Ngày 6/12/2012 “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vậy là cùng với Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên, Quan họ, Ca trù, hát Xoan, hội Gióng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 7 của Việt Nam được thế giới công nhận…
Đến thăm đền Hùng ngày xuân này, suy ngẫm thông điệp tinh thần qua những vế câu đối, chúng ta càng thấy thêm biết ơn tổ tiên và yêu quý, tự hào hơn về non sông gấm vóc Việt Nam.
Câu đối Đền Hùng có nhiều dạng, nhiều nhất và lâu đời nhất là câu đối chữ Hán, sau đó là câu đối Hán Nôm và quốc ngữ. Trong đó hẳn nhiên, câu đối chữ Hán hàm súc nhất nhưng cũng khó hiểu nhất, dù mức độ khác nhau, nhất là đối với người đọc hôm nay.
Đôi câu đối ngay cổng tam quan:
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trở thành di sản nhân loại - Đền Thượng
Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn
Nghĩa là: Mở lối đắp nền, bốn phía non sông đều qui một mối, được ghi chép ở đây. Chữ Tịch dùng trong “hộ tịch” ngày nay. Lên cao nhìn rộng, đồi núi trùng điệp như cháu con đông đúc…
Có ý kiến phân tích, chữ Thác nghĩa là nâng lên, dùng sức tạo dựng. Chữ Thuỷ gồm chữ Nữ và chữ Thai, có nghĩa là sự sinh nở. Như vậy thác - sức lực tạo dựng thì hiểu là cha, thuỷ - sinh nở hiểu là mẹ. “Thác Thuỷ” là xuất phát từ truyền thuyết cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ sinh ra 100 người con, tỏa đi khắp cõi, đi khắp sơn hà nhưng đều quy từ một gốc. Nếu như vế trước ca ngợi công ơn tiên tổ, thì vế sau nói về tiền đồ rộng mở, lên cao thấy xa, núi non trùng điệp, đông đúc như cháu con 90 triệu hôm nay.
Đôi câu đối này như sự diễn giải ý nghĩa bốn chữ đại tự ở trên “Cao sơn cảnh hành” nghĩa là núi cao ta ngẩng trông, đường lớn ta đi tới - nói về công ơn xây dựng cơ đồ, lập quốc khai cơ của tổ tiên ta, càng suy ngẫm càng thấy lớn lao và tương lai rộng mở của dân tộc ta ngày càng thênh thang, rộng mở. Đây là chữ lấy từ Kinh Thi: “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ”. Nhan Hồi, một học trò yêu của Khổng Tử nói về đạo của thầy rằng: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu” (Luận ngữ, chương Tử hãn), nghĩa là: Càng ngẩng trông càng thấy cao, đục đẽo vào càng thấy cứng, vừa thấy đằng trước, thoắt đã đằng sau.
Đặc biệt, trong số câu đối Đền Hùng, có nhiều câu thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức độc lập, chủ quyền rất mạnh mẽ, mang tinh thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” – Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời” của bài thơ Thần, tương truyền của Lý Thường Kiệt viết trong dịp chống quân Tống xâm lược năm 1076.
Rõ nhất ở những đôi câu đối sau đây.
Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ.
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đới thượng triều tôn.
Nghĩa là: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, Bách Việt non sông có tổ. Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua.
Người soạn câu đối đã dùng bốn chữ “Thiên thư định phận” trong bài thơ Thần để một lần nữa khẳng định chủ quyền độc lập bất khả xâm phạm của đất nước ta, mà khi đọc lên, hậu thế không thế không nghĩ đến hai câu sau của bài thơ mang tính tuyên ngôn độc lập này: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”- Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Đền Hùng cũng có bức hoành phi đề bốn chữ “Nam quốc sơn hà”.
Một đôi câu đối khác, khá đặc biệt vì hội tụ tất cả tinh thần của các câu đối, hoành phi ở Đền Hùng:
Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ
Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn
Tiếc rằng đôi câu đối này đang có nhiều cách nhiểu khác nhau, biểu hiện ở nhiều bài viết, nhiều bài báo, trong cả sách giới thiệu Đền Hùng, có người dịch rằng:
Đất này, núi này là của nước Nam
Vua ta, đất ta làm phương Bắc cũng nể vì.
(Nguyễn Khắc Xương - Tạp chí Hán Nôm số 2 – 1996).
Có người cho rằng phải dịch là:
Đất này, núi này, nước Nam dấy nghiệp
Vua ta, nước ta, vua Bắc nể vì.
“Phương Bắc cũng nể vì” hay “Vua Bắc nể vì” đều dịch từ chữ “Bắc thần tôn”, với lý lẽ: “Chữ Bắc trong Bắc thần tôn, nên hiểu và dịch là phương Bắc, Bắc quốc, mới đối được với vế trên là Nam quốc. Chữ Thần gồm bộ Miên ở trên và chữ Thìn ở dưới, Từ điển Số tứ giác của Trung Quốc trang 238 giải thích là Đế vương. Từ điển Trung Việt trang 150 giải nghĩa là Vua, thần cư là nơi ở của vua, thần chương là văn chương của vua. Chữ Tôn ở đây nghĩa là tôn trọng, nể vì…” (Phạm Thức – tài liệu đánh máy)
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “Bắc thần” không phải là phương Bắc hay Bắc quốc mà là chữ lấy từ sách Luận ngữ. Đó là câu trong chương Vi chính: " Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi". Nghĩa là, Khổng Tử nói rằng: Người làm chính trị, cầm quyền trị dân mà dùng đức để thi hành chính sự thì mọi người dân đều tuân phục, tựa như ngôi sao Bắc thần (Bắc đẩu) ở một chỗ mà mọi vì sao khác đều chầu theo.
Do đó, chữ “Bắc thần tôn” trong đôi câu đối Đền Hùng trên đây phải hiểu là Vua ta lấy đức trị dân, được dân ta tôn kính, tuân phục, chứ không liên quan gì đến “phương Bắc” hay “Bắc quốc”.
Vì thế, câu đối này có nghĩa là: Đất này, núi này đã được ghi chép là của nước Nam/ Vua ta trị đất ta bằng đức nên dân chúng tôn kính, như sao Bắc thần, muôn vì sao hướng theo. Như vậy “Nam quốc kỷ” cũng là sự thể hiện tinh thần quả quyết “Rành rành định phận tại sách trời”.
**
Với bề dày lịch sử, với những phong tục thờ vua Hùng truyền từ đời này sang đời khác và tập hợp phong phú những câu đối, hoành phi hàm súc và sâu sắc, Đền Hùng mãi mãi là chốn đi về của người dân nước Việt từ mọi miền Tổ quốc và ở đâu trên trái đất này.
Nguyễn Minh Khuê