quy hoạch, sắp xếp bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong tổ chức quản lý, vận hành và các vấn đề phối hợp liên ngành, bảo đảm đến năm 2023 hoàn thành đầu tư xây dựng.
Khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các mô hình mới đáp ứng yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường…